Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phổ cập giáo dục trung học ở TP.Cần Thơ: Còn nhiều nỗi lo!

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện Chỉ thị 61 của Bộ Chính trị, về việc thực hiện phổ cập giáo dục THCS, đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn ở TP.Cần Thơ đã đạt chuẩn phổ cập THCS làm nền tảng phổ cập bậc trung học. Thế nhưng kết quả trên chưa thật vững chắc để có thể làm nền tảng phổ cập bậc trung học trong thời gian tới…
Từ thực tế cho thấy, sự phát triển của phổ cập thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thành phố. Tuy đạt chuẩn phổ cập THCS nhưng tỷ lệ đạt chuẩn chưa cao và tăng không nhiều hằng năm. Chẳng hạn, trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 14 hoàn thành chương trình tiểu học được 51.524/52.911 trẻ, đạt tỷ lệ 97,38%, năm 2004 chỉ tiêu này đạt 95,1%; có 11.560/11.756 học sinh tốt nghiệp THCS (cả hai hệ) đạt tỷ lệ 98,33%, năm 2004 chỉ tiêu này đạt 97,2%. Ở chỉ tiêu quan trọng nhất quyết định đạt chuẩn phổ cập là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS được 46.827/54.898 người đạt tỷ lệ 85,3%, năm 2004, chỉ tiêu này là 84,51%. Nghĩa là sau hơn 6 năm, tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS ở TP.Cần Thơ chỉ tăng chưa đến 1%.
Kết quả phổ cập giáo dục THCS chưa phát triển bền vững nên kế hoạch phổ cập bậc trung học cũng không khả quan. Đã qua năm 2010 nhưng không có một đơn vị nào đạt chuẩn phổ cập bậc trung học (Đề án phổ cập bậc trung học TP.Cần Thơ giai đoạn 2005-2010). Chẳng những vậy, tỷ lệ phổ cập bậc trung học hiện nay cũng rất thấp. Thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 21 có bằng tốt nghiệp THPT (cả 2 hệ) chỉ được 27.632/57.939 người, đạt tỷ lệ 47,7%, trong khi ở chỉ tiêu này, muốn đạt chuẩn phổ cập bậc trung học phải đạt 80%. Chỉ tiêu học nghề ở TP.Cần Thơ cũng đạt rất thấp, chưa được 1,5%…
Có nhiều nguyên nhân làm cho việc thực hiện kế hoạch phổ cập nói chung gặp nhiều khó khăn. Trong đó nguyên nhân về nhận thức của nhiều người dân là rất quan trọng. Ngoài ra, theo nhiều cán bộ làm công tác giáo dục thì nhiều địa phương chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác phổ cập nên chưa sâu sát, chưa quyết tâm thực hiện. Điều bất hợp lí là TP.Cần Thơ có nhiều trường đào tạo nghề, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, mở thêm nhiều trường phổ thông nhưng tỷ lệ học sinh vào học THPT, học nghề, học trung cấp chưa đến 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS. Vậy các đối tượng này đang làm gì bên ngoài nhà trường?
Không được học hành đến nơi đến chốn, không có nghề nghiệp thì làm sao thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều đáng lo là lực lượng này hiện nay ở TP.Cần Thơ không phải nhỏ?
Bảo Ngọc

Bình luận (0)