Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi: Khó cán đích đúng kế hoạch

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM là một trong số ít các địa phương hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Trong ảnh: Giờ chơi của các bé 5 tuổi ở một trường mầm non đóng trên địa bàn Q.10, TP.HCM. Ảnh: H.Triều
Ngày 16-9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (UBVHGDTTN&NĐ QH) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non (GDMN).
Có thể thấy, GDMN là cơ sở nền tảng cho hệ thống giáo dục quốc dân, là cấp học đầu tiên của mỗi đứa trẻ trước khi bước vào cuộc sống nhưng mọi chính sách cho cấp học này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân.
Trông chờ vào phép mầu!
Theo quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ, phổ cập GDMN 5 tuổi sẽ hoàn thành trong giai đoạn 5 năm (2010-2015). Trong đó, đưa số tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi từ 55% năm 2010 lên 85% năm 2013 và 100% năm 2015. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBVHGDTTN&NĐ QH thì mục tiêu này rất khó thực hiện. Báo cáo chỉ rõ, so với các vùng khác trong cả nước, vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL là những khu vực có tiến độ phổ cập rất chậm, trong đó vùng ĐBSCL là chậm nhất. Đến tháng 8-2014, toàn vùng có 1.066/1.482 xã, phường (chiếm 65,8%), 31/132 huyện, quận (chiếm 23,5%) được các tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi. Hiện ĐBSCL mới chỉ có 3 tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi năm 2014 là Cần Thơ, Cà Mau và Bến Tre. Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ này là do cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nguồn tài chính còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện vẫn còn thiếu 13.600 phòng học cho trẻ 5 tuổi nhưng chưa có nguồn tài chính để cân đối. Bên cạnh đó, trong báo cáo của mình, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, riêng các tỉnh ĐBSCL còn thiếu 3.144 giáo viên, tỷ lệ giáo viên mẫu giáo 5 tuổi/lớp mới đạt 1,4 đe dọa việc thực hiện chương trình GDMN mới.
Việc bố trí ngân sách phổ cập gặp nhiều khó khăn, cân đối nguồn vốn đến cuối năm 2013 mới chỉ thực hiện được 45,6% so với kế hoạch trong đề án. Việc xác định tiến độ thực hiện phổ cập GDMN 5 tuổi như trong đề án của Chính phủ còn mang tính chủ quan trong khi những điều kiện thực hiện phổ cập còn hạn chế. Dù số trẻ 5 tuổi trong cả nước được huy động đến trường, lớp MN trong tại thời điểm khởi động đề án (năm học 2009-2010) đã đạt 98,7% nhưng những điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập: Phòng học thiếu thốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn chưa bảo đảm; số lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện chương trình GDMN mới còn thấp, đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; kinh phí đầu tư cho giáo dục nói chung, GDMN nói riêng còn hạn hẹp. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ QH cho hay đến nay có 13 tỉnh được công nhận hoàn thành phổ cập. Trong khi đó, kế hoạch là cuối 2015 phải đạt 85%. Thời gian hoàn thành đề án chỉ còn 15 tháng thì chỉ có phép mầu mới thực hiện được. Tài chính cũng là vấn đề lớn của GDMN hiện nay. GS. Thuyết ví von, năm 2012 GDMN được đầu tư 26.000 tỷ, chiếm 14% ngân sách của giáo dục. Con số này chỉ bằng hơn 3km đường (đường vành đai 1 của Hà Nội) nhưng có thể thấy chúng ta không có tiền để đầu tư.  PGS. Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó chủ nhiệm UBVHGD TTN&NĐ QH cho rằng Bộ GD-ĐT nên tính lại thời gian, xác định lại bước đi phù hợp. Không chạy theo thành tích số lượng.
Chi trên đầu trẻ

TP.HCM là một trong những địa phương đã hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi. Trong ảnh: Lớp học dành cho trẻ 5 tuổi ở một trường MN trên địa bàn Q.10. Ảnh: H.Tr

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng để GDMN phát triển tốt thì cần phải xã hội hóa mạnh mẽ hơn. Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết bình quân mỗi năm Hà Nội tăng từ 23-28 trường MN ngoài công lập. Toàn thành phố hiện cũng có tới 1.600 nhóm trẻ ngoài công lập và mỗi năm tăng thêm 200 nhóm trẻ như thế này. Nhưng để phát triển các cơ sở MN ngoài công lập hiện nay đang rất khó khăn. Khó khăn về quỹ đất sạch, về vay vốn ưu đãi và khó khăn về tình trạng đội ngũ giáo viên không ổn định. Bà Nga đề nghị nên miễn thuế cho các trường MN ngoài công lập lên 8-10 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Vì các trường MN ngoài công lập phải đầu tư rất nhiều so với các trường ngoài công lập ở các cấp học cao hơn. Bà Nga cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ trên đầu trẻ cho các trường MN ngoài công lập. Có như thế, học phí mới giảm và thu hút được nhiều trẻ đến với loại hình trường này, giảm tải cho các trường công lập.
Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, xã hội hóa là giải pháp rất quan trọng để phát triển GDMN. Trước thực trạng chỉ có 21,2% trẻ em dưới 3 tuổi được đến nhà trẻ và GDMN không phải là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn thì cần coi việc phát triển các nhóm trẻ gia đình là một giải pháp quan trọng để toàn bộ trẻ em được đến lớp. PGS. Trần Thị Tâm Đan cũng cho rằng, cần miễn thuế cho các trường MN ngoài công lập. Các trường MN công lập thì phải đổi mới cơ chế tài chính. Với tình trạng học phí chỉ mấy chục ngàn như hiện nay thì chất lượng không thể nâng lên được. Gia đình phải chia sẻ gánh nặng này với Nhà nước. Ngân sách Nhà nước nên tập trung cho con em các gia đình chính sách, khó khăn. Bà Lê Thị Minh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng ngân sách của Nhà nước nên chi theo đầu trẻ thì mới công bằng.
Từ phía Sở GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT Thái Nguyên đưa ra 3 đề xuất. Thứ nhất cần có chính sách cho cô nuôi ở các trường MN. Không được đầu tư vấn đề này dễ dẫn đến mất an toàn cho trẻ. Cần có chính sách một chút cho cô nuôi để cô yên tâm công tác. Thứ hai mong có bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cô giáo MN đối với các tỉnh miền núi như Thái Nguyên. Giáo viên không được tập huấn tiếng dân tộc nhiều và không biết tập huấn ở đâu. Thứ ba là có chế độ hỗ trợ cho giáo viên dạy hòa nhập.
Như vậy, trong thời gian tới, GDMN cần phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất cũng như có chính sách phù hợp để phát triển ổn định cũng như để hoàn thành kế hoạch đề án phổ cập GDMN 5 tuổi mà Chính phủ đã đề ra.
Thiên Lam
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)