Sự kiện giáo dụcTin tức

Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi: TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên hoàn thành

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2012 TP.HCM sẽ hoàn thành phổ cập 5 tuổi
Hôm nay (ngày 20-4), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa và đoàn cán bộ của Bộ GD-ĐT sẽ đi kiểm tra công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) tại Q.9 và huyện Củ Chi, TP.HCM. Trước đó, chiều qua 19-4, bà Nghĩa đã có buổi làm việc với UBND TP và Sở GD-ĐT TP.HCM về vấn đề này…
Tại buổi làm việc, bà Nghĩa nhấn mạnh: “TP.HCM là 1 trong số 10 địa phương trong cả nước đăng ký hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi vào năm 2012. Tuy là TP phát triển nhất nước và luôn đi đầu trong các hoạt động của ngành, nhưng cũng không phải là không có khó khăn. Bộ GD-ĐT đi kiểm tra để lắng nghe những trăn trở, những khó khăn của TP trong quá trình thực hiện việc phổ cập”.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi của UBND TP.HCM thì từ nay đến cuối năm sẽ kiểm tra công nhận 12 quận – huyện đạt chuẩn phổ cập và vào năm 2012 toàn TP phải đạt chuẩn phổ cập. Đến thời điểm này, tất cả các quận, huyện đều đã thực hiện xong kế hoạch phổ cập MN 5 tuổi trình UBND quận, huyện phê duyệt.
“Đại bộ phận các quận, huyện đều “hứa” sẽ hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi vào năm 2012. Tuy nhiên, một số huyện ngoại thành còn lo ngại về tỷ lệ trẻ học bán trú hoặc 2 buổi/ngày. Nếu trẻ học bán trú thì phụ huynh không có tiền để đóng tiền ăn. Còn nếu học 2 buổi/ngày thì phụ huynh vất vả khi phải đưa đón con tới 4 lần/ngày…”, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng thừa nhận: “Mạng lưới trường lớp chưa đủ để huy động trẻ ra lớp đồng đều giữa các quận, huyện. Số lượng trường lớp công lập cả – chỉ đáp ứng việc thu nhận 70% tổng số trẻ 5 tuổi, 30% còn lại học ở các trường tư thục. Riêng các quận mới, số lượng trường công lập chỉ đáp ứng thu nhận dưới 50%, các huyện ngoại thành còn nhiều điểm lẻ không đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày. Hiện vẫn còn 12 phường, xã chưa có trường MN công lập. Các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) chưa có trường MN phục vụ cho trẻ em là con của công nhân. Ngoài ra, sự tăng dân số cơ học tại một số quận, huyện làm cho sĩ số trẻ/lớp ở các trường MN công lập còn cao so với quy định. Hạn chế thực hiện hiệu quả chương trình GDMN mới, nhất là giáo dục cá thể. Về đội ngũ giáo viên, hằng năm số giáo sinh ra trường chỉ đáp ứng nhu cầu của các trường MN công lập, do đó giáo viên khu vực tư thục thường được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng không đồng đều”…
TP.HCM sẽ là điển hình cho cả nước
Theo ông Đạt, dự kiến đến tháng 9-2011, TP sẽ có 113 phòng học MN mới đưa vào sử dụng. KCN-KCX Linh Trung và Vĩnh Lộc đã dành ra từ 2.500m2 đến trên 3.000m2 đất để xây dựng trường MN.
“Nếu TP.HCM xây dựng được trường MN tại các KCN, KCX thì TP là địa phương tiên phong trong cả nước về vấn đề “nóng” này. Dư luận đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trường MN ở khu vực này. Tuy nhiên, chúng tôi muốn biết các trường MN ở đây là trường công lập hay tư thục?”, bà Nghĩa băn khoăn.
Trả lời câu hỏi này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Trần Thị Kim Thanh cho biết: “Kinh phí xây dựng trường MN tại 2 KCN-KCX nói trên nằm trong kinh phí xây dựng cơ sở vật chất của Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi. Vì vậy đây là những trường MN công lập”.
Các đại biểu ở Bộ GD-ĐT cũng lo ngại về mức học phí ở các trường MN công lập, mức học phí phải cân đối sao cho các trường hoạt động tốt. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng phải quản lý chặt các khoản thu ở trường MN ngoài công lập. Trong đó quy định cụ thể tỷ lệ học phí chi cho công tác phổ cập GDMN 5 tuổi…
Bà Lê Minh Hà – Vụ trưởng Vụ GDMN cũng có ý kiến: “Chúng tôi đã đi kiểm tra công tác phổ cập tại Hòa Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ninh và TP.HCM. Thực tế cho thấy Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi ở TP.HCM làm rất cụ thể, giải quyết được “bài toán” thiếu giáo viên, thiếu trường lớp. Tuy nhiên điều tôi băn khoăn là – có chính sách gì đối với trẻ 5 tuổi thuộc diện khó khăn”. Về vấn đề này, ông Đạt khẳng định: “Thực hiện Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi, những trẻ 5 tuổi thuộc hộ gia đình khó khăn đều được miễn giảm học phí như học sinh ở những cấp, bậc học khác”.
Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cũng khẳng định: “TP luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ được tới trường. Bằng mọi nỗ lực TP.HCM sẽ hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi vào năm 2012…”.
Bài, ảnh: Triều Hòa
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: “Bộ GD-ĐT mong muốn TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về việc hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi. Những chủ trương, chính sách của TP.HCM như xây dựng trường MN trong KCN-KCX, chăm lo đến đời sống giáo viên MN sẽ được Bộ GD-ĐT nhân rộng ra các tỉnh, thành khác. Việc hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi của TP có ý nghĩa rất lớn đối với cả nước. Nếu TP.HCM hoàn thành phổ cập là cả nước đã hoàn thành được 8-9%…
 

Bình luận (0)