Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phổ cập giáo dục THPT ở TP.HCM: Trọng tâm là chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh trao bằng khen cho cô Hiếu Hạnh đoạt giải nhất cuộc thi giáo viên dạy giỏi lớp 5 cấp TP năm 2008

Theo Nghị quyết của Đại hội VIII Đảng bộ TP.HCM (2006-2010) phấn đấu đến cuối năm 2008 phải hoàn thành phổ cập bậc trung học (PCBTH). Tuy vậy, đến thời điểm này chỉ có 16/24 quận huyện hoàn thành công tác này. Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM xoay quanh vấn đề trên.

PV: Thưa ông, hiện nay vẫn còn một vài quận, huyện chưa hoàn thành PCBTH như vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian thực hiện công tác này? Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao có sự chậm trễ này?
TS Huỳnh Công Minh:  Như đã biết, đây là chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ TP (2006-2010), mốc thời gian tính để hoàn thành phổ cập là năm 2008. Đến nay, theo báo cáo của các quận, huyện rằng các địa phương đã đạt chuẩn theo quy định. Vấn đề còn lại là tổ chức đi kiểm tra công nhận. Công tác kiểm tra công nhận là quá trình làm việc rất kỹ lưỡng và công phu nhưng vào thời điểm cuối năm công việc ở các quận, huyện khá bận rộn. Dù vậy các quận, huyện dồn dập gửi hồ sơ về cho đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT xin đăng ký kiểm tra PCBTH. Do đó, việc kiểm tra công nhận PCBTH các quận, huyện còn lại có chậm. Theo chúng tôi nhận thấy, dù công tác kiểm tra có chậm (một chút) về mặt thời gian, nhưng công tác kiểm tra công nhận đòi hỏi phải chu đáo để có thể đánh giá đúng được công sức và chất lượng của các địa phương trong vấn đề này.
Vậy thưa ông, tình trạng số lượng dân nhập cư đến thành phố ngày càng đông có ảnh hưởng đến lộ trình và công tác PCBTH?
– Công tác PCBTH là một việc làm hết sức ý nghĩa nhằm nâng cao dân trí góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho TP.HCM. Trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là những đối tượng PCBTH thường nằm ở độ tuổi lao động, có khi bản thân người đó lại là lao động chính của gia đình. Việc học hành, họ đã bỏ một thời gian dài. Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận động của các địa phương. Thêm vào đó để việc học tập của học viên đạt kết quả, đội ngũ thầy cô giáo phải nỗ lực hết sức và nhiệm vụ đó là vô cùng nặng nề. Nhưng, với sự quyết tâm của đội ngũ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương cùng với sự vận động của các ban ngành, đoàn thể và sự đổi mới phương pháp dạy học của nhà trường đã từng bước thu hẹp dần tỉ lệ của những học viên bỏ học. Số lượng được cấp bằng tốt nghiệp trung học tăng cao đáp ứng chỉ tiêu theo chuẩn PC. Đối với những địa phương có lượng dân nhập cư càng cao thì công tác PC càng khó khăn hơn.
Tiến độ thực hiện PC chậm, có phải trong đó thiếu sự hỗ trợ và phối hợp của địa phương hay chế độ cho người làm công tác PC còn “khiêm tốn”?
– Quá trình thực hiện PCGD từ PC tiểu học (1995) và PC tiểu học đúng độ tuổi cùng với PC THCS (2002) là một quá trình phối hợp lực lượng ở địa phương rất tốt. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, cả hệ thông chính trị của các phường, xã, thị trấn phải cùng làm PC mới đem lại kết quả như đã nói ở trên. Từ năm 2002, hoạt động PCBTH cũng được tổ chức phối hợp lực lượng như vậy và phát huy với những kinh nghiệm và những sáng kiến phù hợp với đối tượng ở bậc trung học. Cụ thể, trong từng khu phố và từng ấp nhân dân, cán bộ hưu trí và các lực lượng đoàn thể phân công nhau để vận động từng thanh thiếu niên đến lớp và tiếp tục theo dõi, động viên các em khắc phục những khó khăn nhằm để học tập chăm chỉ, chuyên cần hơn. Về phía nhà trường, đa dạng hóa trường lớp; mở nhiều lớp linh hoạt đáp ứng yêu cầu của từng đối tượng; đổi mới phương pháp dạy học sát trình độ đối tượng, giúp các em lấy lại những kiến thức căn bản cho việc học đạt kết quả. Mặt khác, cũng phải nói rằng một kinh nghiệm cơ bản đem lại kết quả vững bền là nhiều quận, huyện đã xây dựng mạng lưới trường lớp đủ cho tất cả những em học sinh khi đến tuổi đi học từ lớp 1 đến lớp 10. Về mặt chế độ chính sách, trong thực tế cũng còn rất eo hẹp đối với những người làm công tác PC. Dù thế, anh chị em đã cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với những địa phương gặp nhiều khó khăn, Sở GD-ĐT có biện pháp hay kế hoạch hỗ trợ gì không?
– Với công tác PC, chúng tôi biết trong 24 quận, huyện mỗi địa phương có những thuận lợi và khó khăn riêng. Nhưng, tôi nhận thức được quận, huyện nào thiếu thốn trường lớp (đặc biệt thiếu trường trung học) và địa phương có hệ thống giao thông đi lại còn khó khăn thì công tác này chưa thực sự đảm bảo. Đối với những địa phương này, chúng tôi thường xuyên đến làm việc cụ thể với cấp ủy và Ban chỉ đạo PC tại địa phương để cùng tìm những biện pháp giải quyết, tháo gỡ và thúc đẩy cho công tác PC đảm bảo được tiến độ chung của thành phố. Ví dụ, tìm chỗ học cho học sinh, trong đó có giải pháp phân luồng cụ thể. Thay vì học tiếp lên THPT, các em học các TT GDTX hay các trường trung cấp chuyên nghiệp.
Để việc thực hiện nhiệm vụ PCGD được tốt hơn, ông có đề nghị gì?
– Với kết quả tổng hợp chung theo báo cáo của các quận, huyện đến hôm nay đã đạt chuẩn chung theo quy định. Đặc biệt tỉ lệ 80% (nội thành) và 70% (ngoại thành) thanh niên ( tuổi 18 đến 21) có bằng tốt nghiệp THPT. Theo kinh nghiệm cho thấy ở thế hệ học sinh này đạt được nếu không kiên trì phát huy thì thế hệ sau giảm đi. Cho nên, để có kết quả PCBTH được bền vững, chúng ta phải thường xuyên duy trì, phát huy và không thể lơi lỏng. Kinh nghiệm để PCGD bền vững nhất là phải xây trường để các em có đủ chỗ học. Về mặt nâng chất lượng giáo dục, giảm tỉ lệ lưu ban, bỏ học nhà trường có thể gánh vác được. Nhưng mở rộng quy mô trường lớp để thu nhận tất cả học sinh đầu cấp là vấn đề các cấp lãnh đạo địa phương hết sức quan tâm. Đặc biệt, xây thêm các trường trung cấp chuyên nghiệp để đáp ứng việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10.
Xin cảm ơn ông.
T.T.Q (thực hiện)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)