Tối 6-7, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, lễ hội Vì hòa bình 2024 đã chính thức khai mạc với nghi thức 9 tiếng chuông vang lên thể hiện sự gắn kết của mọi thành phần không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, tầng lớp, giai cấp… cùng hướng tới mục tiêu hòa bình. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự và phát biểu tại lễ khai mạc.
Tiết mục nghệ thuật trong lễ khai mạc
Thông điệp về dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình,
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết: Từ bao đời nay, hòa bình và phát triển luôn là khát vọng tha thiết của toàn thể nhân loại. Hoà bình được xem là món quà vô giá nhất của mỗi quốc gia, dân tộc và toàn thế giới cần được bảo vệ và duy trì. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tinh thần hòa hiếu, đạo lý “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” đã thấm sâu trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới là biểu tượng cao đẹp nhất của khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ và tư tưởng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc trên thế giới. Trong bản di chúc để lại trước lúc đi xa, Người đã thể hiện khát khao cháy bỏng về một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ giàu mạnh. Đó luôn là ước nguyện của toàn dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Vì hòa bình 2024
Nằm ở miền Trung, Quảng Trị có vị trí chiến lược quan trọng. Mảnh đất này từng trải qua bao khốc liệt của chiến tranh, chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc nỗi đau chiến tranh, nỗi đau chia cắt; Quảng Trị cũng là nơi cảm nhận đầy đủ nhất khát vọng sống, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, khát vọng thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Mỗi tấc đất, dòng sông, mỗi địa danh ở mảnh đất này đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom với khát vọng sống, khát vọng hòa bình của dân tộc đã thức tỉnh lương tri của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Phó Chủ tịch nước đánh giá cao về sáng kiến của tỉnh Quảng Trị trong việc tổ chức lễ hội Vì Hòa bình. “Từ vùng đất đã từng bị hủy diệt bởi chiến tranh đang mạnh mẽ hồi sinh, lễ hội sẽ truyền đi thông điệp về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Lễ hội Vì hòa bình 2024 tại Quảng Trị thu hút đông đảo người dân và du khách quan tâm
Phó Chủ tịch nước cho rằng, việc tổ chức lễ hội thành công sẽ góp phần làm sâu sắc thêm hệ giá trị quốc gia Việt Nam “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam”.
Quảng Trị – điểm đến vì hòa bình
Lễ hội Vì hòa bình với chủ đề “Kết nối những nhịp cầu” được Quảng Trị chọn khai mạc tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải – nơi Vĩ tuyến 17 từng chứng kiến cuộc phân ly đất nước kéo dài đằng đẵng hơn 20 năm. Lễ hội diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết “Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương”; Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ và hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Đồng thời, lễ hội còn là hoạt động Kỷ niệm 25 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua “Tuyên bố và Chương trình hành động về Văn hóa hòa bình; Ngày quốc tế hòa bình” và hưởng ứng “Năm của hòa bình và Niềm tin quốc tế 2025” của Liên hợp quốc.
Sau lễ khai mạc vào tối 6-7, lễ hội kéo dài với nhiều chương trình giao lưu quảng bá văn hóa, du lịch với nhiều hoạt động chính như: Giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình” vào ngày 8-7 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh; Lễ hội Văn hóa – Ẩm thực với chủ đề “Hương vị miền nắng gió”; chương trình “Ước nguyện hòa bình” vào tối 26-7 tại Bến thả hoa bờ Bắc thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị với lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện. Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị sẽ diễn ra đồng thời cùng các hoạt động tri ân tại tất cả các nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ… trên địa bàn tỉnh và có thể kết nối với các địa danh liên quan đến chủ đề vì hòa bình trên thế giới.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ, đã từ lâu, Quảng Trị không chỉ là tên của một địa phương mà đã trở thành điểm đến tri ân và đây cũng là nơi bay lên khát vọng hòa bình mang tên Việt Nam. Những bài học về chiến tranh và hòa bình có ở đây, nơi mảnh đất mà từng ngọn núi dòng sông cũng đều mang những đau thương của quá khứ và dự cảm hạnh phúc thân thiện yên bình của hôm nay và mai sau. Quảng Trị còn là điểm đến của bạn bè quốc tế để thấm thía những giá trị cao đẹp của sự hòa hợp, hòa giải, những hàn gắn nhân văn rất con người.
Ông Hưng cho biết, lễ hội Vì Hòa bình sẽ giới thiệu những sắc màu văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của Quảng Trị và của Việt Nam; sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại; lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, giàu tính nhân văn và đầy sức cuốn hút. Đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo cơ hội để gặp gỡ, hội tụ về văn hóa giữa các vùng miền, các quốc gia. Qua đó, thúc đẩy sự chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, đưa văn hoá trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Lễ hội Vì hòa bình do tỉnh Quảng Trị khởi xướng tổ chức và mọi người cùng chung tay kiến tạo nên giá trị; là một lễ hội mở, chỉ có ngày khai mạc với chuỗi các hoạt động mà không có ngày bế mạc vì hòa bình luôn là mong muốn, là khát vọng mãi mãi của nhân loại. “Chúng tôi hi vọng lễ hội sẽ tạo động lực quan trọng để Quảng Trị không chỉ trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình, là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình, mà còn góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư, du lịch.. đóng góp cho sự phát triển KT-XH hội bền vững của Quảng Trị và các địa phương trong khu vực”.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)