Trong khi các phim truyền hình phía Bắc hiện nay đều đã áp dụng thu tiếng đồng bộ, thì phần lớn phim truyền hình sản xuất ở phía Nam vẫn còn theo phương pháp lồng tiếng. Điều này làm giảm sự hào hứng của người xem.
Tăng độ chân thật của phim
Xem phim Bão ngầm đang phát, nhiều khán giả nhận thấy có một vấn đề bộc lộ rõ đó là khả năng thoại của diễn viên. Nếu diễn viên miền Bắc thoại bằng giọng thật thì các diễn viên miền Nam phải lồng tiếng người khác, ngay trong cùng một cảnh quay. Ở diễn viên phía Bắc, người xem cảm nhận được hơi thở, sắc thái trong giọng nói, thì ở diễn viên phía Nam không thể thấy điều đó.
Một vấn đề lớn hơn là quan sát các bộ phim truyền hình hiện nay, có thể thấy điểm khác biệt rõ nhất là phim sản xuất ở phía Bắc luôn thu tiếng đồng bộ, còn phim phía Nam đa số vẫn sử dụng phương pháp lồng tiếng. Có một nghịch lý là nếu như trước đây, lồng tiếng được xem là “vị cứu tinh” của phim Việt, thì vài năm gần đây, khán giả đã quen và thích thú với những bộ phim được thu tiếng trực tiếp, bởi cách làm này khiến phim chân thật hơn.
Các phim truyền hình phía Nam đang phát như Trà táo đỏ phần 2, Sau phút đam mê, Phục hận đều sử dụng phương pháp lồng tiếng. Ảnh: Cảnh trong phim Sau phút đam mê
Trong khi đó, phim truyền hình phía Nam đến nay vẫn không có nhiều phim thu tiếng trực tiếp, trừ thể loại sitcom.
Nữ diễn viên Ngọc Lan, người vừa Bắc tiến thành công với phim Mặt nạ gương cho biết: “Đối với diễn viên, thu tiếng đồng bộ hay lồng tiếng đều có cái hay riêng. Thuận lợi của thu tiếng trực tiếp là tôn diễn xuất của diễn viên, tuy nhiên diễn viên vất vả hơn vì phải thuộc thoại. Nếu đang diễn những đoạn la hét hoặc cảnh tình cảm, mà bối cảnh lọt tạp âm thì phải làm lại, mà diễn đi diễn lại dễ chai cảm xúc. Lồng tiếng diễn viên đỡ cực hơn, lỡ quên thoại cũng được nhắc, hoặc trên hiện trường lúc đó thoại vấp thì lúc lồng tiếng có thể sửa được”.
Xu thế tất yếu
Nói về lý do phim truyền hình phía Nam khó thu tiếng đồng bộ chất lượng cao như phim truyền hình phía Bắc, đạo diễn Lê Hùng Phương – người từng cộng tác nhiều phim với Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) – chia sẻ: “Phim truyền hình phía Bắc mới phát trên hai kênh VTV1, VTV3 trong ba khung giờ. Trong khi ở phía Nam có nhiều kênh phát phim Việt hơn, ngoài HTV còn có SCTV, truyền hình Vĩnh Long. Để có nguồn phim cung ứng, các nhà sản xuất phải chạy đua với tiến độ. Nếu như phim truyền hình của VFC có thể quay ba, bốn, thậm chí năm ngày một tập, thì phim phía Nam quay chỉ một ngày rưỡi là xong một tập.
Phục hận, bộ phim phía Nam được lồng tiếng
Muốn thu tiếng đồng bộ chất lượng cao, đòi hỏi phải có nhiều đội ngũ kỹ thuật như người chỉnh nét, quay phim chuyên sử dụng các máy quay công nghệ mới, ngoài ra phải trang bị các thiết bị thu âm đồng bộ. Tốn tiền và tốn nhân sự rất nhiều. Chẳng hạn riêng tiền thuê người chỉnh nét đã được giảm giá cũng tốn 40 triệu đồng/tuần. Trong khi giá thành một tập phim truyền hình phía Nam chỉ khoảng 180 triệu đồng/tập. Thu tiếng đồng bộ chất lượng cao gặp khó về bối cảnh, vì trong vòng bán kính 500m phải đảm bảo không lẫn tạp âm.
Hồi làm phim Bán chồng phát trên VTV3, tôi từng khổ sở vì bối cảnh quay có tiếng ve kêu liên tục, gần đó còn có một đám tang, đoàn phim phải năn nỉ gia chủ xoay loa kèn trống sang hướng khác, chỉnh nhỏ âm thanh. Ghi hình theo phương pháp hiện đại này làm thời gian quay một tập kéo dài, không thể đảm bảo tiến độ một ngày rưỡi một tập được, vì trong lúc quay không thể tranh thủ sinh hoạt các khâu khác, như thay đổi bối cảnh, tập dượt thoại”.
Đạo diễn Phương Điền nằm trong số những người tiên phong làm phim thu tiếng đồng bộ (phim Dù gió có thổi, Cá rô em yêu anh), cho biết thêm khó khăn khác là khâu tuyển diễn viên: “Để thu tiếng đồng bộ, quá trình tuyển chọn diễn viên phải kỹ, người vào vai không những diễn tốt, mà còn phải có chất giọng tốt mới có thể truyền tải hết cảm xúc, tình cảm của nhân vật. Diễn viên phía Nam lại không nhiều người có đài từ đẹp”. Quả thật, so với chất giọng Bắc, giọng miền Nam vốn đã không phát âm chuẩn bằng, nguồn diễn viên phía Nam phần nhiều lại là người mẫu, người đẹp, ca sĩ nên càng gặp hạn chế về đài từ.
Diễn viên Ngọc Lan cho biết: “Xuất thân của tôi từ người mẫu, nên ban đầu giọng nói không được hay. Tôi tự học bằng cách ngậm bút để tập nói tròn vành rõ chữ, ghi âm giọng mình rồi nghe lại. Đến nay, 80% phim tôi đóng tôi đều tự lồng tiếng, thậm chí còn lồng cho người khác”.
Rõ ràng thu tiếng đồng bộ chất lượng cao là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn phát triển hiện nay của phim truyền hình. Đó cũng là quá trình sàng lọc tự nhiên diễn viên có thực lực. Nhưng xem ra với phim phía Nam, còn rất nhiều trở ngại phải giải quyết để có thể thực hiện được.
Theo Hương Nhu/PNO
Bình luận (0)