Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim Việt thua lỗ ngoài sức tưởng tượng

Tạp Chí Giáo Dục

Thị trường rạp chiếu phim Việt thời gian qua hết sức ảm đạm khi doanh thu các phim trình chiếu vô cùng bết bát, kể cả “bom tấn” hành động đầu tư 60 tỉ đồng cũng lỗ ngoài sức tưởng tượng.

Đầu tư lớn, thiệt hại nặng

Hai phim Việt gần nhất ra rạp là Kẻ thứ ba và 578: Phát đạn của kẻ điên có mức đầu tư lớn nhưng lại lỗ nặng tại phòng vé.

Phim hợp tác Hàn Quốc của Lý Nhã Kỳ sản xuất Kẻ thứ ba (đạo diễn Park Hee-jun) đầu tư hơn 33 tỉ đồng, sau 15 ngày chiếu loe hoe khách xem, theo Box Office VN – đơn vị thống kê doanh thu độc lập đáng tin cậy hiện giờ, phim chỉ thu về vỏn vẹn 962 triệu đồng và lặng lẽ rút lui khỏi tất cả các rạp. Doanh thu quá thấp của Kẻ thứ ba có nhiều nguyên nhân như phim đã cũ vì quay từ năm 2018, quá trình làm phim bị ngừng nhiều lần do nhà sản xuất cũ là Hạnh Nhân vỡ nợ, đến khi Lý Nhã Kỳ bỏ tiền ra mua lại dự án, rồi tiếp tục trầy trật hoàn thiện tác phẩm để ra mắt vào giữa tháng 5. Thế nên, chính chất lượng phim kém khiến khán giả không hào hứng bỏ tiền mua vé xem. Dù biết trước là sẽ lỗ, nhưng con số không tới nổi 1 tỉ đồng tiền bán vé sau 2 tuần ra rạp là điều nằm ngoài dự đoán của ê kíp.

Phim Việt thua lỗ ngoài sức tưởng tượng - ảnh 1

“Bom tấn” 578: Phát đạn của kẻ điên đầu tư hơn 60 tỉ đồng chỉ bán vé được 3,5 tỉ đồng. ĐPCC

Bộ phim hành động võ thuật 578: Phát đạn của kẻ điên (đạo diễn Lương Đình Dũng) ra mắt khán giả vào ngày 20.5 được công bố kinh phí rất “khủng” – đến hơn 60 tỉ đồng, nhưng sau hơn 15 ngày công chiếu, đến nay phim chỉ thu được có 3,5 tỉ đồng. Trên website các cụm rạp, phim hiện có suất chiếu ít ỏi do nhu cầu xem của khán giả giảm và có thể rút khỏi hệ thống rạp hoàn toàn vào thứ sáu tuần này để nhường chỗ cho các phim mới khác. Có thể nói, 578: Phát đạn của kẻ điên sẽ trở thành một trong những phim Việt thua lỗ nhất từ trước đến nay. Bởi ai cũng biết, lâu nay tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất phim và chủ rạp đa số là 50/50 tổng doanh thu. Để hòa vốn, phim bắt buộc phải đạt doanh thu thấp nhất bằng gấp đôi kinh phí đã bỏ ra. Ví dụ như với Kẻ thứ ba, phim phải đạt 66 tỉ đồng; và 578: Phát đạn của kẻ điên phải thu được ít nhất 120 tỉ đồng tiền bán vé.

Trước đó, vào đầu tháng 3, bộ phim Người tình của đạo diễn Lưu Huỳnh khi rút lui khỏi các rạp cũng chỉ đạt doanh thu 1,1 tỉ đồng; phim Người lắng nghe: Lời thì thầm của đạo diễn Khoa Nguyễn dù đoạt nhiều giải quốc tế cũng thu được có 2,2 tỉ đồng. Hiện tại, bộ phim Maika – cô bé đến từ hành tinh khác (đạo diễn Hàm Trần) do hãng BHD và Cục Điện ảnh kết hợp sản xuất theo đặt hàng của Bộ VH-TT-DL chiếu rạp Việt từ 27.5, đến nay mới chỉ thu về được có 4,7 tỉ đồng.

