Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dục

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Ban hành Luật Nhà giáo là yêu cầu cấp thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Ban hành Luật Nhà giáo là yêu cầu cấp thiết - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Ban hành Luật Nhà giáo là yêu cầu cấp thiết Audio

Chiều 27-3, Uỷ ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội khóa XV đã tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo, trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5 này.

Dự tọa đàm có bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội; ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Bà Nguyễn Thị Thanh – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại tọa đàm

Ban hành Luật Nhà giáo là yêu cầu cấp thiết

Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tính đến năm 2024, cả nước có hơn 1,5 triệu nhà giáo, trong đó, nhà giáo công lập hơn 1,3 triệu người – chiếm trên 70% đội ngũ viên chức, nhà giáo ngoài công hơn 200 nghìn người.

“Lực lượng nhà giáo ngoài công lập ngày càng phát triển đặt ra yêu cầu đặt cần có một khung pháp lý đầy đủ, toàn diện, tạo thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là một yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao vị thế, quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10-2024, đến nay sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8). Tọa  đàm tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Nhà giáo là một diễn đàn quan trọng để cùng nhau thảo luận, trao đổi ý kiến, đóng góp trí tuệ nhằm hoàn thiện Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5 tới đây.

Bà mong muốn, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc góp phần tạo nên một dự án toàn diện, khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và mong mỏi của đội ngũ nhà giáo cũng như toàn xã hội. Từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc xây dựng và phát triển nhanh chóng và bền vững đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng phấn đấu vì mục tiêu trở thành đất nước có công nghiệp hiện đại, có mức thu nhập cao vào năm 2045.

Mong muốn tất cả những gì “lãng mạn nhất” dành cho nhà giáo

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT mong muốn tất cả những gì có thể “lãng mạn nhất” dành cho nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Trên tinh thần đó, quá trình làm Ủy ban Soạn thảo phối hợp với Ủy ban Văn hóa Xã hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, riêng tại TP.HCM đã tổ chức từ 4-5 hội nghị lấy ý kiến từ các cơ sở đại học, tư thục, giám đốc sở giáo dục. Tinh thần của ban soạn thảo luật xây dựng để phát triển nhà giáo, xây dựng lực lượng của ngành chứ không phải để thêm quản lý chặt chẽ, làm mất đi không gian sáng tạo, hoạt động nghề nghiệp của thầy cô.

“Tất cả các ý kiến đều được ghi âm, đưa vào từng nhóm nội dung cụ thể để rà soát, khách quan, công bằng nhưng đảm bảo tinh thần nhà giáo là viên chức đặc biệt, cần có cơ chế chính sách khác biệt vượt trội chứ không phải đặc quyền đặc lợi của nhà giáo. Vì thế, đến thời điểm này nhiều nội dung nổi trội khác biệt trong dự thảo luật…” – Thứ trưởng Thưởng nêu.

Cũng theo Thứ trưởng, một điểm khác biệt nữa của luật lần này là lần đầu tiên dự thảo luật quan tâm tối đa với hệ thống nhà giáo ngoài công lập, hỗ trợ kinh phí tập huấn như giáo viên công lập. Ngoài ra, dự thảo luật quy định đối với cấp xã quản lý và tổ chức quy hoạch về cơ sở giáo dục trên địa bàn, đầu tư công; Còn ngành giáo dục cụ thể là Sở GD-ĐT phải tuyển dụng con người.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hiện nay Bộ GD-ĐT đã sẵn sàng 3 nghị định và 13 thông tư để khi Luật Nhà giáo được nhấn nút là các nghị định, thông tư ban hành ngay, để ngoài đánh giá tác động thì mới đánh giá xem luật có đi vào đời sống được không.

“Tháng 5 này nếu Luật Nhà giáo được thông qua sẽ là tin vui lớn khi năm 2025 dịp kỷ niệm 80 năm ngành giáo dục. Nếu dự thảo được nhấn nút thông qua là sản phẩm của tập thể, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của toàn xã hội chăm lo cho giáo dục. Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ, tiếp thu tối đa các ý kến chuyên gia để có sản phẩm tốt nhất, không quá cầu toàn mà chặt chẽ nhất có thể…” – Thứ trưởng Thưởng đánh giá.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Làm rõ thêm thông tin về dự thảo Luật Nhà giáo, ông Nguyễn Đắc Vinh – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội cho hay, tinh thần của luật là khuyến khích đào tạo bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ kinh phí cho nhà giáo bình đẳng giữa khối công lập và ngoài công lập. Với việc tuyển dụng và quản lý giáo viên thì tinh thần là chuyển về cho ngành giáo dục, ngành giáo dục ủy quyền cho các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện…

Yến Hoa

Bình luận (0)