Phim "Khi nắng thu về" tham dự đại hội lần này – Ảnh: VIFF cung cấp |
Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (VIFF) lần thứ 4 sẽ bế mạc vào ngày 12.4 tại California (Mỹ). Qua 4 kỳ, đã có rất nhiều phim Việt Nam tham dự đại hội này.
VIFF lần thứ 4 kéo dài 8 ngày, trong 2 ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 4.2009 đón nhận tác phẩm của các đạo diễn đến từ tất cả quốc gia trên thế giới với những đặc điểm: Phim do đạo diễn người Việt hoặc gốc Việt có thể phản ánh mọi đề tài, phim do các đạo diễn khác phải có liên quan đến đời sống và nền văn hóa Việt Nam và nhận phim (kể cả phim ngắn dưới 60 phút) ở các thể loại: phim truyện, phim tài liệu, phim thử nghiệm, hoạt họa…
VIFF năm nay với chủ đề Into view (tạm dịch: Trong tầm ngắm) đã nhận được hơn 80 phim và trình chiếu hơn 60 phim dài từ 1 phút cho đến gần 120 phút. Đây là số lượng phim kỷ lục trong 4 lần đại hội VIFF được gửi đến từ Úc, Canada, Pháp, Đan Mạch, Anh, Việt Nam và Mỹ. Được biết số phim thực hiện tại Mỹ vẫn chiếm một số lượng khá lớn.
Một số phim thực hiện ở Việt Nam như Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Sống trong sợ hãi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), Dòng máu anh hùng (đạo diễn Charlie Nguyễn), và nhiều phim ngắn thể nghiệm khác đã lần lượt được mời tham gia các kỳ VIFF. Ghi nhận gương mặt nghệ sĩ điện ảnh xuất sắc nhất, giải Spotlight của VIFF năm nay được chọn trao cho nam tài tử Dustin Nguyễn, người quen thuộc với khán giả Việt Nam qua các phim Sài Gòn nhật thực (đạo diễn Othelo Khánh), Huyền thoại bất tử (đạo diễn Lưu Huỳnh) và đặc biệt là phim Dòng máu anh hùng.
Năm nay, VIFF đón nhận từ Việt Nam các đại diện phim dài là Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Vinh Sơn), Nụ hôn thần chết (đạo diễn Quang Dũng) và Khi nắng thu về (đạo diễn Bùi Trung Hải) cùng một loạt phim ngắn khác từ các tác giả như Nguyễn Trinh Thi, Phan Ý Ly cùng nhóm trẻ em Bãi Giữa… Đây là những phim thể hiện gương mặt đa diện của điện ảnh Việt Nam hiện tại. Các phim ngắn tham dự VIFF từ Việt Nam của đa số các gương mặt đạo diễn trẻ lần đầu làm phim.
Nguyễn Trinh Thi là một nhà báo từng làm cho hãng tin Reuters của Mỹ, hiện sống ở Hà Nội, với bộ phim Love man, love woman là một phim tài liệu về hầu đồng, một nét văn hóa của người Việt. Là một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật và phát triển, Phan Ý Ly gửi đến VIFF cuốn phim thể nghiệm cô thực hiện cùng nhóm trẻ em Bãi Giữa sông Hồng, một phim dài 40 phút ghi nhận cuộc sống của cư dân Bãi Giữa qua cái nhìn trong trẻo của những đứa trẻ trực tiếp quay, trực tiếp viết lời bình và cũng là "diễn viên" tự nhiên trong phim.
Qua 4 kỳ đại hội, dù còn nhiều tranh cãi về xu hướng, quan điểm cũng như cái nhìn của các đạo diễn trong nghệ thuật điện ảnh, nhưng VIFF đã càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, dày dặn thể hiện qua số lượng, chất lượng phim đến với đại hội điện ảnh hằng năm này.
Và đây cũng chính là một diễn đàn điện ảnh mang tầm quốc tế của người Việt đặc biệt trình chiếu tác phẩm của các đạo diễn người Việt Nam, gốc Việt Nam hoặc phim mang đề tài Việt Nam với mục đích hỗ trợ và quảng bá những quan điểm, tiếng nói khác nhau của các đạo diễn gốc Việt, các phim mang đề tài về con người hoặc văn hóa Việt Nam.
Cát Khuê (Theo TNO)
Bình luận (0)