Phim Việt thua lỗ ngoài sức tưởng tượng - ảnh 2

Poster quảng bá 2 phim về Trịnh Công Sơn sẽ ra rạp cùng lúc

“Bom tấn” sắp tới có đáng kỳ vọng ?

Trong số các phim Việt ra mắt tính từ đầu năm đến nay, chỉ có vài phim đạt mức doanh thu được xếp vào “top cao nhất” nhưng cũng dừng ở con số hơn vài chục tỉ đồng, chưa đạt đến cột mốc “phim trăm tỉ” như trước đây phim Việt dễ dàng làm được: Bẫy ngọt ngào thu 83,3 tỉ đồng (chiếu dịp lễ Tình nhân), Nghề siêu dễ –

68,6 tỉ đồng (“một mình một chợ” mùa lễ 30.4 – 1.5), phim chiếu tết Chìa khóa trăm tỉ đạt 65,3 tỉ đồng, Chuyện ma gần nhà – 58,7 tỉ đồng. Bộ phim nhận được nhiều lời khen tốt về chất lượng của đạo diễn người Mỹ làm tại VN là Đêm tối rực rỡ cũng chỉ thu được 20,7 tỉ đồng.

Với tình hình thị trường doanh thu rạp chiếu rất khó đoán định như thế, bộ phim hành động Thanh Sói – đầu tư hơn 50 tỉ đồng của nhà sản xuất – đạo diễn Ngô Thanh Vân đã phải chần chừ lên lịch ra rạp rồi rút lui vài lần với lý do “phải dành thời gian làm thêm về hậu kỳ, kỹ xảo để bộ phim hoàn thiện tốt nhất về chất lượng mới ra mắt phục vụ công chúng”.

Chỉ có một “bom tấn” Việt khác có kinh phí hơn 50 tỉ đồng là Em và Trịnh vẫn tự tin ra rạp “mùa thấp điểm” này với không chỉ một phiên bản, mà có tới 2 phim ra rạp cùng ngày của cùng một đoàn phim, làm về nội dung cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là phương thức phát hành “lạ đời” đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt, nên cũng nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Thứ nhất, khán giả cho rằng đây là chiêu quảng bá gây sốc, đánh động sự chú ý của khán giả dành cho phim Em và Trịnh và rất có thể chỉ có 1 phim chính thức trình chiếu (dù hiện tại các rạp đều đã quảng bá, lên lịch chiếu cả 2 phim, nhưng trailer phim từ nhà sản xuất cho tới cận ngày ra mắt là 10.6 (ra rạp chính thức 17.6) chỉ có một cái của Em và Trịnh, còn phim Trịnh Công Sơn chưa có bất cứ trailer hay teaser nào trước đó). Thứ 2, công chúng cho rằng nhà sản xuất muốn tận thu nguồn lực sản xuất khi lấy các thước phim quay cùng một thời điểm để tách ra, dựng thành hai bộ phim; và nếu phát hành hai phim trên cùng một sự đầu tư thì khả năng doanh thu sẽ cao hơn để có lãi nhiều hơn, hoặc phim không thắng trong mùa ế ẩm này thì số tiền bán vé cả hai phim dù sao khi thu lại cũng gỡ gạc ít nhiều cho kinh phí.

Diễn viên – nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh nêu ý kiến: “Nhu cầu khán giả thay đổi từng ngày, đã qua rồi cái thời bộ phim hễ có ngôi sao phòng vé, diễn viên nổi tiếng của nước ngoài, thuộc thể loại hài hay võ thuật, kinh dị, lãng mạn theo thị hiếu… là có thể bảo chứng thành công về doanh thu. Tư duy và chiến lược làm phim của các nhà sản xuất phim Việt tất yếu phải thay đổi, chuyển mình cho phù hợp thời cuộc, để làm ra bộ phim mà khán giả đến với phim thật sự vì câu chuyện chạm cảm xúc, lẫn chất lượng tổng thể”.

Theo Phan Cao Tùng/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)