Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim Việt thừa sắc, thiếu hương

Tạp Chí Giáo Dục

Các phim Việt ra rạp ngày càng được đánh giá cao về mặt nghe – nhìn, nhưng ít phim có thể chinh phục người xem bằng nội dung. Khán giả cần nhiều hơn một câu chuyện chỉ có “bề nổi”.

Cuộc đua nịnh mắt, nịnh tai

Bộ phim Người vợ cuối cùng, sau 2 tuần phát hành đã đạt 70 tỉ đồng doanh thu – con số khá ấn tượng trong tình hình doanh thu èo uột của phim rạp hiện nay. Tuy vậy, tác phẩm mới của đạo diễn Victor Vũ không được đánh giá cao về mặt chất lượng. Điểm sáng của phim nằm ở bối cảnh thiên nhiên Bắc Kạn tuyệt đẹp, trang phục được trau chuốt tỉ mỉ như đưa người xem về thế kỷ XIX cùng phần nhạc phim đặc sắc.

Phim Người vợ cuối cùng chăm chút hình thức đến từng tiểu tiết nhưng nội dung chưa đặc sắc

Phim Người vợ cuối cùng chăm chút hình thức đến từng tiểu tiết nhưng nội dung chưa đặc sắc

Trước đó, phim Đất rừng phương Nam cũng chỉ ghi điểm ở những khung hình lung linh về cảnh sắc miền Tây sông nước và sự dụng công dàn dựng những cảnh chiến đấu đẹp mắt. Phim Chạm vào hạnh phúc và Giao lộ 8675 khiến người xem xuýt xoa vì phong cảnh thiên nhiên các vùng miền. Trên màn ảnh nhỏ, bối cảnh rừng núi Hà Giang trong phim Tết ở làng địa ngục hiện lên thật hùng vỹ và hoành tráng, tạo được cảm giác hoang vu, trầm uất, phù hợp với câu chuyện. Phần phục trang lột tả được cái khổ, cái chân chất của con người làng quê Bắc Bộ ngày xưa. 

8 năm trước, thành công thương mại và nghệ thuật của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã khơi mào một cuộc chạy đua tìm bối cảnh cho phim Việt. Các đoàn phim không còn tư duy mượn, thuê có gì quay nấy nữa mà đầu tư đậm cho khâu thị giác. Nhiều dự án lớn tiêu tốn đến 50-70 tỉ đồng, trong đó phần lớn dành cho bối cảnh. Những địa điểm xa xôi, hiểm trở được các đoàn phim săn lùng đưa lên màn ảnh. Khâu phục trang, tạo hình cũng được chi đậm không kém: có nhà thiết kế riêng, giám đốc mỹ thuật chăm lo. Ngoài phần nhìn, phần nghe cũng được nâng cấp. Thay vì dùng nhạc điện tử hay các ca khúc có sẵn, mốt nhạc phim hiện nay là mời cả dàn nhạc giao hưởng chơi nhạc nền hoặc đặt hàng các nhà soạn nhạc, nhạc sĩ tay nghề cao viết.

Với những phim hành động, phần chỉ đạo võ thuật được chuyên gia từ Hollywood sang hỗ trợ. Nhìn chung, phim Việt ngày càng tiến tới sự chuyên nghiệp ở các khâu hình ảnh, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, hành động. Các yêu cầu về mặt kỹ thuật ở phim Việt giờ đây không thua gì phim nước ngoài. Sự đầu tư hoành tráng, công phu cho các yếu tố thị giác, thính giác này là một trong những cách hiệu quả lôi kéo khán giả giữa thời điểm người xem có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí.

Chất lượng ở đâu?

Điện ảnh trước hết phải thỏa mãn phần hình ảnh, nhưng nội dung mới quyết định sự khen chê dành cho phim. Phim Việt đa số gặp hạn chế ở phần này. Nhiều phim có cách kể đơn điệu, nhàm chán. Người vợ cuối cùng lấy bối cảnh lịch sử thời phong kiến lẽ ra là mảnh đất màu mỡ để tạo ra một câu chuyện thu hút, nhưng đạo diễn lại dành nhiều thời lượng kể về mối tình sến súa của 2 nhân vật chính. Phim Giao lộ 8675 thuộc thể loại phim hợp tuyển (tập hợp nhiều câu chuyên riêng rẽ), vốn cần lối kể sáng tạo để mạch phim không bị rời rạc, nhưng đạo diễn non tay nghề nên 3 câu chuyện trong phim thiếu sự kết nối, làm người xem ngáp vắn ngáp dài. 

Điểm yếu trong khâu kịch bản còn được thấy ở việc xây dựng nhân vật thiếu thuyết phục. Xem Người vợ cuối cùng, khán giả không thể đồng cảm với những suy nghĩ và hành động của Linh và Nhân. Lý do là phim thiếu những chi tiết hay tình tiết đắt giá cho thấy Nhân xứng đáng với những hy sinh của Linh.

Tương tự, xem Chạm vào hạnh phúc, mối tình tay ba giữa ông Sắn, bà Thắm và cô Nhàn cũng xây dựng khiên cưỡng, thiếu thực tế. Đến gần cuối phim, đạo diễn cũng không tìm ra cách giải quyết triệt để cho mối quan hệ oái ăm này. Phim còn thiếu logic ở vài tình huống như đoạn chữa bệnh bằng phương pháp sóng điện khá “ảo”, bà Thắm hết ung thư, Bầu hết bệnh tâm thần chỉ sau một thời gian ra nước ngoài chữa trị.

chưa lột tả được tinh thần của vùng đất và con người sông nước phương Nam.

Đất rừng phương Nam chưa lột tả được tinh thần của vùng đất và con người sông nước phương Nam.

Thoại chưa hay, không phù hợp và dùng thoại để giải thích cũng là nhược điểm chung của nhiều phim Việt. Phim Chạm đến hạnh phúc mắc lỗi nặng cả 2 điểm này. Người vợ cuối cùng và Đất rừng phương Nam có bối cảnh xưa nhưng lời thoại mang màu sắc hiện đại, tạo cảm giác chỏi. Phim Chạm vào hạnh phúc có lời thoại theo lối văn học và đạo diễn dùng giọng kể chuyện của nhân vật để giải thích một số bước ngoặt, trong khi điện ảnh tối kỵ điều này.

Làm không tốt những điều trên, phim Việt dễ rơi vào tình trạng tinh thần, thông điệp chuyển tải bị mờ nhạt. Chẳng hạn trong Người vợ cuối cùng, cái kết bi thảm dành cho nữ chính khiến sự vùng lên đấu tranh của cô trước đó trở nên vô nghĩa, làm người xem thấy khó hiểu về thông điệp phim. Phim Đất rừng phương Nam thiếu cân nhắc vài tình tiết, nhân vật xuất hiện, dẫn người xem hiểu sai và kết quả là phim chưa lột tả được tinh thần của vùng đất và con người sông nước phương Nam. 

Khán giả luôn dành tình cảm cho phim Việt. Bằng chứng là những phim gây tranh cãi như Đất rừng phương Nam, Người vợ cuối cùng đều có doanh thu khả quan. Nhưng đã đến lúc các nhà làm phim phải công nhận rằng những cảnh quay đẹp và sự có tâm trong việc xây dựng bối cảnh chẳng thể bù đắp cho một kịch bản thiếu thuyết phục. Chú tâm vào cái đẹp của bối cảnh, phục trang, đạo cụ là điều cần vì đó là chất xúc tác cho cảm xúc người xem, nhưng trên hết, dụng công vào kịch bản mới là điều quan trọng nhất. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)