Y tế - Văn hóaThư giãn

Phim truyền hình tháng 3: Khai thác tối đa đề tài tâm lý xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Phù hợp với đặc thù phim nhiều tập của truyền hình, một lần nữa, thể loại tâm lý xã hội đã chiếm ưu thế tuyệt đối trong các bộ phim truyền hình phát sóng trong tháng 3 này.

Cả ba bộ phim phát sóng tháng 3 gồm: Nợ ân tình, Mặt nạ thiên thần và Một văn phòng luật sư đều lấy việc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, giữa oán thù và bao dung làm thông điệp chính của phim. 

Một cảnh trong phim Một văn phòng luật sư

Xoay quanh câu chuyện của những doanh nhân thành đạt trong ngành dệt may, Nợ ân tình (30 tập, đạo diễn: Phi Tiến Sơn, M&T Pictures sản xuất, phát sóng lúc 20 giờ 45 trên SCTV14 các ngày trong tuần) lột tả khát vọng tình yêu, lối rẽ riêng của mỗi người để đạt được khát vọng sống cá nhân. Có người nhân danh tình yêu để chinh phục mục tiêu tham vọng, có người vì yêu thật sự mà kiên nhẫn với những tổn thương từ người mình yêu… Chí Hào (Trương Thế Vinh) buộc phải lấy Linh Trang (Thân Thúy Hà) để cứu sản nghiệp cho gia đình Thiên Kim (Tường Vy) – người ơn của mẹ con anh. Vì muốn thôn tính sản nghiệp của gia đình Thiên Kim, nên khi thấy Công ty Thiên Kim được cứu, ông Triệu (NSƯT Đức Sơn) lồng lộn tức giận, đã sai người hãm hại Chí Hào và Linh Trang. Nhưng cuối cùng cả ông Triệu và Chí Hào đều ngỡ ngàng trước sự thật đau lòng – Chí Hào chính là đứa con mà ông Triệu đã bỏ rơi năm xưa… Nợ ân tình là bộ phim tâm lý tình cảm, xen lẫn hình sự tạo nhiều kịch tính đến phút chót.
Điểm nổi bật mà bộ phim muốn khắc họa, chính là: tình yêu không vụ lợi dù đưa đẩy con người ta đến những hoàn cảnh thiệt thòi, nhưng chính sự chân thành đã giúp mỗi người nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống, vẻ đẹp nhân bản giữa người với người. Nợ ân tình ngoài câu chuyện phim cuốn hút với tuyến nhân vật dày dặn, phim còn quy tụ lực lượng diễn viên hùng hậu dưới sự chỉ đạo giàu kinh nghiệm của đạo diễn Phi Tiến Sơn và đạo diễn trẻ Nguyễn Thành Vinh.
Một văn phòng luật sư (40 tập, đạo diễn: NSƯT Quốc Thành, Senafilm sản xuất, phát sóng lúc 22 giờ trên HTV9 các ngày trong tuần) là câu chuyện xoay quanh ba nhân vật chính: ông Quang (Lý Hùng), Tuấn (Khôi Trần) và Ngọc Anh (Lê Chi Na). Ngọc Anh là cô sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM, trong những ngày cuối cùng ở giảng đường cô gặp lại thầy Quang – Phó Viện Kiểm sát thành phố đồng thời cũng là người hơn 10 năm trước là công tố viên trong vụ án oan của cha Ngọc Anh, khiến mẹ cô lên cơn đau tim chết ngay tại tòa, sau đó cha cô cũng tự tử trong tù, gia đình ly tán…
Hối hận về những lầm lỗi mà mình đã gây ra nên ông Quang chuộc lỗi bằng cách tìm cho Ngọc Anh một chỗ làm tử tế khi ra trường và giúp cô thực hiện ước nguyện thành lập văn phòng luật sư mang tên Công Lý chuyên giúp đỡ người nghèo. Ngọc Anh ngày một trở nên uy tín, khi giúp bảo vệ thành công nhiều vụ án phức tạp và cũng là lúc cô phải đối diện với chính con tim mình khi đứng trước tình yêu của luật sư Tuấn và ông Quang… Bộ phim chuyển tải thông điệp – Mỗi con người luôn phải đấu tranh với chính mình giữa cái tốt và cái xấu, giữa thiện và ác; mà với nghề luật sư, cuộc đấu tranh giằng xé đó còn khốc liệt hơn!
Mặt nạ thiên thần (30 tập, đạo diễn: Đặng Lưu Việt Bảo, phát sóng lúc 13 giờ trên HTV7 từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần) khai thác vòng xoáy quen thuộc: tiền – tình – tù – tội, với một câu chuyện nhiều nút thắt – mở, vì vậy dù không mới, nhưng bộ phim vẫn tạo được chú ý nhất định.
Mặt nạ thiên thần đề cập đến nhiều vấn đề, trên hết là tính giáo dục, hướng thiện. Câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật trung tâm: Duy Thái (Hứa Vĩ Văn), Thùy Dương (Thùy Trang), Vũ An (Ngọc Thuận), Nhã Thùy (Nhật Hạ). Tình yêu và lòng thù hận trong họ chỉ có thể được hóa giải bằng chính tình yêu, sự bao dung, chân thành. Trong phim không có nhân vật ác đến cùng và nhân vật lương thiện một cách hoàn hảo, mỗi con người đều tự dịch chuyển tính cách theo hoàn cảnh của số phận. Nhưng trên hết, một chân lý được khẳng định: gieo nhân nào sẽ gặt quả đó. Mặt nạ nào rồi cũng đến lúc phải rơi xuống, để sự thật được sáng tỏ.
Phim truyền hình trong tháng 3 đã phản ánh những thực tế đa sắc của cuộc sống hiện đại hôm nay và giải quyết nó theo hướng nhân văn, mang đậm tình người. Dù không phải đề tài mới, nhưng những câu chuyện đề cao sự thủy chung, cách sống chân thành, biết trọng tình nghĩa sẽ không bao giờ là cũ. Vấn đề là cách thể hiện và sự hóa thân của các diễn viên sao cho những câu chuyện và các nhân vật trên màn ảnh nhỏ trở nên thật sự thuyết phục, tạo được cảm tình với khán giả. Mà điều này thì hầu hết các phim vẫn còn hạn chế, vì thế, chưa có phim nào đặc biệt ấn tượng.

Theo SGGP

 

Bình luận (0)