Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, đã mở ra nhiều điều kiện học tập cho trẻ ở cấp học này. Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành ở ĐBSCL đã gặp nhiều khó khăn khi triển khai đề án…
Có thể nói, An Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL đã mạnh dạn xây dựng và thực hiện đề án “Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2002-2005” nhằm tạo bước đột phá trong huy động trẻ 5 tuổi đến trường, từ đó, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp 1. Đề án được HĐND tỉnh An Giang thông qua năm 2003 và triển khai thực hiện từ năm học 2003-2004. Trong giai đoạn 2002-2005, các lớp học của trẻ 5 tuổi được thực hiện chương trình cải cách lồng ghép và được tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thiết bị ngoài trời, thiết bị trong lớp… Bà Phan Ngọc Trinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, nói: “Mặc dù cố gắng huy động toàn xã hội cùng tham gia thực hiện công tác phổ cập nhưng đến hết năm 2005, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp chỉ đạt 91,02%. Vì vậy, ngành giáo dục phải xin gia hạn thực hiện đề án đến năm 2008 và khi kết thúc đề án, tỷ lệ huy động phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 98,35%”.
Thực tế, thời gian trước đây, không ít đơn vị quan niệm giáo dục mầm non (GDMN) nằm ngoài hệ thống giáo dục quốc dân, nên việc chăm lo cho bậc học này còn rất hạn chế. Bằng chứng là nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL, bậc học mầm non vẫn còn tồn tại tình trạng học nhờ, học gửi nhà dân, phòng tiểu học, nhà thông tin… Tại tỉnh Tiền Giang có 39 xã chưa có trường mầm non, 81 phòng học tạm, hơn 100 phòng học mượn. Ở TP. Cần Thơ, hiện có 895 phòng học mầm non, trong đó, có 74 phòng học tạm, cây tre lá, số phòng học nhờ là 193 phòng. Ngoài 12 xã, phường chưa có trường mầm non riêng, còn 13 trường chưa có cơ sở vật chất riêng. Mặc dù thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi từ năm 2005, nhưng hiện tại tỉnh An Giang vẫn còn mượn 350 phòng học của trường tiểu học để thực hiện công tác phổ cập mẫu giáo 5 tuổi… Hầu hết mỗi tỉnh, thành ĐBSCL đều thiếu phòng học dành cho bậc học mầm non. Nếu tính theo điều lệ trường mầm non (bình quân 20 cháu nhà trẻ/ phòng học và 30 cháu mẫu giáo/ phòng) thì số lượng phòng học thiếu ở mỗi tỉnh tăng lên gấp 2-3 lần. Chẳng hạn, nếu tính theo điều lệ trường mầm non, với số trẻ hiện tại, TP. Cần Thơ còn thiếu khoảng 500 phòng học, riêng phòng học dành cho mẫu giáo 5 tuổi thiếu 280 phòng. Thời gian qua, các tỉnh thành đều vận động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt trên 90%, nhưng chủ yếu chỉ học 1 buổi/ ngày. Như vậy, nếu phải học 2 buổi/ ngày theo Quyết định số 239/QĐ-TTg thì số lượng phòng học thiếu sẽ tăng lên gấp đôi (chỉ đối với phòng học dành cho trẻ 5 tuổi).
Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên mầm non vẫn còn thiếu và yếu. Bà Châu Thị Mỹ Phương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Năm học 2009-2010, ngành giáo dục tỉnh cần tuyển 641 giáo viên mầm non, nhưng chỉ tuyển được 243 người vì không có nguồn. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã tổ chức 2 lớp trung cấp giáo dục mầm non hệ chính qui và 2 lớp hệ vừa học vừa làm để bổ sung”. Bà Trần Thị Kim Ngôn, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, lo lắng: “Hiện nay, toàn tỉnh còn gần 10% giáo viên chưa đạt chuẩn và vẫn còn thiếu khoảng 50 giáo viên nữa. Khi thực hiện dạy 2 buổi/ ngày, số lượng giáo viên sẽ thiếu hụt nhiều hơn nhưng chưa có nguồn để bổ sung”.
Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định sự phát triển của trẻ từ 0-6 tuổi là giai đoạn phát triển có tính chất quyết định để tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai. Đến 5 tuổi, trẻ bắt đầu có nhu cầu khám phá, tìm hiểu… Vì vậy, GDMN ở các tỉnh, thành ĐBSCL cần sự quan tâm của toàn xã hội.
Bảo Ngọc
Bình luận (0)