Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim Việt tràn ngập chuyện ngoại tình, “người thứ ba”

Tạp Chí Giáo Dục

Trích đoạn giới thiệu tập 19 phim Trạm cứu hộ trái tim có cảnh bà Hạ Lan vạch trần bộ mặt “tiểu tam” của An Nhiên đã nhận hơn 118.000 lượt yêu thích và hơn 6.100 bình luận. Vấn đề ngoại tình, “người thứ ba” luôn “nóng” nên phim Việt từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh lớn đều xoay quanh chuyện này.

Từ “gia vị” thành “đặc sản” phim truyền hình

Xem qua nhiều phim dài tập phát sóng trên truyền hình hoặc các ứng dụng xem phim trong nước, có thể thấy hầu như phim nào cũng có yếu tố ngoại tình, phản bội, “người thứ ba”.

Trước đây những tác phẩm chủ đề gia đình cũng luôn đề cập các chuyện này nhưng chỉ ở mức “gia vị” cho phim. Giờ đây, chúng được đẩy lên thành nút thắt chính trong câu chuyện phim, phim nào càng đi sâu vào yếu tố này càng “hot”, như trường hợp của Trạm cứu hộ trái tim hay Chúng ta của 8 năm sau và Yêu trước ngày cưới. Những cảnh bắt quả tang ngoại tình, đánh ghen, dằn mặt “kẻ thứ ba” luôn gây “bão”. Chẳng hạn cảnh Nguyệt bắt quả tang chồng ngoại tình trong Chúng ta của 8 năm sau nhanh chóng hút triệu lượt xem sau vài giờ cùng hàng ngàn bình luận của khán giả trên trang VTV Giải trí.

Phim Trà cố gắng đưa ra góc nhìn mới về “tiểu tam” nhưng không được người xem đồng cảm

Phim Trà cố gắng đưa ra góc nhìn mới về “tiểu tam” nhưng không được người xem đồng cảm

Tình trạng ngoại tình, ly hôn, có “kẻ thứ ba” xen vào hôn nhân là thực tế ngoài đời nên không có gì khó hiểu khi những phim có các tình huống này rất được người xem quan tâm. Mô típ chung thường là chồng ngoại tình, vợ cam chịu, “tiểu tam” đeo bám. Khán giả xem tức anh ách với sự phản bội của người chồng, sự trơ tráo của “kẻ thứ ba” và thái độ nhẫn nhịn, tâm lý muốn tha thứ và hàn gắn của người vợ nhưng vẫn bị cuốn vào, nhất là khi diễn viên nhập vai quá đạt. Nhiều diễn viên còn bị đóng đinh luôn vào dạng vai người vợ bị lừa dối hoặc chuyên đóng vai “tiểu tam”.

Để tăng thêm kịch tính, một số phim có cách khai thác quá mức, làm người xem cảm thấy như đang cổ xúy cho kẻ phản bội, tẩy trắng giúp “người thứ ba”. Như trong Yêu trước ngày cưới, nói về chuyện tình yêu trước hôn nhân, nam chính Huy Hoàng và nữ chính Nhật Phương dù đã có người yêu nhưng vẫn qua lại với nhau. Thậm chí nam chính còn bỏ tiền để được “lên giường” với nữ chính và cô cũng chấp thuận. “Cảnh nóng” của 2 nhân vật này, cảnh Nhã Thy – bạn của Nhật Phương – đứng ra bênh vực khi bạn bị Minh Anh – người yêu của Huy Hoàng – đánh ghen khiến người xem bức xúc vì tư duy lệch lạc của các nhân vật.

Phim điện ảnh nhập cuộc và thua cuộc

Các phim chiếu rạp gần đây cũng chạy theo cơn sốt về đề tài này. “Mở hàng” đầu năm là phim Trà – một tác phẩm ngay từ cái tựa đã hé lộ nội dung nói về “tiểu tam”. Sau Trà, phim Quý cô thừa kế 2 cũng đề cập chuyện “tiểu tam” phá hoại hạnh phúc gia đình nam chính. Nhân vật này còn trơ tráo hơn khi cặp kè với cha của cô bạn thân và âm mưu chiếm gia sản của 2 cha con. Phim Đóa hoa mong manh xoay quanh bi kịch cuộc đời cô ca sĩ Thạch Thảo, trong đó có bi kịch tình yêu khi cô và “ông bầu” đã có gia đình “cảm nắng” nhau. Mới nhất, phim Cái giá của hạnh phúc có cốt truyện đầy kịch tính về màn trả thù đỉnh cao của nữ chính dành cho ông chồng trăng hoa.

Phim chiếu rạp cố gắng khai thác chủ đề tình yêu, ngoại tình ở góc độ mới. Trong phim Trà, nhân vật cô bồ nhí không được mô tả như kẻ phản diện mà ở vai trò “nạn nhân” nhiều hơn. Cách kể đặc biệt của đạo diễn Lê Hoàng cho ra cái nhìn khách quan hơn về “tiểu tam” và không phán xét đúng – sai. Với phim Cái giá của hạnh phúc, đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm cho biết: “Trong phim có nhân vật “tiểu tam” nhưng tôi không nói về họ. Tất nhiên “người thứ ba” luôn làm ảnh hưởng đến hôn nhân. Không có lửa làm sao có khói, nhưng phim này tôi không tập trung về “khói” hay “lửa” mà là “củi”. Cốt lõi của phim nói về giá trị của hạnh phúc. Hôn nhân giống như một người đi tu, sẽ có cám dỗ nên phải tu hành trong hôn nhân như thế nào”.

Cảnh bà Hạ Lan dằn mặt “tiểu tam” An Nhiên  trong tập 19 phim Trạm cứu hộ trái tim gây bão trên mạng xã hội

Cảnh bà Hạ Lan dằn mặt “tiểu tam” An Nhiên trong tập 19 phim Trạm cứu hộ trái tim gây bão trên mạng xã hội

Dù nỗ lực đưa ra góc nhìn mới về vấn đề cũ này, nhưng so với phim truyền hình, đề tài ngoại tình trên màn ảnh lớn không có sức hấp dẫn bằng. Các phim Trà, Quý cô thừa kế 2, Đóa hoa mong manh đều không khả quan về doanh thu, chủ yếu do kịch bản cũ kỹ, cách kể không thu hút. Chưa kể diễn xuất của các diễn viên trong cả 3 phim trên đều nhạt nhòa, làm người xem chán ngán. Với phim truyền hình, khán giả có thể xem miễn phí nên mọi hạn chế có thể được châm chước, nhưng khi ra rạp, bỏ tiền mua vé, họ đòi hỏi cao hơn và không chấp nhận những khiếm khuyết trên.

Phim Việt đang trong giai đoạn chập chững phát triển nên các nhà làm phim có xu hướng chọn đề tài gần gũi, dễ làm. Trong khi phim điện ảnh, truyền hình các nước đã tiến lên khai thác những đề tài xã hội có tính bao quát, toàn cầu hơn thì phim Việt vẫn đang quanh quẩn với những vấn đề ngoại tình, phản bội trong gia đình, hôn nhân. Có lẽ phải đợi thời gian lâu nữa, chỉ khi nào người xem đã phát ngấy với chủ đề này mới mong các nhà làm phim chuyển hướng.

Phim ảnh cũng như các loại hình nghệ thuật khác góp phần quan trọng trong định hướng cho công chúng về chân-thiện-mỹ. Mong rằng các nhà làm phim đừng vì câu khách mà quên đi vai trò của phim ảnh trong cuộc sống.

Theo Hương Nhu/PNO

 

Bình luận (0)