Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phổ cập bơi cho HS tiểu học: Nguy cơ gãy gánh

Tạp Chí Giáo Dục

Với mục tiêu đến năm học 2016-2017, tất cả học sinh (HS) tốt nghiệp tiểu học đều biết bơi, chính quyền Đà Nẵng đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán đầu tư bể bơi. Trong khi đó, hàng chục bể bơi hiện có tại các trường tiểu học phải đắp chiếu vì đã quá xuống cấp, không tìm được nguồn kinh phí duy trì. Và hậu quả của sự tréo ngoe này các em HS lãnh đủ…

Với nguồn xã hội hóa từ phụ huynh, bể bơi tại Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ thu không đủ bù chi

Hết tài trợ, bể bơi hết… “hơi”

Năm 2007, Tổ chức Liên minh Vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ (gọi tắt là TASC) đã tài trợ cho Đà Nẵng 11 bể bơi đặt tại các trường tiểu học. Bể không chỉ phục vụ HS của 11 trường này mà phục vụ cả HS ở các trường lân cận. Không chỉ tài trợ bể bơi mà TASC còn hỗ trợ các chi phí bảo trì, vệ sinh, quản lý, giáo viên giảng dạy…

Tuy nhiên đến năm học 2012-2013, chương trình tài trợ kết thúc, các trường được đặt bể bơi phải đối mặt với câu hỏi tiền đâu để duy trì, tiếp tục dạy bơi nhằm đảm bảo quyền lợi cho HS.

Trước thực tế này, hè năm học 2014-2015, UBND TP.Đà Nẵng đã cấp ngân sách cho 11 bể bơi này với mức hỗ trợ là 96 triệu đồng/bể. Và số tiền này chỉ đủ để dạy miễn phí cho HS trong 2 tháng hè.

Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành, Q.Hải Châu (một trong số 11 trường được đặt bể bơi) – cho biết: “Bể bơi đặt tại trường phục vụ HS của 3 trường tiểu học: Núi Thành, Lê Đình Chinh và Lý Công Uẩn. Với nguồn kinh phí 96 triệu đồng, nhà trường rất dè xẻn trong chi tiêu. Giáo viên dạy với cái tâm của người thầy là chính, có giáo viên dạy 200 tiết nhưng chỉ nhận thù lao 170 tiết. Còn ban giám hiệu và kế toán đều không nhận các khoản thanh toán cho giám sát, quản lý”.

Hết mùa hè năm 2015, các trường lại đối mặt với bài toán kinh phí duy trì bể bơi.

Khó như… xã hội hóa bể bơi cho HS

Để các bể bơi được hoạt động trở lại, các trường đã kêu gọi sự chung tay của phụ huynh HS. Theo đó, mỗi HS theo học đóng 200 ngàn đồng/tháng. Riêng HS thuộc diện khó khăn được miễn học phí.

“Với 120 HS đăng ký học là tương đối ít nên thu không đủ bù chi. Trong khi đó, thời gian khai thác bể bơi di động là 5 năm nhưng đến thời điểm hiện tại đã 7 năm, các khung sắt đỡ bể đã bắt đầu gỉ sét, xuống cấp. Chúng tôi đã thử kê các khoản cần sửa chữa thì mức tiền gần bằng mức đầu tư mua mới”, cô Nguyệt cho biết thêm.

Tương tự, Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, Q.Thanh Khê cũng chỉ có 78 HS đăng ký học bơi, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, Q.Sơn Trà có 80 HS đăng ký. Số học phí khiêm tốn này không đủ để chi trả các khoản lương cho giáo viên, tiền điện, nước, hóa chất vệ sinh bể…

Không chỉ bậc tiểu học, ở bậc THCS, năm 2014, UBND Q.Liên Chiểu đã đầu tư 3 tỷ đồng để xây bể bơi tại Trường THCS Lương Thế Vinh. Đồng thời, ngân sách quận cũng hỗ trợ nhà trường 6,5 triệu đồng/tháng để trả lương cho 3 nhân viên (từ tháng 12-2014 đến tháng 6-2015). Bắt đầu từ hè 2015, nhà trường phải tự hạch toán lấy thu bù chi. Ông Huỳnh Duy Linh – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Tính đến cuối năm 2015, việc thu, chi của bể bơi đã âm vào ngân sách hoạt động của năm 2016 đến 3 triệu đồng, tình hình hoạt động rất khó khăn”.

Về phía chính quyền Đà Nẵng đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác bể bơi tại 38 trường. Tuy nhiên, do chi phí ban đầu và chi phí vận hành bể bơi khá lớn trong khi lợi nhuận không cao nên các tổ chức, cá nhân còn rất e dè. Tính đến nay, mới chỉ có một doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng bể bơi tại Trường Tiểu học Núi Thành. Tuy nhiên, “Nhà trường không thể ký hợp đồng với doanh nghiệp vì vướng thủ tục pháp lý về đất đai”, bà Nguyệt cho biết.

Ngoài ra, ngành giáo dục Q.Hải Châu cũng có kế hoạch cho 6 công trình kêu gọi xã hội hóa khác gồm bể bơi tại 5 trường tiểu học và một công trình gồm cả bể bơi và nhà thi đấu đa năng nhưng kế hoạch này cũng đang gặp khó khăn về pháp lý trong việc quỹ đất xây dựng…

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)