Với Người một nhà, khán giả thấy câu chuyện về tình anh em thật sự quá thú vị mà lâu rồi mới được khai thác vừa vui vừa lắm kịch tính như thế.
Người một nhà không chỉ chào đón sự trở lại thành công của Tuấn Tú, càng không chỉ cho thấy một khuôn mặt phim truyền hình tài năng Duy Hưng. Người một nhà cho thấy cách kể câu chuyện về tình cảm giữa hai anh em trai chân thành, giản dị nhưng xúc động. Trong đó, nhân vật Tuệ của Tuấn Tú hiền hậu, hơi ngố, còn Trí (Duy Hưng đóng) thông minh, từng trải, đã qua nhiều sóng gió cuộc đời. Điểm chung của họ là rất thương yêu nhau, sẵn sàng chịu thiệt để người kia được yên ổn, hạnh phúc. Xen giữa họ còn các mối quan hệ khác: với cha mẹ, với vợ và em dâu, với cô cháu gái yêu thương bác, với người trong cơ quan…
Người một nhà khai thác câu chuyện hai anh em trai yêu thương nhau gây xúc động. Ảnh: VFC
Trên fanpage của VTVgo, khán giả Nguyễn Thân bình luận: "Ở ngoài đời sẽ có những mảnh đời bất hạnh như Trí, nhưng khó có một người em trai đầy tình người như Tuệ. Sẽ có rất nhiều cô em dâu như Khanh và còn đáo để hơn Khanh nhiều… Mong phim sẽ kết thúc có hậu". Trong nhiều bàn luận khác về phim, đa số khán giả mong ước kết thúc có hậu cho Trí, để những người anh em thương yêu nhau như Trí và Tuệ có hạnh phúc lâu dài.
Một phim mới sẽ lên sóng vào 22.5 của VFC – Những nẻo đường gần xa – cũng có câu chuyện tình anh em giữa Hùng và Dũng. Hùng nuôi em khôn lớn trong hoàn cảnh cha mẹ qua đời sớm. Hùng cũng tìm việc cho em ở quê, trong khi Dũng chỉ muốn ở lại thành phố sau khi tốt nghiệp đại học. Người muốn bao bọc, người muốn tự lập, họ yêu thương nhau nhưng không tránh được xung đột. Một cảnh phim được giới thiệu tại họp báo cho thấy Hùng thậm chí còn theo em đến công sở, lao vào mắng sếp của Dũng khi người này "chỉnh" cách làm việc của Dũng. Những tình huống dở khóc dở cười vì tình anh em như vậy cũng không ít trong phim.
Việt Hoàng, người vào vai Dũng trong Những nẻo đường gần xa, chia sẻ tại họp báo rằng tình anh em chính là màu sắc mới trong vai diễn người trẻ khởi nghiệp này. "So với vai Thạch trong Cuộc đời vẫn đẹp sao thì vai Dũng của tôi cũng vẫn là tuổi trẻ, mong muốn chinh phục giấc mơ hoài bão. Nhưng tôi tin vai Dũng có màu sắc mới hơn vai trước của mình. Đó là có sự kết hợp tình anh em gần gũi hơn, nó cũng giúp tôi thể hiện cảm xúc dễ dàng hơn", Việt Hoàng chia sẻ.
Như vậy, dù vẫn tiếp tục khai thác những câu chuyện tình cảm gia đình, dường như phim truyền hình bắt đầu "rời" những câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu, gà trống nuôi con để "chuyển vùng" sang tình anh em. Điều này cũng gợi đến một bộ phim truyền hình từng rất nổi tiếng là Sóng ở đáy sông. Trong phim này, nhân vật Núi cũng có tình anh em khiến người xem chú ý. Núi thương Biển và Sông, vun vén và chấp nhận thua thiệt trong nhiều trường hợp để hai em được hạnh phúc. Nhưng Núi cũng có mối quan hệ anh em "độc hại" với Ý, người thường được bố ưu tiên phần hơn trong đời sống.
Đa chiều và "vùng drama"
Tình anh em của Núi và Biển trong Sóng ở đáy sông khiến người xem hiểu tính thiện của Núi hơn. Ảnh: Chụp Màn Hình
Đánh giá này của NSND Trọng Trinh cũng thể hiện trong Người một nhà. Trong phim, có một cảnh khiến nhiều người rơi nước mắt mô tả tình cảm bác cháu giữa Trí và con gái của Tuệ. Khi đó, Trí về nhà thăm cháu, cho cháu chiếc chong chóng và mấy cái kẹo. Cô cháu gái khi đó giục bố dọn cơm cá kho để bác Trí ăn. Ánh mắt thương yêu của nhân vật này, cộng với việc Trí run run nói "bác ăn" khiến khán giả ai cũng thương, thầm mong Trí mau chóng ổn định đời sống sau 8 năm đi tù về.
Một trong những thành công của nhân vật Trí được xây dựng trên cách nhìn công tâm về tình anh em. Một người từng đi tù về vẫn là một người anh rất thương em. Và người em, khi yêu thương một người anh rất "xã hội đen" vẫn có thể yêu với một tình yêu lớn nhưng không mù quáng. Ở đây, có một "vùng đất giàu drama" là bí ẩn của thế giới xã hội đen đã được đoàn phim khai thác. Để làm được điều này, biên kịch phải có được cái nhìn công bằng và bao dung, dù có được cái nhìn như thế không dễ chút nào.
Theo Trinh Nguyễn/TNO
Bình luận (0)