Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Người dân ra đường đông hơn vì nhiều lý do

Tạp Chí Giáo Dục

Các tuyến đường đi được mở ít hơn đã tạo cảm giác đông người ra đường hơn, nhưng thực tế quy mô người ra đường vẫn như vậy.


Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Chiều 19-8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Hơn 200 ngàn người ra đường mỗi ngày để tiêm vắc xin

Tại cuộc họp, nói rõ tình trạng người dân ra đường tăng lên trong thời gian gần đây, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết có nhiều nhiều lý do. Sau một thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội có một số dịch vụ trước đây không được phép ra đường thì bây giờ đến lúc bắt buộc TP phải mở ra để đảm bảo duy trì hoạt động bình thường cuộc sống hàng ngày. Đơn cử dịch vụ liên quan đến bảo trì các hạ tầng kỹ thuật của các tòa chung cư như: hệ thống máy lạnh, thoát nước, cấp nước…

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tuyến đường nhánh bị chặn, phần lớn duy trì các trục đường chính để người dân đi lại nhằm đảm bảo năng lực kiểm soát của các lực lượng chức năng được tốt hơn. “Chính vì tuyến đường được mở để đi ít hơn đã tạo cảm giác đông người ra đường hơn, nhưng thực tế quy mô người ra đường vẫn như vậy”, ông Dương Anh Đức nói.

Lý do nữa, theo ông Dương Anh Đức là người dân ra đường đi tiêm vắc xin. Trung bình mỗi ngày khoảng hơn 200 ngàn người, cao điểm khoảng 300 ngàn người ra đường để tiêm vắc xin. Đây là công tác quan trọng mà TP đặt mục tiêu cuối tháng 8 đạt khoảng 2/3 số người trên 18 tuổi được tiêm. Nếu người đi tiêm thực hiện nghiêm các quy định thì cũng không tạo ra mối nguy cơ lớn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, dân số TP.HCM khoảng 10 triệu người và hơn 3 triệu người tạm trú. Qua thống kê có khoảng 1,2 triệu người ra đường mỗi ngày, đa số các đối tượng được phép lưu thông, một số ít không đúng quy định. Mỗi ngày công an TP kiểm soát khoảng 200 ngàn lượt phương tiện, hơn 100 ngàn người sử dụng phương tiện cá nhân, qua đó xử phạt 1.500 trường hợp, yêu cầu quay đầu 3.200 trường hợp, với tỷ lệ vi phạm dưới 1,5 %.

Ngoài ra, công an TP đã tổ chức kiểm soát tại các khu dân cư, phong tỏa để hạn chế người dân ra đường. Đồng thời phát loa tuyên truyền khoảng 1.800 lượt hàng ngày ở hầu hết địa bàn phường, xã nhằm truyền đạt các quy định cho người dân hiểu và chấp hành.

Thông tin về công tác tiêm vắc xin, ông Dương Anh Đức cho biết tính đến nay TP có hơn 5 triệu người đã được tiêm. Cụ thể, đến 18 giờ ngày 18-8 TP đã tổ chức tiêm được 5.064.449 mũi tiêm; 2.969 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm và tất cả người tiêm đều an toàn.


Số đường đi được mở ít hơn đã tạo cảm giác đông người ra đường hơn

Về công tác chăm lo an sinh cho người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19, Phó Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, TP không để bất kỳ người dân nào bị đói, cố gắng đưa gói hỗ trợ sớm nhất đến với người dân. Trên tinh thần đó, TP có hai đợt chi hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, không có giao kết hợp đồng lao động… với tổng số tiền đã chi khoảng 913 tỷ đồng.

Ngoài ra, các khoản chi khác hỗ trợ hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động với gần 12 tỷ đồng; các thương nhân gặp khó khăn gần 26 tỷ đồng; thai sản, tử tuất khoảng 187 tỷ đồng; hộ nghèo, cận nghèo khoảng 47 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ được chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân sử dụng.

Bệnh viện quận Bình Tân nhận sai sót

Tại họp báo, liên quan đến sai sót thu phí bệnh nhân mắc Covid-19 vừa qua tại Bệnh viện quận Bình Tân, bác sĩ Võ Tuấn Trường – Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện quận Bình Tân đã thẳng thắn nhận lỗi và nhận trách nhiệm về việc sai sót thu phí bệnh nhân Covid-19.

Bác sĩ Võ Tuấn Trường, cho biết thời gian qua viên bệnh viện tập trung tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 nên có những sai sót trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Với tinh thần cầu thị, bệnh viện xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, cũng như rà soát, khắc phục. Đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã đóng viện phí, bệnh viện sẽ chủ động liên lạc và hoàn trả lại mọi chi phí. Trong thời gian tới, các bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19 vẫn được điều trị miễn phí từ ngân sách nhà nước.

Liên quan đến vụ việc này, trước đó, báo chí phản ánh chị N.T.N. (ngụ quận 12) cho biết ngày 3-8, mẹ ruột của chị là bà T.T.T. (57 tuổi) mắc Covid-19 đến Bệnh viện quận Bình Tân điều trị. Khi nhập viện, phía bệnh viện yêu cầu nộp tạm ứng tiền viện phí nhiều lần với tổng hơn 8 triệu đồng. Đến ngày 16-8, bệnh viện thông báo bà T. tử vong. Sau đó, phía bệnh viện yêu cầu gia đình nộp thêm 28 triệu đồng tiền viện phí để nhận giấy báo tử và thi thể an táng. Tổng số tiền gia đình chị T. phải đóng cho bệnh viện là hơn 36 triệu đồng.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)