Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát”: Bản hòa ca của hoang dã và yêu thương

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi khi cô đơn, đau đớn, Kya đều chạy về phía đồng lầy hoang vu, với bầy mòng biển. Thiên nhiên im lặng mà chở che, nơi đã nuôi dưỡng cô từ thuở còn ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Nơi ấy, xa ngoài kia là loài tôm hát…

Xa ngoài kia nơi loài tôm hát (Where the crawdads sing, bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Delia Owens) đang được công chiếu tại rạp. Cùng thời điểm phát hành bộ phim, Nhà xuất bản Trẻ – đơn vị mua bản quyền và chuyển ngữ tác phẩm – cũng phát hành ấn bản bìa poster phim của cuốn sách bestseller này. Xa ngoài kia nơi loài tôm hát từ sách đến phim đều khiến độc giả rung động với câu chuyện trác tuyệt về thiên nhiên hoang dã, về vẻ đẹp của thân phận và yêu thương. 

Xa ngoài kia nơi loài tôm hát được chấm số điểm 7.1/10 của IMDb và 98% yêu thích trên trang đánh giá phim Rotten Tomatoes

Xa ngoài kia nơi loài tôm hát được chấm số điểm 7.1/10 của IMDb và 98% yêu thích trên trang đánh giá phim Rotten Tomatoes

Bối cảnh là nước Mỹ những năm thập niên 1950-1960, ở miền Bắc Carolina. Phim bắt đầu bằng vụ án bí ẩn về cái chết của Chase Andrews (Harris Dickinson đóng) mà Kya Clark (diễn viên Daisy Edgar-Jones) bị tình nghi là hung thủ. Mạch phim được kể song song giữa phiên tòa hiện tại và hồi ức của Kya, lần theo từng manh mối của vụ án, và nỗ lực tìm kiếm sự thật của luật sư Milton – người bào chữa cho Kya. Kịch tính câu chuyện vì thế được cài cắm liên tục qua những quãng hồi tưởng của nhân vật chính. Một vụ án mạng, nhưng không phải là phim trinh thám hay kinh dị, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát là một bản tình ca bi thương nhưng đẹp đẽ về thân phận con người. 

Cô bé Kya Clark mù chữ, thậm chí không biết đến ngày sinh của mình. Cô gái nhỏ sống trong gia đình có người cha rượu chè bạo lực, mẹ và các anh chị em cô lần lượt bỏ đi. Còn lại một mình Kya can đảm ở lại, đối diện với nỗi sợ hãi và đơn độc. Rồi cuối cùng, cha cô cũng bỏ đi. Lúc bị cha đánh, cô bé một mình chạy ra đồng lầy. Khi còn lại một mình, cô bé tựa vào đồng lầy để sinh tồn. Thiên nhiên hoang dã trở thành Mẹ bao dung, nuôi dưỡng cô bé cho đến lúc trưởng thành. 

Trên phim, thời thơ ấu của Kya Clark không được kể nhiều. Những thước phim vừa đủ để cho thấy sự gắn bó của cô bé với đồng lầy, và duyên may với hai chàng trai Tate Walker và Chase Andrews, cùng sự yêu thương và giúp đỡ âm thầm của vợ chồng nhà Jumpin. Lớn lên, Kya vướng vào một vụ án giết người, chi tiết được tập trung quảng bá thời tác phẩm được ra mắt lần đầu vào năm 2018, cũng là chất liệu chính được nữ đạo diễn Olivia Newman khai thác làm mạch dẫn xuyên suốt phim. Đây cũng là sự khác biệt lớn giữa phim và truyện.

Dẫu như lời Kya từng nói khi được Tate (diễn viên Taylor John Smith đóng) dạy viết chữ, rằng “ngôn từ có thể chứa đựng nhiều điều”, “một câu có thể đầy ắp”, nhưng phim không thể chuyển tải hết tất cả những gì mà Kya đã trải qua, cả niềm vui lẫn đau đớn trong thời gian đằng đẵng. Dù vậy, phim vẫn cho người xem những rung cảm đẹp, về mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, về sự cô độc và yêu thương đến tận cùng; về sự sống đẹp đẽ và cả cái chết cũng đẹp như rừng cây, như bầy mòng biển bay trên bầu trời hoàng hôn, hay bầy đom đóm thắp sáng đêm đồng lầy.

