Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Sau phim "Lỗi đạo cang thường", NSƯT – đạo diễn Hồ Ngọc Xum tiếp tục ra mắt khán giả phim "Gieo nhân" – được cải biên từ 2 tiểu thuyết "Bỏ vợ" và "Bức thư hối hận" của nhà văn Hồ Biểu Chánh

Phim "Gieo nhân" dài 30 tập, phát sóng lúc 19 giờ 35 phút trên kênh HTV7, từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần, bắt đầu từ ngày 16-5.

Thổi luồng gió mới

Nội dung phim kể về nhân vật Như Bình (Nam Cường đóng) – từ một đứa trẻ mồ côi, lưu lạc được ông Ba Chánh (Huỳnh Đua đóng) cưu mang, nuôi ăn học và gả con gái duy nhất cho. Tuy nhiên, vì sự ích kỷ, "tham phú phụ bần" mà Như Bình liên tục gây ra nhiều sóng gió, hãm hại người thân, kể cả người ơn và vợ con mình. Phim là tác phẩm mới nhất thuộc dòng phim bối cảnh xưa với nội dung cải biên từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Trước đó, vào tháng 10-2022, phim "Lỗi đạo cang thường" – cải biên từ 2 tiểu thuyết "Bỏ vợ", "Bỏ chồng" của nhà văn Hồ Biểu Chánh – do NSƯT Hồ Ngọc Xum làm đạo diễn, phát sóng trên kênh SCTV14, cũng thu hút khán giả. Phim là câu chuyện về 2 gia đình Oanh (Dương Cẩm Lynh đóng) – Thiện (Hòa Hiệp đóng) và Ba Huyền (Oanh Kiều đóng) – Như Bình (Mã Hiểu Đông đóng) trong bối cảnh xã hội Nam Bộ xưa.

Phim từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trở lại - Ảnh 2.

Phim “Gieo nhân” là tác phẩm mới nhất cải biên từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh sẽ ra mắt khán giả vào ngày 16-5. Ảnh do TFS cung cấp

Thiện làm việc cho một hãng xe nhỏ, lương chỉ vừa đủ nuôi vợ con. Oanh được chồng chiều chuộng, có sở thích nhảy đầm, cho rằng bạc tiền là thứ quan trọng quyết định cuộc sống con người. Ba Huyền là hàng xóm của gia đình Thiện – Oanh, làm nghề bán bánh ở chợ, tảo tần nuôi con và lo cho chồng ăn học. Thế nhưng, Như Bình lại không hài lòng với cô vợ tần tảo. Cuộc sống của 2 gia đình bị xáo trộn bởi cám dỗ vật chất bên ngoài đến từ những người như Hội đồng Đàng, bà góa Hai Hương giàu có.

NSƯT – đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết ông vẫn giữ chất Nam Bộ, tinh thần nhân văn có trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh trong quá trình cải biên. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu hiện nay của khán giả và không lặp lại chính mình, ông đã có nhiều thay đổi so với các tác phẩm trước. Cụ thể, nhịp điệu phim ở đoạn cần rề rà thì mới rề rà, còn cần nhanh thì nhanh. Nhiều tuyến nhân vật mới xuất hiện và một số nhân vật được bồi đắp đầy đặn, có cốt truyện, số phận hơn so với tiểu thuyết gốc.

So với các phim trước đây, "Gieo nhân" có cách giới thiệu mới hơn, tiệm cận với điện ảnh. "Phim "Gieo nhân" có tiết tấu nhanh hơn, lời thoại không như cũ mà theo đúng tính cách nhân vật thông qua cách nhấn nhá chữ. Một số từ địa phương quá xưa cũ trong tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh được thay bằng từ dễ hiểu hơn, phù hợp hơn để diễn viên có thể hiểu hết nội dung câu chuyện và truyền tải trọn vẹn cảm xúc của nhân vật đến khán giả" – đạo diễn Hồ Ngọc Xum thông tin.

Sức sống dẻo dai

Phim "Lỗi đạo cang thường" lẫn "Gieo nhân" đều đề cập những vấn đề trong xưa có nay, gần gũi với xã hội hiện đại chứ không hẳn là một câu chuyện xưa gắn với các thông điệp nhân văn.

