Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim Việt giờ vàng “khát” kịch bản gốc hấp dẫn

Tạp Chí Giáo Dục

Một số phim truyền hình Việt chiếu giờ vàng phía Bắc gần đây bắt đầu có dấu hiệu giảm sức hút, trong khi phim phía Nam lại vươn lên dẫn đầu về sự quan tâm của khán giả trong cả nước. Trong sự đảo chiều này, có thể thấy rõ phim truyền hình đang “khát” kịch bản gốc hay, hấp dẫn một cách trầm trọng.

Lấy lại hào quang xưa

Trong top 10 chương trình truyền hình ăn khách nhất cả nước được Kantar Media (đơn vị nghiên cứu đo lường khán giả truyền hình) cập nhật đến cuối tuần qua, bộ phim Rồi 30 năm sau (Truyền hình Vĩnh Long 1) tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng sau hai tuần phát sóng. Tác phẩm này qua mặt tất cả phim Việt giờ vàng của VTV là Đấu trí, Gara hạnh phúc, Thông gia ngõ hẹp. Trước phim này, hai phim khác trên truyền hình Vĩnh Long là Duyên kiếp  Nơi ngọn gió dừng chân cũng đứng đầu danh sách 10 chương trình truyền hình có lượng người xem cao nhất nước, bỏ xa các phim của VTV.

Nhiều phim truyền hình gần đây trên VTV dùng kịch bản gốc không thật sự hấp dẫn khán giả nên dần hạ nhiệt. Trong ảnh là cảnh phim Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ

Nhiều phim truyền hình gần đây trên VTV dùng kịch bản gốc không thật sự hấp dẫn khán giả nên dần "hạ nhiệt". Trong ảnh là cảnh phim Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ

Trong khi phim truyền hình phía Nam đang có dấu hiệu hồi sinh, thì một số phim phía Bắc gần đây lại giảm nhiệt, thể hiện qua lượng tương tác trên các diễn đàn phim ảnh. Đấu trí, Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ, Gara hạnh phúc, Thông gia ngõ hẹp hoàn toàn không tạo được cơn sốt như thời Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về. Nguyên nhân không nằm ở diễn xuất, mà do kịch bản không hấp dẫn. Bằng chứng là khi Hành trình công lý – một phim chuyển thể từ Hàn Quốc – vừa lên sóng ba tập đầu đã được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn phim ảnh. 

Một thời gian dài, phim truyền hình phía Nam đang mất dần ưu thế trước phim phía Bắc, dù khái niệm phim Việt giờ vàng được ra đời từ các đơn vị làm phim phía Nam. Thời điểm trước đó, số lượng và chất lượng của phim phía Nam cũng nổi trội hơn hẳn. Thế nhưng, khi đơn vị sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC bắt đầu có những đột phá về công nghệ, quy trình làm phim mới, trong khi các đơn vị phía Nam vẫn giữ phương thức sản xuất cũ, thì tình thế đã thay đổi. Các phim phía Nam hiếm khi tạo bão màn ảnh nhỏ, trong khi rất nhiều phim của VFC làm được. Có điều, độ ăn khách thường rơi vào những tác phẩm chuyển thể từ kịch bản nước ngoài.

Phim có kịch bản thuần Việt có thể gây sốt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này càng bộc lộ rõ hơn trong thời gian gần đây, khi hàng loạt phim có kịch bản gốc lên sóng như Đấu trí, Chồng cũ vợ cũ người yêu cũ, Gara hạnh phúc, Thông gia ngõ hẹp không tạo dấu ấn gì mạnh mẽ. Những phim phía Nam ăn khách hiện nay đều là dòng phim chuyển thể từ kịch bản sân khấu. Điều đó cho thấy, chất lượng của các kịch bản gốc không cao, không thu hút được khán giả. Nếu không bám víu ý tưởng kịch bản có sẵn, phim truyền hình cả hai miền đều khó lôi cuốn  người xem.

Thông gia ngõ hẹp không để lại nhiều dấu ấn cho người xem

Thông gia ngõ hẹp không để lại nhiều dấu ấn cho người xem

An toàn trên hết 

Khán giả ít khi quan tâm phim làm lại hay phim chuyển thể, mà chỉ căn cứ vào nội dung. Phim chuyển thể, phim làm lại không đơn thuần “bê nguyên xi” mọi cái có sẵn ở bản gốc, mà biên kịch phải “thêm mắm dặm muối” rất nhiều. Do đó, nếu cho rằng không có sáng tạo trong dòng phim này thì rất oan cho các nhà làm phim. Bởi khi về Việt Nam, số tập luôn được kéo ra thêm.

Một kịch bản sân khấu chỉ dài hai đến ba tiếng, nhưng độ dài phim thường ba bốn chục tập trở lên (trung bình phim truyền hình dài 45 phút/tập). Không ít phim Việt hóa được đánh giá cao, xử lý tinh tế hơn bản gốc. Nhiều phim chuyển thể từ sân khấu thu hút đến mức khán giả phải tìm lại bản gốc để xem. Tạo ra phiên bản khác mà vẫn thành công là chuyện không dễ. Tuy nhiên, ngay cả khi làm tốt thì vẫn phải thừa nhận mọi bấu víu đều là biểu hiện của sự ăn sẵn. Tay nghề biên kịch Việt chủ yếu chỉ sáng tạo dựa trên cái cũ chứ không giỏi tìm ra cái mới.  

Tuy tiền mua bản quyền kịch bản phim truyền hình ngoại cao (trung bình từ 1.000-5.000 USD/tập), trong khi thù lao kịch bản thuần Việt là 10-15 triệu đồng/tập, nhưng các nhà sản xuất vẫn ưu tiên mua phim ngoại về làm lại cho an toàn. Về phần phim chuyển thể từ kịch bản sân khấu, theo nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên (hãng Sóng Vàng – đơn vị làm phim Duyên kiếp): “Mười vở cũng chỉ chọn được năm để làm phim thôi. Các vở diễn đó đã được bảo chứng chất lượng bằng sự đông khách, chứng tỏ câu chuyện đã hay, nên sao lại phải viết cái mới?”.

Sự ăn khách của phiên bản gốc là cơ sở để các nhà làm phim chọn hướng đi an toàn này, thay vì mạo hiểm chạy theo sáng tác mới toanh. Luật Điện ảnh sắp đi vào thực tế. Dự thảo hướng dẫn luật có quy định “thời lượng phát sóng phim Việt đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình”. Nếu dự thảo được thông qua, để chạy theo kịp chỉ tiêu này, ắt hẳn phim làm lại, phim chuyển thể từ kịch bản sân khấu sẽ còn bùng nổ hơn nữa trên màn ảnh nhỏ. Hiện nay, VTV là đơn vị duy nhất đáp ứng quy định này, nhưng tại hội thảo góp ý dự thảo vừa qua, đại diện VTV vẫn cho rằng con số 30% chưa hợp lý, bất khả thi.  

Cơn khủng hoảng kịch bản gốc không chỉ diễn ra ở phim truyền hình, mà còn cả phim điện ảnh. Kể cả “ông lớn” như Hollywood cũng không thoát chuyện bí ý tưởng mới. Một bộ phim ăn khách có kịch bản gốc tất nhiên luôn được đánh giá cao hơn phim làm lại, chuyển thể. Phim truyền hình Việt nương nhờ kịch bản ăn khách có sẵn chỉ nên là giải pháp tình thế, chứ không thể kéo dài mãi thành một hướng khai thác mặc định, xuyên suốt. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)