Những khung hình đẹp như mơ khiến cho Xa ngoài kia nơi loài tôm hát như một bản hòa ca của thiên nhiên vô tận, của đau đớn và yêu thương, của tuyệt vọng và hy vọng. Trong truyện, vụ án giết người đánh dấu cho một bước trưởng thành của Kya, còn trên phim, vụ án chừng như chỉ là cái cớ để kể về cuộc sinh tồn của cô gái đồng lầy. 

Kya Clark bước lên màn ảnh làm đầy thêm cảm xúc cho những người yêu thích tác phẩm Xa ngoài kia nơi loài tôm hát. Nếu có điều gì là vĩnh cửu trong cuộc đời của một con người, thì đó là niềm tin và tình yêu. Nếu có nơi chốn nào đủ sức chữa lành trái tim đau đớn của con người, thì đó chính là thiên nhiên vô tận. Xa ngoài kia nơi loài tôm hát – cả truyện lẫn phim đều cho người đọc/người xem chạm đến vẻ đẹp của vĩnh cửu trong thân phận con người. Cho dù tất cả những người thân yêu rời bỏ Kya, thì đồng lầy vẫn luôn ở đó, cưu mang, che chở cho cô bé dù ở bất kỳ năm tháng nào.

Và Tate Walker đã dành tình yêu cho cô gái đồng lầy đến ngày sau cuối. “Tôi luôn hiện diện đâu đó trong cỏ cây đồng lầy, trong những bầy đom đóm…” – lời cuối cùng của Kya Clark như một tiểu tự sự của con người trước môi trường sinh thái. Chúng ta là một phần của tự nhiên – dù khi sống hay đã chết. Chúng ta thuộc về thiên nhiên, dù ở bất cứ nơi nào. Và chúng ta được trao nhận một tình yêu vô điều kiện từ Mẹ Thiên Nhiên, từ đất trời bao dung, từ cả muôn loài hoang dã. 

Nhà văn Delia Owens là một nhà động vật học, bà viết tác phẩm Xa ngoài kia nơi loài tôm hát khi đã ở ngưỡng tuổi U70. Nhà văn từng chia sẻ rằng bà chọn viết về thiên nhiên và nỗi cô đơn của con người, để người đọc có thể tự nhận diện rằng bản thân có thể học được bao nhiêu từ muôn loài, cỏ cây mà ta nhìn thấy và kết nối mỗi ngày. Không phải là vụ án bí ẩn, điều khiến người đọc không thể ngừng lật giở từng trang của Xa ngoài kia nơi loài tôm hát, chính là thế giới động – thực vật phong phú mà tác giả xây dựng. Miền Bắc Carolina cũng là nơi nhà văn Delia Owens sinh sống khi về già, bà đã mang vào truyện cả một thế giới hoang dã với bầy chim biển, tôm cua, sò, vẹm… 

“Đồng lầy chẳng phải đầm lầy. Đồng lầy là một không gian tràn ánh sáng, nơi cỏ vươn lên trong nước và nước trôi trong bầu trời…” – Xa ngoài kia nơi loài tôm hát không chỉ là một câu chuyện, đó là sự đánh thức mỗi người bằng những ngôn từ lấp lánh của thấu hiểu và yêu thương. Thiên nhiên vô tận đẹp đẽ và bao dung như lời ca khúc mà Taylor Swift đã viết cho phim: “Free as these, light as whispers/ And things that only Carolina will ever knows…” (Hãy tự do như những chú chim, nhẹ nhàng như những lời thì thầm/ Và những điều chỉ có Carolina mới biết…). 

Theo Cầm Thi/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)