Y tế - Văn hóaThư giãn

Phim Việt Nam: So bó đũa, chọn cột cờ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tôi rất vui vì dù nhà nước tài trợ cho điện ảnh ngày một ít đi thì các hãng phim tư nhân tại TPHCM vẫn cứ ra phim đều đều. Năm nào cũng sôi động với dự án mới, phim mới. Có hãng dù thất bại phim này vẫn không nản mà làm ngay phim khác. Có thể lãi, có thể lỗ nhưng niềm đam mê phim ảnh vẫn không ngừng nghỉ. Thậm chí phải điêu đứng vì phim, cũng vẫn đau đáu vì nó.
  Đa số là phim giải trí
Năm 2013, cả nước có khoảng trên dưới 20 phim. 13 phim dự thi giải Cánh diều năm 2014, một vài phim có lẽ còn lo chiếu kinh doanh nên không tham dự. Trong 13 phim, chỉ có một bộ phim làm về đề tài chiến tranh của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng do nhà nước đặt hàng – Những người viết huyền thoại (đoạt Bông sen vàng tại LHP Việt Nam 18 – Quảng Ninh, tháng 10-2013). Bộ phim Và anh sẽ trở lại của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ làm về đề tài miền núi, có chút tài trợ về mảng này của nhà nước, còn lại phải kêu gọi tài trợ thêm bên ngoài cũng đạt được một số thành công và giải thưởng tại LHP nói trên. Số phim còn lại (11 phim) đa số là phim giải trí. Đề tài phần lớn về giới showbiz
Phim Tèo em cốt truyện giản dị, bối cảnh là những điểm dừng dọc đường đi trải theo câu chuyện của Tí (Johny Trí Nguyễn đóng) chạy về Sóc Trăng tìm người yêu. Và lái xe là Tèo (Thái Hòa đóng), em nuôi từ lâu không gặp lại của Tí đã sốt sắng đưa Tí đi bằng chiếc xe nát không thể nát hơn của mình. Câu chuyện lúc cáu, lúc dỗi, lúc hờn của hai nhân vật đã đem đến cho khán giả những phút giây vui vẻ. Nhìn chung bộ phim sản xuất dường như không tốn kém nhiều cho bối cảnh, đạo cụ ngoài một vài đoạn kỹ xảo xe bấp bênh chỉ chực rơi xuống sông như phim Mỹ và cảnh cá sấu quần thảo với người… 
Phim Tía ơi động đến vấn đề đạo đức xã hội, lòng hiếu thảo trở nên hiếm hoi, “bất thường” đối với những đứa con thành đạt, giàu có… Cho dù phim có danh hài Hoài Linh tham gia, nhưng mô típ không mới. Thần tượng là bộ phim làm khá trẻ trung, có số phận, tính cách nhân vật rõ nét… Một nhóm bạn trẻ yêu canhạc có ý tưởng mới, cách nghĩ mới và tìm lối đi mới cho âm nhạc, cho ca sĩ của mình khác với những nhóm khác, dù họ rất khó khăn về kinh tế. Nhưng cuối cùng, tưởng nhóm tan đến nơi thì họ lại đoàn tụ để giành chiến thắng… Thực ra, giải Cánh diều là giải của một cuộc tổng kết sau 1 năm nhìn lại của điện ảnh nước nhà nên không tránh khỏi tình trạng “so bó đũa chọn cột cờ”.
  Những kỳ vọng
TPHCM là một TP lớn, năng động. Có nhiều khán giả mê phim sẵn sàng đến rạp ủng hộ phim Việt. TP có nhiều cụm rạp đạt chuẩn quốc tế. Khả năng kêu gọi vốn đầu tư thuận lợi, có đội ngũ làm nghề đông và giỏi. Đặc biệt là công nghệ sản xuất phim khá hiện đại, không thua kém gì các nước trong khu vực. 
Vài năm trở lại đây, do chính sách của nhà nước cởi mở nên khá đông nghệ sĩ Việt kiều về nước làm phim. Những người làm điện ảnh trong nước không giấu sự kỳ vọng ở họ. Hy vọng rằng họ được sống và học tập ở nơi có nền công nghiệp điện ảnh hùng mạnh nhất thế giới là Holywood sẽ có nhiều ý tưởng hay, lạ, cách làm mới mẻ, đem lại món ăn đặc sản điện ảnh cho khán giả trong nước thưởng thức. Và quả thật họ đã làm được như vậy. Bằng chứng là đã có một số phim đoạt giải thưởng cao trong LHP Việt Nam và giải Cánh diều của Hội Điện ảnh. Nhưng cạnh đó cũng còn những phim tầm tầm không có gì mới, đôi ba phim còn dấy lên nghi ngờ hình như lấy chỗ này chỗ kia, ảnh hưởng chỗ này chỗ kia của phim này phim kia “ở bển”! Ảnh hưởng là điều không tránh khỏi nhưng làm sao để thoát ra, để biến cái của họ thành cái của mình, hoàn toàn là của mình mà không để lại dấu vết của sự ảnh hưởng… Thế mới tài, mới gọi là cao tay. Nói vậy thôi, ai cũng biết là cuộc sống ở trong nước, những vấn đề ở trong nước, người sinh ra và lớn lên ở đây còn khó nắm bắt để thể hiện lên phim nữa là…
Tại giải Cánh diều 2013, còn một số phim chưa được giới chuyên môn đánh giá cao, tay nghề còn vụng nên các báo hay dùng từ hơi quá lên là “thảm họa” để gán cho nó (như Sau ánh hào quang, Săn đàn ông, Gác kiếm, Hiệp sĩ guốc vông). Hiệp sĩ guốc vông không biết từ đâu tới, mặc bà ba màu sáng, đầu đội nón, chân mang guốc vông nhưng đánh ai cũng thắng bởi những cú đá bằng “guốc vông” của mình. Hiệp sĩ bất thần xuất hiện mọi lúc nếu nơi ấy có chuyện cần được giúp đỡ. Ý tưởng phim tốt, hình ảnh hiệp sĩ khá lạ trong cuộc sống đương đại. Song cách xử lý tình huống và sự gắn kết giữa các nhân vật còn lỏng lẻo, thiếu logic…
 
Theo SGGP

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)