Trong đó, "Lỗi đạo cang thường" vẫn là câu chuyện vợ chồng có thể bắt gặp đâu đó trong đời sống xã hội. Nhà làm phim muốn mượn chuyện xưa như một lời nhắc nhở nhẹ đến khán giả ngày nay – mong mọi người có thể sống tốt hơn, sống trọn tình trọn nghĩa vợ chồng, tròn hiếu thảo với cha mẹ, giữ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Phim "Gieo nhân" đề cập những vấn đề "nóng" trong xã hội như tranh giành gia tài, ngoại tình, đút lót, tham nhũng… phản ánh xã hội cực đoan, đầy rẫy mưu mô, cạm bẫy nhưng đâu đó vẫn lóe lên ánh sáng của tình người.

Trước đây, khán giả màn ảnh nhỏ từng say đắm hàng loạt phim chuyển thể, cải biên từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như: "Con nhà nghèo", "Nợ đời", "Ngọn cỏ gió đùa", "Lòng dạ đàn bà", "Tân Phong nữ sĩ"… Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển mạnh, các phim dạng này dần bão hòa, nguyên nhân được người trong giới cho rằng khán giả đã "bội thực", chán ngán.

Dẫu vậy, dòng phim bối cảnh xưa vẫn có chỗ đứng rất riêng trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ. Các nhà sản xuất bắt đầu tìm đến kịch, cải lương, truyện dân gian… để chuyển thể, vừa đáp ứng nhu cầu vừa đổi "khẩu vị" cho khán giả. Các hướng khai thác mới mở ra, không theo lối mòn, tìm mới trong cũ và giúp dòng phim này đi xa hơn, thay vì loanh quanh với những hoài niệm xưa.

Gần đây, sự trở lại của các phim cải biên từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cho thấy sức sống dẻo dai của dòng phim bối cảnh xưa. Hẳn nhiên, trong thời điểm cạnh tranh cao, khán giả có nhiều cơ hội giải trí, thưởng thức đa dạng loại phim thì thách thức lúc nào cũng có. Với phim làm từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh, ngoài thách thức làm mới, thay đổi so với tác phẩm trước đó còn phải tìm kiếm diễn viên, bối cảnh, cách kể câu chuyện sao cho hợp thời đại.

Theo NSƯT Bùi Vi Nghi, Trưởng Phòng Phim truyện – Hãng phim Truyền hình TP HCM (TFS), phim "Gieo nhân" không chỉ đơn thuần nói về hành trình trượt dốc của một người "tham phú phụ bần" mà còn truyền tải thông điệp lớn hơn về luật nhân quả. Thêm vào đó, phim phản ánh những vấn đề nóng trong xã hội nhưng không đi sâu khai thác kiểu giật gân, bạo lực, chém giết gây ức chế người xem mà muốn thông qua câu chuyện, gửi gắm các thông điệp nhân văn.

NSƯT – đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho hay thời gian sau này, làm phim bối cảnh xưa gặp nhiều khó khăn hơn khi nhà cổ ngày càng mai một. Nhà làm phim phải dựng lại bối cảnh, tốn thêm chi phí đầu tư. Ngoài ra, còn gặp khó trong việc tìm kiếm diễn viên có ngoại hình phù hợp, đáp ứng đúng tiêu chí phim.

"Tôi thấy phim bối cảnh xưa 10 năm sau xem lại vẫn thích, không bị lỗi thời và có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả, không bị lãng quên. Nhắc đến tôi, khán giả vẫn nhớ đến phim bối cảnh xưa, có sức thu hút riêng với họ là đã thấy vui" – nữ diễn viên Quỳnh Lam, người được khán giả gọi là "Nữ hoàng phim xưa", bộc bạch.

Theo các nhà chuyên môn, dù trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng khán giả vẫn dành tình cảm đặc biệt cho dòng phim bối cảnh xưa. Để chinh phục khán giả ngày càng tinh tế, đòi hỏi cao, nhà làm phim phải nỗ lực mang đến sự mới lạ cho họ bằng những thay đổi từ nhiều yếu tố.
Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)