Đối với các huyện miền núi, việc khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ gần như là nhiệm vụ bất khả thi
|
Mục tiêu của ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Trị là đến năm học 2012-2013 sẽ hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi. Thế nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 3/10 huyện/thị chạm đích…
Nỗ lực phổ cập GDMN
Là một trong những tỉnh nghèo nhất nước nên ngành GD-ĐT Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, ngành GD-ĐT đã được tỉnh ưu tiên vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép vốn tại địa phương, các chương trình, dự án kiên cố hóa trường, lớp học; chương trình xây dựng nông thôn mới… để tập trung vào xây dựng trường lớp, mua thiết bị phục vụ chương trình, đặc biệt ưu tiên những đơn vị khó khăn.
Các huyện/thị/thành phố đã chủ động rà soát, quy hoạch đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường MN, ưu tiên xây phòng học cho trẻ 5 tuổi; rà soát, thống kê thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi trong các cơ sở GDMN; lựa chọn hạng mục cần ưu tiên trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, ngành còn phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, bổ sung cho các nhóm, lớp, đủ theo yêu cầu tối thiểu phục vụ cho các hoạt động của trẻ. Ưu tiên xây dựng, cải tạo phòng học cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo cho các cháu học 2 buổi/ ngày. Theo báo cáo của các huyện/thị/thành phố, trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã xây thêm được 173 phòng học và phòng chức năng với số tiền gần 66 tỷ đồng. Đầu tư mới 285 bộ thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời; mua 679 bộ máy tính và các phần mềm tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên và trẻ…
Qua 2 năm triển khai đã có một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của các bậc phụ huynh trong việc chăm lo cho con cái đến trường. Tỉ lệ trẻ em 5 tuổi huy động đến trường là 10.483/10.580 cháu, đạt 99,08%; tỉ lệ trẻ em 5 tuổi học 2 buổi/ngày có 536/552 lớp, đạt 97,1%; tỉ lệ chuyên cần 96,55%. Bà Trần Thị Lý, Phó trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị), cho biết tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 74/141 xã/phường/thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỉ lệ 52,48%; trong đó huyện Gio Linh, thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng là 3 đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Còn lắm khó khăn
Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền cũng như nỗ lực vào cuộc hết mình của ngành GD-ĐT, nhưng việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi ở Quảng Trị vẫn còn lắm khó khăn. Mục tiêu hoàn thành chương trình trong năm học 2012-2013 xem ra khó thành hiện thực. Bà Trần Thị Lý cho biết, hiện toàn tỉnh còn thiếu 57 phòng học dành cho trẻ 5 tuổi, chủ yếu là 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa dẫn đến tình trạng các cháu phải học ghép nhiều nhóm tuổi với nhau, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ, đặc biệt là việc phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Tính đến tháng 5-2012, bậc học MN có 252 nhóm lớp học ghép 2 độ tuổi, 60 nhóm lớp học ghép 3 độ tuổi, số trẻ 5 tuổi học ghép 155 lớp. Số phòng học kiên cố đạt chuẩn để thực hiện phổ cập rất thấp – 234/552 phòng, tỉ lệ 42,39%. Bên cạnh đó còn thiếu trang thiết bị dạy – học tối thiểu. Đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 386 bộ/553 lớp. Phần mềm trò chơi ứng dụng CNTT cho trẻ 5 tuổi làm quen với vi tính để học tập, toàn tỉnh còn khiêm tốn, chỉ có ở trường chuẩn và một số trường ở vùng đồng bằng.
Một khó khăn khác và cũng là lực cản lớn nhất trên con đường cán đích phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đó là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn khá phổ biến, đặc biệt là ở những huyện miền núi – nơi mà điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhận thức của nhiều phụ huynh người dân tộc thiểu số còn thấp như Đakrông và Hướng Hóa. Đơn cử như ở huyện Hướng Hóa, tỉ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 16,99%; thể thấp còi chiếm 17,63%. Trong khi đó, tỉ lệ này ở huyện Đakrông là 22,87% và 24,10%. “Việc khắc phục tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở những vùng kinh tế khó khăn này gần như là nhiệm vụ bất khả thi”, bà Lý tâm tư.
Điều đáng chú ý là một đơn vị thuộc thành phố lớn của tỉnh như Đông Hà hiện vẫn chưa thực hiện thành công việc phổ cập. Theo bà Lý, nguyên nhân do dân số thành phố thường xuyên biến động, việc quản lý hộ khẩu cũng như các em trong độ tuổi đến trường vì thế rất khó khăn. Mặt khác, trong quá trình chuyển từ bán công sang công lập, theo quy định các giáo viên được biên chế nhưng hiện thành phố này vẫn còn 43 giáo viên chưa biên chế, đa số là giáo viên đang đứng lớp MN 5 tuổi, cũng là một thiệt thòi cho giáo viên lẫn đáp ứng tiêu chí phổ cập.
Ưu tiên đầu tư phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi ở Quảng Trị nếu nhìn tổng thể từ hệ thống MN sẽ dễ dàng nhận thấy nghịch lý “xây nhà từ nóc”. Nguyên nhân do cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu phòng học, trong khi ưu tiên bảo đảm trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày gây nên tình trạng quá tải cho các nhóm lớp trẻ mẫu giáo, trẻ 3-4 tuổi. Dẫn đến tình trạng học lớp ghép hoặc một số nơi trẻ 3-4 tuổi buộc phải nghỉ ở nhà để nhường phòng học thực hiện lộ trình phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Một khó khăn và cũng là lực cản lớn nhất trên con đường cán đích phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, đó là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn khá phổ biến, đặc biệt là ở những huyện miền núi – nơi mà điều kiện kinh tế còn khó khăn. |
Bình luận (0)