Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim truyền hình: Nhàm chán vì diễn viên thiếu và yếu

Tạp Chí Giáo Dục

Diễn viên Vân Trang trong phim Lòng dạ đàn bà. Ảnh: Lữ Đắc Long

Xuất hiện với tần suất dày đặc trong 2-3 bộ phim truyền hình dài tập, có khi lại cùng một thời điểm phát sóng, điều này khiến nhiều diễn viên đắt show đóng phim đã trở nên bị bội thực, nhàm chán trong mắt khán giả.
Diễn viên liên tục “phủ sóng”
Thời gian qua, diễn viên Khương Ngọc liên tục có phim mới và cũ như Giấc mơ biển, Sự thật vô hình, Chuyện tình mùa thu, Chàng trai không biết ghen, Mẹ và con trai… phát sóng trên hàng loạt các kênh truyền hình. Tương tự, diễn viên Vân Trang cũng xuất hiện dày đặc qua các vai chính trong các phim Tình như tia nắng, Một thời ta đuổi bóng, Sự thật vô hình, Tình yêu trong sáng, Lòng dạ đàn bà, Lối sống sai lầm… Nhật Kim Anh “phủ sóng” liên tiếp trên VTV9, HTV7, Vĩnh Long 1, SCTV 14 các phim Dương cầm, Đôi mắt ân tình, Gieo gió, Mày râu làm vợ, Khoảnh khắc tình cờ, Vòng xoáy bạc… Các diễn viên khác như Minh Luân, Thúy Diễm, Hoàng Anh, Trọng Nhân, Tường Vy, Ngọc Thuận, Quý Bình… cũng “chiếm sóng” hàng loạt bộ phim. Đó là các diễn viên đảm nhận vai chính, thứ chính. Còn các diễn viên đóng vai phụ như Hoài An, Trịnh Kim Chi, Huỳnh Anh Tuấn, Công Ninh, Hoàng Mập, Thanh Điền… thì không hề thấy vắng mặt trên giờ phim Việt của các kênh truyền hình từ thành phố lớn đến tỉnh lẻ.
Việc một diễn viên xuất hiện liên tục trong nhiều bộ phim truyền hình, phát sóng cùng một thời điểm trên nhiều kênh khác nhau không có gì để phàn nàn, hoặc còn được điểm “cộng” nếu họ có khả năng hóa thân vào nhiều loại nhân vật tính cách khác nhau, với những sáng tạo mới và không lặp lại mình trong mỗi vai diễn. Còn đằng này… như trường hợp của diễn viên Nhật Kim Anh, trong một khoảng thời gian, có đến ba phim (tổng cộng 100 tập) ra mắt khán giả. Dù ba nhân vật nữ chính của Nhật Kim Anh có hoàn cảnh khác nhau, song đều có mẫu số chung là tính cách hiền lành, vì nghịch cảnh phải rơi nhiều nước mắt. Nhật Kim Anh đẹp thật nhưng nếu theo dõi kỹ cả ba phim sẽ nhận thấy một gương mặt với cử chỉ, điệu bộ, khóc cười giống nhau. Không riêng gì Nhật Kim Anh mà nhiều diễn viên đắt show khác cũng không tránh khỏi chuyện lặp lại một gương mặt, một điệu bộ từ phim này sang phim khác.
Lỗi tại ai?
Diễn viên là linh hồn để chuyển tải thông điệp của phim và đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hút khán giả đón xem phim. Kịch bản hay, đạo diễn giỏi mà diễn viên diễn xuất kém thì cũng khó có được nhiều khán giả. Việc quyết định ai sẽ đóng vai chính, phụ trong một bộ phim phụ thuộc vào đạo diễn. Bởi vậy, để diễn viên xuất hiện nhiều dẫn đến nhàm chán trong mắt khán giả thì lỗi là do đạo diễn. Theo đạo diễn Phi Tiến Sơn thì: “Trong giai đoạn bùng nổ sản xuất phim hiện nay, việc lựa chọn diễn viên đúng là khâu đau đầu nhất. Có thể nói gọn trong hai từ thiếu và yếu. Hiện chúng ta có khoảng bao nhiêu diễn viên đảm nhận được vai chính? Câu trả lời là vài chục, trong khi ta đang sản xuất vài trăm đến vài ngàn phim”.
Do ít diễn viên mà phim nhiều nên chuyện mời người quen đóng phim liên tục, hay “đóng khung” ê kíp làm phim đi theo một đạo diễn đắt show đã trở nên phổ biến. Không khó để nhận thấy, bộ phim A. hay bộ phim B. của đạo diễn C. có dàn diễn viên chỉ “đổi chỗ” hay thêm vài diễn viên mới còn thì gần như “bê” nguyên dàn diễn viên chính – thứ từ phim này qua phim khác, vô tình lên sóng cùng thời điểm, dù ở hai kênh khác nhau khiến khán giả lúng túng khi phân biệt đâu là phim A. hay phim B.?
Với sự tư vấn của đạo diễn, một số nhà sản xuất dễ dàng chấp nhận phương án “biến” một số diễn viên thạo việc và quen mặt thành “gà nhà”. Tuy không độc quyền nhưng được ưu tiên mỗi khi hãng có phim mới. Hay diễn viên X. sau khi tham gia một bộ phim của hãng Y. tạo được ấn tượng tốt về diễn xuất, giúp phim có rating cao, thu hút được nhiều spot quảng cáo thế là được nhà sản xuất mời đóng liên tục 2-3 phim có cùng thể loại, mô típ nhân vật na ná nhau, phát sóng nối nhau… Cách này đôi khi phản tác dụng bởi khán giả thấy X. xuất hiện trong 1-2 phim thì còn thích, nhưng gặp hoài sẽ nhàm chán. Khi được hỏi tại sao cứ mời mãi một gương mặt đã quá quen, có đạo diễn nói thẳng rằng kinh phí làm phim ít, thời gian quay phim có hạn, nếu mời các ngôi sao tài – sắc mà không bị “quen mặt” thì phải trả cát sê cao và họ không chịu đóng các phim truyền hình bậc trung, tìm diễn viên mới thì phải tốn thời gian hướng dẫn diễn xuất mà thời gian quay chỉ 1-2 ngày/tập, diễn viên quen thì mọi người đã hiểu nhau, làm việc chung sẽ suôn sẻ hơn… Có thể nói, nếu các đạo diễn, nhà sản xuất không quan tâm đến việc tìm kiếm, đào tạo diễn viên mà cứ mãi “ăn theo” các gương mặt đã quá quen thuộc thì khó có thể giúp cho phim truyền hình tươi mới, thú vị hơn với đông đảo khán giả!
Phim Việt muốn giữ được người xem, trước tiên là phụ thuộc vào đội ngũ diễn viên vừa tài năng, có sắc vóc, biết làm mới cho diễn xuất, hình ảnh của mình ở mỗi vai diễn khác nhau…
Đinh Lăng
Vân Trang tâm sự: “Trong suy nghĩ, tôi muốn mình mỗi năm chỉ đóng 1-2 phim thôi để có thời gian đầu tư cho nhân vật. Nhưng vì cuộc sống không cho phép tôi lựa chọn. Vì vậy, khán giả cũng nên thông cảm với chuyện chạy show của các diễn viên”.
 

Bình luận (0)