Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim truyền hình Việt: “Thừa” nhưng vẫn “thiếu”?

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa bao giờ, phim truyền hình Việt Nam nhiều tập lại nở rộ như lúc này. Để đảm bảo cho thời lượng phát sóng, các nhà sản xuất đã phối hợp với các công ty liên tục cho ra đời các bộ phim truyền hình mới. Mới nhìn vào, cứ ngỡ đây là một tín hiệu vui nhưng càng ngày, nó lại trở thành một thực trạng đáng buồn bởi các nội dung phim cứ na ná như nhau, kéo dài thườn thượt gây nhàm chán cho khán giả…

“Thừa”…

Gọi giấc mơ về - bộ phim truyền hình hiếm hoi được khán giả yêu mến và nhắc đến nhiều trong thời gian vừa quaChị Kim Anh, nhà ở đường Quang Trung – Gò Vấp – TP.HCM cho biết: “Tôi là một khán giả trung thành của phim Việt Nam. Trước đây, bất kỳ bộ phim truyền hình Việt Nam nào phát sóng trên truyền hình tôi cũng đều hăng say theo dõi. Bây giờ tôi cũng xem nhưng không còn cảm thấy hứng thú nữa. Nhiều phim xong rồi là quên mau, không đọng lại một chút ấn tượng nào bởi nội dung phim đa phần là những câu chuyện tình tay ba, tay tư sướt mướt, rất đơn giản nhưng đạo diễn lại cố tình kéo dài một cách gượng gạo…”. Còn anh Thanh Tuấn, nhà ở đường Lê Quang Định – Bình Thạnh – TP.HCM thì: “Theo dõi các bộ phim truyền hình Việt Nam thời gian qua, cảm giác của tôi là hoàn toàn thất vọng, rất hiếm có những bộ phim coi được chứ chưa nói là hay. Phải chăng phim truyền hình Việt ra đời ồ ạt chỉ để lấp đầy sóng truyền hình và quan trọng hơn là để tìm quảng cáo? Như thế thì thật thiệt thòi cho khán giả yêu mến phim Việt…”.

Thật vậy, so với những năm trước đây thì bây giờ khán giả không còn “đói” phim Việt nữa. Bất kỳ ngày nào trong tuần, bật ti vi lên cũng đều có thể xem được phim Việt Nam. Cách đây không lâu, phim truyền hình Việt được “độc quyền” bởi hai Hãng TFS và Hãng phim truyền hình Việt Nam. Vì đây là hai hãng phim của nhà nước nên chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu, phim ra đời chậm nhưng chắc, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Từ khi có các công ty tư nhân như BHD, Cát Tiên Sa, Kiết Tường, Sao Việt, Phim Việt, Sao Phương Nam, M&Pictures, Lasta… “nhảy” vào làm phim với mục đích kinh doanh thì chất lượng bị tụt xuống thấy rõ. Bộ phim Một ngày không có em ngay từ những tập đầu tiên đã thu hút được khán giả. Nhưng cách làm phim hiện nay rất lạ, phim lên lịch phát sóng nhưng những tập cuối vẫn đang trên trường quay. Nắm bắt được điều này nên nhà sản xuất đã quyết định kéo dài bộ phim ra để thu quảng cáo. Vậy là chỉ có bấy nhiêu nhân vật ấy, cốt truyện ấy mà nhà sản xuất đã “đẻ” ra hơn một trăm tập phim. Khán giả không còn đủ kiên nhẫn theo dõi, thầm tiếc cho bộ phim này sẽ ấn tượng nếu chỉ kết thúc ở tập thứ 40. Bộ phim Tình yêu pha lêCô gái xấu xí cũng rơi vào trường hợp tương tự. Thêm một khuyết điểm nữa là cả hai bộ phim này được thu tiếng trực tiếp nên các diễn viên nói cứ như đang trả bài, diễn xuất “trơ như đá” nhiều phen khiến khán giả không nín được cười.

Việc “nhai đi nhai lại” từng ấy diễn viên cũng khiến cho khán giả cảm thấy khó chịu. Xem Tình yêu còn lạiLọ Lem thời @, cứ ngỡ đây là “đôi song sinh” bởi nội dung chính cũng đề cập đến một cô gái quê lên thành phố lập nghiệp, sau đó thành đạt trong kinh doanh nhưng gặp nhiều trắc trở trong tình yêu… đáng nói hơn diễn viên thủ những vai chính trong cả hai phim đều giống nhau, cũng Thanh Thúy, Hoài An, Ngọc Thảo… nên khán giả không tránh khỏi sự nhầm lẫn. Hay như Mây trắng ngang trời Tường Vy cánh mỏng đang phát sóng trên HTV, nội dung cũng bao gồm những câu chuyện “xem xong tập đầu đã đoán biết những tập cuối”, chẳng biết có sự trùng hợp nào mà dàn diễn viên chính gần như lặp lại hoàn toàn từ Ngân Khánh, Trí Quang, Mạnh Hùng… khiến khán giả không phải thắc mắc và lắc đầu ngao ngán. Thành công với Tuyết nhiệt đới, nhưng đến Bỗng dưng muốn khóc đang phát sóng trên VTV1, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lại khiến khán giả thất vọng, nội dung sáo mòn bởi chỉ đi vào những câu chuyện giống như “cổ tích” của bạch mã Hoàng tử và công chúa Lọ Lem giữa đời thường, diễn viên Lương Mạnh Hải đóng chính trong cả hai phim cũng chưa có bước nhảy vọt nào mới…

“Thiếu”

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân – Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM khẳng định: “Cái thiếu của phim truyền hình Việt hiện nay là thiếu những bộ phim hay, đi vào lòng khán giả lâu dài. Thời gian qua, phim truyền hình Việt hầu hết chạy đua theo số lượng, kịch bản cũng không được đầu tư cao, phần lớn chỉ đi theo thị hiếu của khán giả trẻ nên không tránh khỏi sự trùng lắp. Để khắc phục tình trạng này, các nhà sản xuất cần phải có những kịch bản hay, đề tài mới lạ, dàn diễn viên giỏi. Để làm được điều này trong thời buổi kinh tế thị trường không phải là điều đơn giản. Cần lắm sự hợp lực của nhiều phía…”.

Bản thân nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân hiện cũng đang có bộ phim truyền hình lịch sử Vó ngựa trời Nam dài 37 tập nói về anh hùng Huỳnh Văn Nghệ do Lê Cung Bắc đạo diễn đang khởi quay, kịch bản được Phạm Thùy Nhân ấp ủ gần ba năm trời với một dàn diễn viên “đo ni đóng giày” tin rằng sẽ thu hút khán giả. Điều này cũng dễ hiểu bởi một thời gian dài, các bộ phim truyền hình nội dung ca ngợi đất nước, đề tài chiến tranh như Đất Phương Nam, Những đứa con thành phố, Những năm tháng đã qua, Thời thơ ấu, Dòng đời… được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Còn những bộ phim dành cho giới trẻ Hương phù sa, Nữ bác sĩ, Gọi giấc mơ về, Phía trước là bầu trời, Hoa cỏ may… đến bây giờ vẫn còn được khán giả nhắc đến.

Sắp tới, hàng loạt bộ phim truyền hình nhiều tập khởi quay cũng như đưa lên sóng truyền hình, hy vọng sẽ có những bước chuyển mới về nội dung, cách làm để hấp dẫn khán giả hơn chứ không chỉ xếp hàng trình chiếu, lấy tài trợ rồi “ai nhớ, ai quên”, mặc ai…

SONG MINH

Bình luận (0)