Y tế - Văn hóaThư giãn

Phim Việt – khó lòng “yêu bằng cả trái tim”

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày này, màn ảnh rộng liên tục đón hai bộ phim truyện Việt Nam (VN) Hiệp sĩ mù và Bước khẽ đến hạnh phúc ra rạp. Cả hai đều do hai đạo diễn tên tuổi họ Lưu của làng phim thực hiện.
Hiệp sĩ mù đánh dấu sự trở lại của Lưu Huỳnh hai năm sau Lấy chồng người ta, còn Bước khẽ đến hạnh phúc là sự tái xuất của Lưu Trọng Ninh sau phim Khát vọng Thăng Long ra đời cách đây bốn năm. Hai tác phẩm có đề tài, thể loại khác nhau nhưng đều chưa làm người xem thỏa mãn bởi không thoát được những hạn chế lớn của phim Việt, khâu kịch bản và cách thể hiện.
Câu chuyện của Hiệp sĩ mù mang nhiều yếu tố kỳ ảo, giả tưởng về một cô gái mất đi đôi mắt màu xanh quý hiếm quyết tâm tìm lại kẻ đã lấy mắt của mình. Cô muốn thấy được người mẹ trước khi linh hồn bà tan biến. Hành trình hơn 100 phút đi tìm lại ánh sáng của Linh trên phim không có nhiều tình tiết, những nút thắt đáng nhớ. Với một cốt truyện đơn giản như vậy nhưng cách kể lại chậm rãi, kéo dài khiến cả phim bị dàn trải, lê thê. Tuy là trung tâm của câu chuyện nhưng thời lượng dành cho việc miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật Linh rất ít, khiến hình tượng nhân vật chính không có sức sống. Sự thiếu thuyết phục ở nhân vật này còn thể hiện ở chi tiết cô luôn mở miệng giáo huấn đạo đức, bất kể trong trường hợp nào, với ai. Khán giả có thể chấp nhận Linh lớn lên trong chùa, tiếp nhận những điều răn dạy nhà Phật nên thường nói những câu triết lý nhưng mang những câu khuyên răn trong sách vở ấy thốt ra trước mặt những kẻ cáo già như Cường "chột", trong hoàn cảnh hai bên sắp đối đầu một mất một còn chỉ khiến tình huống trở nên ngô nghê mà như lời của Cường “chột” phán: “Thoại gì cứ như phim bộ”. Không chỉ Linh, ngay những tên xã hội đen giết người không gớm tay như Lâm, Hoàng cũng ra rả kêu gọi “sống đẹp”, làm người xem càng cảm thấy buồn cười vì sự khiên cưỡng và không khỏi tự hỏi chẳng lẽ đạo diễn không còn cách nào khác để chuyển tải thông điệp về thiện-ác, về nhân quả?
Tương tự Hiệp sĩ mù, phần thoại trong Bước khẽ đến hạnh phúc (khởi chiếu từ ngày 3/10) cũng là điểm trừ của phim. Phim kể về cô gái Việt kiều Mỹ Vivian được công ty cử về VN giám sát việc nhập lô hàng trang thiết bị y tế cho một dự án nhân đạo. Lấy bối cảnh VN ở thời điểm hiện tại, nhưng những gì diễn ra trên phim khá xa lạ với người xem. Xa lạ từ những câu nói dài dòng, thừa thãi, cho thấy đạo diễn chưa hiểu nhiều về con người và mảnh đất này. Không chỉ thoại, nhiều tình huống trên phim cũng lạc lõng, xa rời thực tế, chẳng hạn đoạn người cha thông báo sẽ sang Phnom Penh để bảo vệ con gái dù cô đang ở VN, đoạn bà mẹ đang nói chuyện điện thoại với con bất giác nghêu ngao hát một câu dài trong bản nhạc của Trịnh Công Sơn…

Diễn tiến tình yêu quá nhanh của Vivian trong phim Bước khẽ đến hạnh phúc không thuyết phục người xem
Sự gượng gạo còn nằm ở những tình tiết không hợp lý. Khán giả không khỏi thắc mắc vì sao chàng bạn trai kiến trúc sư lại không đưa Vivian về nhà mình ở tạm khi thấy cô bị đuổi khỏi khách sạn mà lại đưa cô đến công trình đang thi công, để rồi giữa tòa nhà ngổn ngang, bề bộn lại xuất hiện một “phòng ngủ” với chăn ấm nệm êm cho cô gái trẻ, để hai người tha hồ “mây mưa” giữa đêm rồi vô tư… khỏa thân đứng ngắm phố xá từ trên cao. Sự khiên cưỡng, sắp đặt còn thể hiện ở chi tiết chỉ cần một lần bị anh chàng kiến trúc sư lãng tử gặp ngoài đường cưỡng hôn, Vivian dễ dàng yêu ngay, trong khi cả tên đối phương cô cũng không biết. Nhân vật John thì luôn tìm cách hại Vivian mọi lúc mọi nơi bằng những phương thức can thiệp hết sức vô lý mà đỉnh điểm là chi tiết buộc khách sạn phải đuổi Vivian. Những tình tiết mang tính chủ quan, sắp đặt đó làm lu mờ cốt truyện nhân văn chuyển tải thông điệp “về nguồn” của lớp trẻ Việt kiều mà bộ phim muốn đề cập.
Không thể phủ nhận phim Việt ngày càng tiến bộ về mặt công nghệ, mạnh dạn lựa chọn đề tài mới lạ, chú trọng yếu tố quảng bá – phát hành hơn, diễn viên cũng chịu khó đầu tư cho vai diễn, nhưng có một điều cốt lõi lại chưa thay đổi là đầu tư kịch bản chưa kỹ. Hạn chế này thể hiện rõ nhất ở phần cốt truyện đơn giản, thiếu tình tiết hấp dẫn, lời thoại sáo mòn, nặng tính kêu gọi, hô hào. Có câu “có bột mới gột nên hồ”, khi một bộ phim thiếu đi nền tảng vững chắc là kịch bản tốt, cộng vào đó là sự chủ quan của đạo diễn thì dẫu khán giả có dễ tính đến mấy cũng khó lòng yêu phim Việt "bằng cả trái tim".
Theo PNO

 

Bình luận (0)