Sự kiện giáo dụcTin tức

Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi: Bộn bề khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu có cơ sở vật chất tốt sẽ thuận lợi hơn trong việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Trong ảnh: Giờ vui chơi của các bé Trường MN 19-5 (TP.HCM). Ảnh: H.Triều

Ngày 15-3, Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 được tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị tại đầu cầu Văn phòng Chính phủ.
Tỉnh nào cũng kêu khó
Qua hai năm thực hiện đề án, vấn đề khó nhất của giáo dục mầm non đã phần nào được giải quyết. Đó chính là giải quyết chính sách cho giáo viên (GV) mầm non. Chính nhờ có phổ cập mà phần lớn đội ngũ GV mầm non đã được chuyển từ hợp đồng sang biên chế do các địa phương chuyển từ trường bán công sang công lập. Ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết tháng 2-2011, tỉnh đã chuyển 259 trường mầm non bán công sang công lập đồng thời tỉnh cũng tuyển 1.193 GV mầm non. Năm nay Phú Thọ cũng cần tuyển thêm 756 GV mầm non nữa. Ông San cũng cho biết, đối với những GV mầm non ngoài biên chế, tỉnh vẫn có hợp đồng và hỗ trợ một phần lương, đóng bảo hiểm.
Ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND Hòa Bình cũng cho biết từ năm 2011, toàn bộ GV mầm non của tỉnh đã được hưởng theo thang bậc lương của Nhà nước.
Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, các tỉnh đều gặp bộn bề khó khăn. Đối với Điện Biên, theo ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển GV cắm bản. Ở các vùng thuận lợi, GV mầm non đã đủ nhưng ở các vùng sâu vùng xa, GV lên được một thời gian là lại về do nhà ở khó khăn. Chính vì vậy, tỉnh đang thiếu rất nhiều GV cắm bản. Giải pháp mà Điện Biên đưa ra đó là hàng năm, tuyển những giáo sinh là người sinh sống tại các bản đưa đi đào tạo. Đội ngũ này sẽ bổ sung vào đội ngũ GV còn thiếu hiện nay. Không chỉ thiếu GV cắm bản mà việc thiếu cơ sở vật chất cũng đang khiến Điện Biên gặp nhiều khó khăn trong việc phổ cập mầm non 5 tuổi. Ông Quý cho biết có những bản chỉ có 20 hộ dân. Dân số ít, sở phải mở lớp ghép, nhưng chế độ chính sách cho GV lớp ghép chưa có.
Được đánh giá là một trong những vùng có nhiều thuận lợi nhất cả nước, nhưng TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện Đề án phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi. Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết TP dành 2.700 tỷ đồng để thực hiện đề án này. Trong đó, xây dựng cơ sở vật chất là 2.500 tỷ đồng. Các quận, huyện của TP đang hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi. Tuy nhiên, bà Thanh cũng cho hay TP hiện còn 13 phường xã chưa tìm được quỹ đất để xây dựng trường mầm non. Bà đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép TP được xây dựng các trường mầm non liên phường. Trước yêu cầu của TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định hiện không có rào cản nào để TP.HCM thực hiện vấn đề này. Nếu có vấn đề gì, bộ cũng sẽ yêu cầu các vụ chức năng rà soát để ủng hộ TP.HCM.
Thiếu kinh phí thực hiện

Các cháu mầm non ở quận 5, TP.HCM trong giờ học múa. Quận 5 là quận thứ hai của TP.HCM hoàn thành chương trình phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi. Ảnh: H.Triều

Tại hội nghị, các đại biểu đều đưa ra các vấn đề khó khăn của mình. Trong đó, cơ bản nhất vẫn là thiếu ngân sách. Bà Trần Thị Thái, Phó chủ tịch UBND Đồng Tháp cho biết tỉnh chỉ có 10/179 trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng Tháp mới chỉ có 5% học sinh được học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân do cơ sở vật chất của tỉnh còn thiếu thốn. Bà Thái đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chương trình kiên cố hóa trường lớp năm 2012 đồng thời Chính phủ cũng phải tùy tình hình thực tế tại các địa phương để có những đầu tư phù hợp. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết mạng lưới trường lớp còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Cả nước còn 15% các xã chưa có trường mầm non độc lập. Phòng học kiên cố mới đáp ứng 13,4%. Trường mầm non đạt chuẩn 20%.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cũng khẳng định địa phương nào cũng quan tâm đến vấn đề kinh phí. Không có tiền cũng khó làm. Vì địa phương có nhiều thứ để chi. Hơn nữa, theo ông Thành, một số địa phương chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của giáo dục mầm non.
Còn phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ đã đi vào cuộc sống và có những kết quả cụ thể. Bộ xin tiếp thu những sáng kiến kinh nghiệm, bài học thực tế từ các địa phương và nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến. Đồng thời cũng sẽ sớm có chính sách cho GV mầm non như xếp lương cho GV, công nhận chế độ cho bảo mẫu, cô nuôi ở các trường mầm non.
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các cấp đã có quyết tâm chính trị quan trọng để chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập. Tạo điều kiện tăng quy mô cho giáo dục mầm non đồng thời tạo chính sách cho GV. Theo Phó thủ tướng hiện nay có gần 3.500 trường mầm non bán công đã được chuyển đổi trong tổng số hơn 4.400 trường mầm non bán công. Phó thủ tướng yêu cầu 6 tỉnh còn hơn 900 trường bán công chậm nhất đến đầu năm sau phải hoàn thành. Số lượng huy động trẻ đến trường đã đạt vượt kế hoạch 2015 nhưng chất lượng chưa đạt do số trẻ được học 2 buổi/ngày chưa cao.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo cần huy động ngân sách địa phương, Trung ương cho chương trình kiên cố hóa trường lớp. Đồng thời thực hiện 3 đồng bộ: Đồng bộ cơ sở vật chất, đồng bộ đội ngũ GV, đồng bộ chính sách cho người đi học.
Nghiêm Huê
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đến năm 2015 có 34 tỉnh đăng ký hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Trong đó năm 2012 có 10 tỉnh. Năm học 2012-2013, bộ sẽ đưa chương trình giáo dục mầm non mới vào giảng dạy đại trà.
 

Bình luận (0)