Sở GD-ĐT TP.HCM vừa phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Liên đoàn Thể thao dưới nước TP tổ chức lớp tập huấn “Chương trình phổ cập bơi an toàn và phòng, chống đuối nước” năm học 2020-2021 cho hơn 500 giáo viên giáo dục thể chất ở các trường TH, THCS, THPT trên địa bàn 24 quận, huyện.
Bên cạnh lý thuyết, giáo viên được học các kỹ năng thực hành trực tiếp
Chương trình tập huấn cũng là hoạt động nhằm thực hiện Quyết định 1076 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, cụ thể hóa việc thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Chương trình diễn ra từ ngày 19-1 đến 27-1-2021, tại Trung tâm Dịch vụ Thể dục thể thao TP.HCM (Q.11) với 2 lớp lý thuyết và 3 lớp thực hành.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ cập bơi
Tham gia vào lớp tập huấn, mỗi giáo viên sẽ được học lý thuyết kết hợp thực hành. Trong đó phần lý thuyết, giáo viên sẽ được hướng dẫn các bài tập trong 24 giáo án khung và những điều cần lưu ý khi tổ chức dạy bơi ở trường học, trang bị kiến thức an toàn nước cho học sinh. Ở nội dung thực hành, giáo viên sẽ được thực hành cụ thể tại hồ bơi về cách giảng dạy các kỹ năng an toàn nước, bao gồm: các kỹ thuật vào nước và rời khỏi nước an toàn; kỹ thuật nổi, đứng nước và định hướng trong nước; kỹ thuật di chuyển an toàn trong nước: đi bộ, chèo và các kiểu bơi sinh tồn.
Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, thời gian qua trên địa bàn TP.HCM cũng đã xảy ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Như vậy, bị đuối nước, tử vong do đuối nước là một nguy cơ thực sự đối với học sinh, đòi hỏi ngành giáo dục và các ban ngành liên quan phải trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn trong công tác phòng chống đuối nước cho học sinh. “Để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của cả cộng đồng. Đầu tiên là mỗi nhà trường, từng thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô trực tiếp tham gia công tác thể thao trường học cần quan tâm hơn đến công tác phòng chống đuối nước cho học sinh, hỗ trợ trực tiếp học sinh các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng bơi, cùng cha mẹ học sinh giám sát, quản lý trẻ…”, ông Trọng chỉ rõ.
Theo ông Trọng, khóa tập huấn hướng đến nâng cao chất lượng đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước ở các nhà trường; góp phần thực hiện tốt hơn công tác trang bị những kiến thức và kỹ năng về an toàn nước cho học sinh ở các trường trên địa bàn thành phố; tránh các tai nạn đuối nước cho các em học sinh.
Thực hiện hiệu quả trong nhà trường
Theo báo cáo công bố tại Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em” tổ chức mới đây tại Hà Nội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại Việt Nam khi hàng năm có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam nói riêng vẫn còn gặp nhiều thách thức như: nhận thức, kiến thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phòng chống đuối nước trẻ em còn hạn chế; Vẫn còn nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học; Nhiều trẻ em còn thiếu kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em; Nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống đuối nước tại một số nơi còn thấp…
Kết thúc khóa tập huấn, giáo viên sẽ được Liên đoàn Thể thao dưới nước cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. Sau chương trình tập huấn, đội ngũ giáo viên này sẽ có nhiệm vụ tham mưu cho hiệu trưởng, nghiêm túc tổ chức triển khai tại đơn vị mình, trang bị cho từng học sinh của nhà trường những kiến thức và kỹ năng về an toàn nước nhằm tránh các tai nạn đuối nước cho các em học sinh. Từng bước đạt được chỉ tiêu phấn đấu nêu trong Kế hoạch số 3324/KH -SVHTT-SGĐT ngày 27-8-2019 về kế hoạch Triển khai chương trình phổ cập bơi an toàn và phòng chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2019-2022: 100% các trường có giáo viên phụ trách chương trình phổ cập bơi an toàn và phòng chống đuối nước được tập huấn, trang bị kiến thức bơi an toàn và phòng chống đuối nước cho học sinh; 100% các trường lồng ghép kiến thức về an toàn nước vào chương trình dạy học thể dục chính khóa. 70% các trường TH và THCS triển khai chương trình phổ cập bơi an toàn và phòng chống đuối nước cho học sinh. 60% số lượng học sinh trên tổng số học sinh của các trường tham gia chương trình phổ cập bơi an toàn và phòng chống đuối nước cho học sinh được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)