Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim Việt giờ vàng đang “bí” tựa?

Tạp Chí Giáo Dục

Một số phim truyền hình giờ vàng lên sóng gần đây có cách đặt tựa tối nghĩa hoặc không mang hàm ý tích cực.

Bộ phim Đừng làm mẹ cáu đang có những diễn tiến mới thu hút người xem liên quan đến việc nhà chồng Vy (Quỳnh Lương đóng) thay đổi thái độ đối xử với hai mẹ con cô và những hiểu lầm của Quân dành cho Hạnh thêm chồng chất.

Sau 6 tập phát sóng, bộ phim tạo được thiện cảm với khán giả nhờ đề tài làm mẹ đơn thân khá mới mẻ, dàn diễn viên diễn xuất đồng đều, đặc biệt các diễn viên nhí rất đáng yêu. Tuy nhiên, tựa phim lại gây băn khoăn khi sử dụng một câu nói mang ý nghĩa quát mắng con trẻ, không có hàm ý tích cực.

Phim nói về tình mẫu tử nhưng tựa phim mang hàm ý tiêu cực của một người mẹ dành cho con

Phim nói về tình mẫu tử nhưng tựa phim mang hàm ý tiêu cực của một người mẹ dành cho con

Phim kể về hai phụ nữ trẻ là Hạnh và Vy bất đắc dĩ làm mẹ khi tuổi đời còn trẻ. Qua thời gian chăm sóc con, họ dần học cách trưởng thành và yêu thương. Đề tài về tình mẫu tử và câu chuyện làm mẹ của hai nữ chính trong phim đem đến nhiều cảm xúc vì ngày nay hiện tượng làm mẹ đơn thân khá phổ biến. Việc đặt tựa phim là “Đừng làm mẹ cáu”- một câu nói thể hiện thái độ gắt gỏng, khó chịu, có tính răn đe dọa dẫm mà người mẹ dành cho con không toát lên được thông điệp tôn vinh tình mẹ mà phim muốn chuyển tải. Trong phim, nhiều lần nhân vật Hạnh cũng nói câu này với con mình là bé Happy nên có lẽ ê kíp đã dùng luôn làm tựa.

Tựa phim Thông gia ngõ hẹp đặt theo kiểu chơi chữ như tối nghĩa

Tựa phim Thông gia ngõ hẹp đặt theo kiểu chơi chữ như tối nghĩa

Bộ phim phát sóng trước Đừng làm mẹ cáu là Thông gia ngõ hẹp (tên cũ Vì chúng mình là một gia đình) không phải là phim có tựa hay. Chuyện phim kể về chuyện hai người bạn ghét nhau từ khi còn đi học bất đắc dĩ phải kết thông gia với nhau. Dễ dàng nhận ra ý tưởng đặt tựa phim là cách chơi chữ của cụm từ "oan gia ngõ hẹp". Phương thức chơi chữ cũng là một cách chọn tựa hay nhưng ở trường hợp này, tựa phim Thông gia ngõ hẹp hoàn toàn tối nghĩa. Tựa này cùng với nội dung đơn điệu, tình tiết vô lý, kém duyên càng khiến người xem không có cảm tình với phim. Dù quy tụ dàn diễn viên “cây đa cây đề” như NSND Trọng Trinh, NSND Thu Hà, NSUT Chí Trung, NSUT Linh Huệ bên cạnh những gương mặt trẻ đang được yêu thích như Trọng Lân, Việt Hoa nhưng Thông gia ngõ hẹp không tạo được hiệu ứng trên màn ảnh nhỏ.

Tựa phim cũ Về chung một nhà của phim Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ  ngắn gọn và gây thiện cảm hơn

Tựa phim cũ Về chung một nhà của phim Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ ngắn gọn và gây thiện cảm hơn

Bị chê nhiều nhất là tựa phim Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ. Tựa phim dài ngoằng, chỉ có 7 từ nhưng từ “cũ” được lặp lại 3 lần phần nào cho thấy sự nhàm chán và báo hiệu một nội dung rối rắm. Trên các diễn đàn phim ảnh, ngay khi những thông tin đầu tiên về phim được công bố, tựa này đã nhận được nhiều phản ứng không mấy tích cực. Nhiều lời bình luận than: “Tên phim loằng ngoằng quá, nghe tên thôi cũng đủ nhức đầu"; "Tên phim phức tạp, rắc rối quá"; "Khán giả Việt giờ chỉ thích mấy thứ hài hước, nhẹ nhàng thôi. Cuộc sống chưa đủ mệt mỏi hay sao". Được biết trước đó, tác phẩm của đạo diễn Vũ Trường Khoa có tên là Về chung một nhà – một tựa khá an toàn nhưng nghe vẫn dễ chịu hơn tựa mới.

Tựa phim Thương ngày nắng về hay, giàu hình ảnh

Tựa phim Thương ngày nắng về hay, giàu hình ảnh

Tựa phim là yếu tố đầu tiên thu hút người xem vì vậy cần chăm chút, chắt lọc để gói gọn, bao hàm chủ đề, chuyển tải thông điệp cốt lõi của toàn bộ nội dung phim trong đó. Sự ngắn gọn, dễ hiểu, đọc nghe mượt tai thuận miệng là những tiêu chí cơ bản, nếu đạt đến tính thẩm mỹ, tính ẩn dụ và có tính thu hút thì quá hay. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tựa phải có nghĩa bởi nếu không, dễ bị khán giả coi thường, không còn hứng muốn xem. Phim Việt giờ vàng từng có những tựa phim đề tài gia đình rất hay, sâu sắc, giàu hình ảnh như Về nhà đi con, Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng, Thương ngày nắng về nhưng gần đây có vẻ như các nhà làm phim đang “bí” tựa. Sự giảm nhiệt của những phim VTV dạo gần đây phải chăng cũng có phần bắt nguồn từ lý do này?

Theo H.Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)