Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim về tình cha con cần đổi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Sau thời gian dài khai thác về tình mẹ con với đủ mọi cung bậc cảm xúc trên màn ảnh, vài năm gần đây, nhà làm phim Việt tập trung vào tình cha con.

Tuy nhiên, đa phần các phim đều khắc họa hình ảnh nhân vật người cha ở tình cảnh đơn thân, một mình nuôi con và đối mặt nhiều thử thách cuộc đời. Những chủ đề về tình cảm gia đình, mối quan hệ cha mẹ và con cái là một trong những chủ đề bất hủ của màn ảnh. Thời gian gần đây, một số phim về tình cha con tạo được ấn tượng trên màn ảnh nhỏ như "Về nhà đi con", "Hương vị tình thân"… Gần nhất, 2 phim khai thác tình cha con được phát sóng phục vụ khán giả là "Món quà của cha" và "Bống thời 4.0".
Phim về tình cha con cần đổi mới - Ảnh 1.

Phim “Món quà của cha” khắc họa hình ảnh người cha đơn thân. Ảnh chụp từ màn hình

Phim "Món quà của cha" do Vũ Minh Trí đạo diễn, phát sóng trên VTV3, bắt đầu từ ngày 17-7. Nội dung phim kể về ông Nhân (NSƯT Võ Hoài Nam đóng) cùng 3 người con Nghĩa (Tuấn Tú đóng), Thảo (Ngọc Huyền đóng) và Hiếu (Duy Khánh đóng). Ông Nhân làm nghề đóng quan tài, vớt xác chết đuối ở vùng quê, một mình nuôi các con lớn khôn. Mỗi người con đều có những khó khăn, rắc rối riêng và phải đối mặt nhiều biến cố khác nhau khi trưởng thành.

Phim "Bống thời 4.0" do Nguyễn Quang Minh đạo diễn, phát sóng trên HTV7, từ ngày 25-7. Chuyện phim kể về gia đình ông Bảy (NSƯT Công Ninh đóng) sống bằng nghề kho cá bống truyền thống. Nghề gia truyền đã giúp ông Bảy "gà trống" nuôi lớn 3 người con là Khánh Vũ (Phạm Hoàng Nguyên đóng), Khánh Vân (Đàm Phương Linh đóng), Khánh An (Nguyễn Anh Tú đóng).

Cả 2 phim đều khắc họa hình ảnh người cha đơn thân, vất vả nuôi lớn các con và đối mặt với khoảng cách thế hệ, mâu thuẫn từ việc không thấu hiểu, không thông cảm nhau dẫn đến nỗi đau về tình thân. Không chỉ trên màn ảnh nhỏ, phim điện ảnh khai thác tình cha con cũng nở rộ với: "30 chưa phải Tết", "Bố già", "Dân chơi không sợ con rơi", "Con Nhót mót chồng"…

Việc khai thác về tình cha con tạo nên sự đa dạng, góc nhìn mới xoay quanh chủ đề về tình cảm gia đình. Tuy nhiên đã đến lúc cần đổi mới cách khắc họa nhân vật khác hơn để tránh sự nhàm chán, lối mòn về người cha trên màn ảnh. Bởi không phải chỉ khai thác về những người cha đơn thân mới tạo nên mâu thuẫn, đẩy bi kịch cũng như các nút thắt mở cho phim. Câu chuyện cha và con trong các gia đình bình thường cũng có thể tạo nên kịch tính, thu hút khán giả.

Nhiều người trong giới cho rằng khán giả sẽ thích một câu chuyện hay, được kể mới lạ, không theo lối mòn vì nếu chỉ xoay quanh bối cảnh nhân vật giống nhau thì rất dễ đoán được tình tiết tiếp theo. Với những khán giả thường xuyên xem phim truyền hình, chỉ cần nội dung ban đầu quá nhàm chán, giống nhiều phim khác thì sẽ rất khó lôi cuốn họ theo dõi cả bộ phim. Do vậy, nhà làm phim cần phải sáng tạo không ngừng, tìm kiếm những yếu tố mới hơn trong khai thác chủ đề quen thuộc, như vậy mới tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn khán giả.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)