Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim Việt gây ấn tượng ở Bangkok

Tạp Chí Giáo Dục

Linh Đan (trái) và Hải Yến tại buổi chiếu Chơi vơi – Ảnh: Việt Phương

Tuy không giành được giải nào nhưng cả 2 bộ phim Chơi vơi và Trăng nơi đáy giếng đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt tại LHP Quốc tế Bangkok.

Cả hai buổi chiếu phim Chơi vơi, khán giả đều đến gần như kín rạp. Nếu đến sát giờ thì khó tìm được chỗ tốt để ngồi xem. Hai buổi chiếu phim Trăng nơi đáy giếng thì vào các suất khá sớm nhưng khán giả cũng được 2/3 rạp. Không chỉ có khán giả Thái, các nhà báo, khán giả đến từ các nước khác cũng ngồi lại sau buổi chiếu để giao lưu, chụp ảnh kỷ niệm cùng các diễn viên, đạo diễn của VN. Ở những phần giao lưu như thế, sự hài lòng luôn tỏ rõ ở những lời bình, những câu hỏi của khán giả. Tiếng cười thỉnh thoảng lại rộn lên trong phòng chiếu với sự trả lời thông minh dí dỏm của các thành viên đoàn làm phim. Đặc biệt, cách nói chuyện hài hước của Linh Đan và Hải Yến khiến khán giả cười không ngớt.

Trong khi Trăng nơi đáy giếng là bộ phim kể về thân phận người phụ nữ truyền thống hết mực vì chồng con nhưng rốt cuộc vẫn gánh lấy sự cô đơn trong nín lặng, thì Chơi vơi lại là câu chuyện của những người trẻ tuổi quanh quẩn kiếm tìm hạnh phúc thật sự cho riêng mình. Cả hai bộ phim đề cập đến hai khía cạnh khác nhau của xã hội VN, một truyền thống, một hiện đại. Điều mà người xem cảm thấy hài lòng chính là con người, xã hội VN được phản ánh rõ nét trên màn ảnh, như điều mà bà Kathryn Sweet, một khán giả phương Tây xem Trăng nơi đáy giếng, bày tỏ. Khán giả xem phim Chơi vơi cũng tỏ ra thích thú khi được nghe giải thích về cách xông để chữa bệnh của người VN, như những gì mà nhân vật Duyên và Cầm trong phim đã làm.

Cả hai bộ phim đều đã đi dự giải, trình chiếu vòng quanh thế giới nhưng đến tháng 10 này, khán giả VN mới được xem Trăng nơi đáy giếng và tháng 11 là Chơi vơi. Khán giả ở LHP Venice (Ý) không những ngồi kín rạp trong buổi chiếu Chơi vơi mà theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên họ còn đứng dậy vỗ tay rất lâu sau khi hết phim. Ở Thái, hai bộ phim cũng đông người xem. Nhưng đến khi chiếu ở VN liệu 2 bộ phim này có được đón chào như vậy, bởi có một quan niệm rất phổ biến rằng phim đoạt giải thường khó xem, đau đầu vì phải suy nghĩ? Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nói: “Tôi rất mong mỏi khi Trăng nơi đáy giếng được phát hành ở VN, các bạn, nhất là các bạn trẻ, những người đã quen với những bộ phim vui vẻ, phim hành động thì hãy thử một lần xem bộ phim này để thấy sự khác biệt, như là thay đổi món ăn vậy”. Diễn viên Hải Yến thì tin rằng giới trẻ VN sẽ đón nhận và thích Chơi vơi bởi bản thân cô là một người trẻ tuổi và đã rất thích thú khi đọc kịch bản phim này. Đối với diễn viên người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan (từng được biết đến với bộ phim Đông Dương) thì đây là lần đầu tiên cô xuất hiện trong một bộ phim của VN sản xuất. Sang Pháp từ nhỏ và từ đó đến giờ không sống ở VN, Linh Đan nói cô không hề biết gì nhiều về VN. “Tuy nhiên, khi đọc kịch bản Chơi vơi, tôi thật sự cảm thấy câu chuyện có gì đó đặc biệt”, cô nói. Điều đặc biệt ở Chơi vơi, theo cô là chủ đề cô đơn, cảm xúc bị ràng buộc bởi trách nhiệm với gia đình, xã hội… dường như là quy luật chung. Chơi vơi đại diện cho một lớp trẻ VN hiện đại nhưng theo Linh Đan, bất cứ ai thuộc quốc tịch nào đều có thể tìm thấy mình trong Duyên, Hải, Cầm và những nhân vật khác trong bộ phim.

LHP Bangkok diễn ra từ 24.9 và đã kết thúc vào đêm qua 30.9.

Kết quả LHP Quốc tế Bangkok 2009

– Giải đặc biệt về môi trường: phim Altiplano (Bỉ-Đức-Hà Lan)
– Giải NETPAC (Mạng lưới quảng bá phim châu Á): Independencia (Philippines-Pháp-Đức-Hà Lan)

Hạng mục phim Đông Nam Á:

– Giải quan tâm đặc biệt: Call if you need me (Malaysia)
– Giải đặc biệt của Ban giám khảo: Nymph (Thái Lan)
– Giải thưởng lớn: Independencia (Philippines/Pháp/Đức/Hà Lan)

Hạng mục chính (dành cho đạo diễn có phim đầu tay hoặc phim thứ 2):

– Giải quan tâm đặc biệt: I kill my mother (Canada)
– Giải đặc biệt của Ban giám khảo: The search (Trung Quốc)
– Giải thưởng lớn: Altiplano (Bỉ-Đức- Hà Lan)

Việt Phương (Theo TNO)

Bình luận (0)