Các diễn viên thu tiếng trực tiếp tại phim trường của phim Cậu bé ngoài hành tinh |
Những năm gần đây, việc thu tiếng trực tiếp cho các bộ phim truyền hình đã được sử dụng khá phổ biến bởi những tiện ích mà nó đem lại. Hãng phim Lasta là đơn vị đi tiên phong ở lĩnh vực mới này với hàng loạt bộ phim được chiếu trên “giờ vàng” của HTV. Ban đầu, khán giả xem phim cũng phản ứng dữ dội vì cho rằng diễn viên nói… “đơ như cây cơ”, cứ như trả bài. Nhưng dần dần, khán giả đã chấp nhận khi hiểu ra chính nhờ nói tiếng thật của mình mà các diễn viên nhập vai “có hồn” hơn.
Rút ngắn được thời gian và giảm kinh phí
Trước đây, hầu hết các diễn viên Việt Nam đóng phim đều nhờ vào đội ngũ lồng tiếng để “cứu vớt” phần nào giọng nói yếu kém của mình. Tuy nhiên, dù điêu luyện đến đâu, hiệu quả lồng tiếng vẫn không thể bằng thu tiếng trực tiếp. Bởi nó thiếu sự tươi tắn, sống động, tinh tế của âm thanh đời sống nên người xem vẫn có cảm giác là không thật.
Đạo diễn Xuân Phước cho biết: “Việc thu tiếng trực tiếp rất phức tạp, đòi hỏi ở người diễn viên phải có giọng nói chuẩn, đạo diễn phải thật tinh ý, nhạy cảm ở hiện trường quay thì mới có một kết quả hoàn hảo. Thu tiếng trực tiếp rút ngắn thời gian quay và ít tốn kinh phí hơn vì khi quay xong, phần hậu kỳ và dựng nhanh hơn, không phải lệ thuộc nhiều vào đội quân lồng tiếng”.
Khi phim Việt đã chọn hình thức thu tiếng trực tiếp thì giọng nói của người diễn viên luôn là tiêu chí quan trọng hàng đầu để được giao vai diễn. Có nhiều diễn viên diễn xuất rất tốt, ngoại hình lý tưởng nhưng đạo diễn đành ngậm ngùi nói “lời chia tay” chỉ vì tiếng nói ngọng nghịu, giọng “mái”, không chuẩn. Như trường hợp của diễn viên kiêm người mẫu Đ.T, vóc dáng lý tưởng, gương mặt rất nam tính được các đạo diễn “chấm” vào những vai doanh nhân thành đạt hoặc những vai “đểu”, nhưng khi giọng “mái” của anh cất lên đã phá hỏng nhân vật. Vì vậy mà thời gian gần đây, anh chỉ thường đóng những phim có lồng tiếng thì mới “khỏa lấp” được giọng nói của mình. Diễn viên V.T cũng rơi vào trường hợp như thế. Chỉ thử sức một lần thu tiếng trực tiếp trong phim truyền hình Ảo ảnh, khuyết điểm giọng nói lộ ra nên đạo diễn cũng đành bó tay. Ngược lại, một số diễn viên tuy không có ngoại hình bắt mắt nhưng nhờ “giọng nói vàng” nên họ luôn là ưu tiên cho thể loại mới này.
Tại trường quay, việc thu âm đồng bộ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố: thời tiết, con người và cả máy móc. Giai đoạn bấm máy, mọi bộ phận trong đoàn phim phải khẩn trương chuẩn bị, từ chuyên viên hóa trang, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh đến diễn viên và nhất là đạo diễn. Bởi lúc này đạo diễn là người căng óc nhất, cùng lúc phải quan sát, chỉ đạo nhiều thứ như diễn xuất của diễn viên, lời thoại, cảnh trí, khung hình nên đòi hỏi đạo diễn gần như tập trung 100%. Với các cảnh quay ở ngoài trời, đoàn phim gặp khá nhiều khó khăn. Những lúc trời mưa, tiếng mưa rơi tí tách tưởng chừng là một âm thanh trữ tình lãng mạn, nhưng với việc thu tiếng trực tiếp thì mưa lại là “kẻ thù” bởi cả đoàn phim phải nghỉ quay, làm hao phí thời gian và tổn thất tiền bạc.
Những chuyện… cười ra nước mắt
Việc thu tiếng trực tiếp đòi hỏi việc lựa chọn cảnh quay cũng làm đạo diễn điên đầu không kém. Điện ảnh nước nhà còn nghèo, kinh phí cho phim thấp, phim trường ít và quá mỏng manh, từ việc thương lượng với nhà dân, xin giấy phép chính quyền do một tay chủ nhiệm “đảm đang”, nhưng chẳng ai dám bảo đảm sẽ không có… bất trắc xảy ra.
Khi đoàn phim truyền hình Tham vọng của đạo diễn Xuân Cường đến quận 7 để quay ngoại cảnh. Cảnh quay Minh Đạt đi bộ ngoài bờ sông, trông rất trữ tình, cứ tưởng mọi việc sẽ ổn thỏa, vì khu vực đó rất kín, cây cối um tùm, khán giả khó phát hiện mà đến xem. Tiếng đạo diễn vang lên: “Máy! Diễn!”. Minh Đạt nhập vai với từng bước chân nhẹ nhàng… bỗng đạo diễn hô “cắt”. Mọi người đưa mắt nhìn nhau chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh liền chỉ tay lên trời: “Máy bay, máy bay ồn ào quá!”. Thì ra chính anh là người đầu tiên phát hiện ra tiếng ồn từ trên trời!
Khi chọn cảnh quay ở một quán cà phê, ai nấy đều hí hửng vì bối cảnh quá tuyệt vời. Nhưng lúc đoàn đổ quân tới thì mới phát hiện hai căn nhà sát vách – một căn là xưởng cưa, một căn là… tiệm hàn, lục đục suốt cả ngày, khiến đoàn phim gần như nín thở bởi tiếng động “không mời mà tới”. Cứ mỗi lần quay là mỗi lần năn nỉ, xin họ dừng 5 phút để quay phim. Văn Huỳnh – một nhân viên có khá nhiều kinh nghiệm trong việc xin im lặng ở hiện trường mếu máo kể: “Có lần, một ông chạy honda vào thẳng khu vực quay. Thấy em chặn lại, không những không ngừng mà ông ấy còn đâm thẳng vào người, rồi miệng la: “cướp cướp”, báo hại cả đoàn phim ngẩn ngơ không biết chuyện gì, còn đạo diễn thì giậm đất kêu trời vì… tức!”.
Cảnh đoàn phim Mùi ngò gai quay ở thác Giang Điền – Đồng Nai, cứ ngỡ tiếng thác “reo” sẽ là âm thanh thích hợp cho đôi tình nhân tâm sự. Ai ngờ, khi cảnh quay diễn ra thì tiếng ve bắt đầu râm ran… bất tận! Cả đoàn phải chia nhau ném sỏi lên cây để các chú ve im lặng, khi hiện trường im lặng đoàn phim vừa bấm máy thì các chú ve lại tiếp tục kêu. Cuộc chiến âm thanh ồn ào này chỉ được dẹp khi đạo diễn cử các anh bảo vệ hiện trường leo lên cây rung liên tục để ve sợ mà đừng… kêu!
Biết bao tình huống bi hài nảy sinh trong quá trình khởi quay, biết bao chuyện để kể… Ấy thế mà những nhà làm phim giống như những con ong cần mẫn góp mật cho đời, để những bộ phim thu tiếng đồng bộ đạt được chất lượng thật sự.
Bài và ảnh: LỮ ĐẮC LONG
Bình luận (0)