Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục – Bộ GD-ĐT: Để mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai là một người thầy mẫu mực cho các thế hệ nhà giáo noi theo. Ảnh: N.T.L

Đạo đức nhà giáo luôn là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Giáo Dục TP.HCM đã có buổi trò chuyện với ông Trương Đình Mậu, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục – Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
PV: Vấn đề đạo đức nhà giáo đã được đề cập đến từ lâu trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Vấn đề này hiện nay đã được ngành giáo dục cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Đình Mậu: Trong lịch sử nước ta, “tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc, nhà giáo bao giờ cũng được nhân dân yêu mến và kính trọng. Vì vậy, các hoạt động của nhà giáo cần phải nêu gương tốt cho học sinh, sinh viên và cho xã hội. Truyền thống tốt đẹp đó đã được ngành giáo dục và đào tạo phát huy, cụ thể hóa tới từng nhà giáo qua các văn bản, các chương trình hành động, các cuộc vận động…
Luật Giáo dục hiện hành đã quy định rõ các hành vi giáo viên không được làm trong quá trình làm nghề. Ngoài ra, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh, trong thời gian qua Bộ GD-ĐT đã phát động các cuộc vận động, điển hình là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với mục đích làm cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và ý nghĩa về “tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của mỗi thầy cô giáo trong hoạt động giáo dục – đào tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục.
Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định các tiêu chuẩn về nhà giáo, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức của người thầy, như: Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 quy định về đạo đức nhà giáo với mục đích làm cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo.
Các bộ “Chuẩn nghề nghiệp giáo viên” đối với các cấp học mầm non, phổ thông, trong đó có các tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người giáo viên. Căn cứ vào các tiêu chí trong Chuẩn nghề nghiệp, người giáo viên có thể tự đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực nghề nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Đạo đức nhà giáo ở đâu đó đang bị dư luận đặt câu hỏi bởi sự ảnh hưởng quá lớn của cơ chế thị trường. Trong thời gian tới, ngoài việc giải quyết vấn đề tiền lương, ngành giáo dục còn phải làm gì?
Đại đa số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và lối sống lành mạnh. Tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn song đội ngũ giáo viên trong cả nước vẫn ngày đêm miệt mài trên bục giảng, bám lớp, bám trường, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân để cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.
Trên thực tế đã có hàng trăm, hàng ngàn giáo viên chấp nhận xa gia đình, bè bạn… lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dạy học. Đã có biết bao người thầy không màng danh lợi, sống đạm bạc, suốt đời vì sự nghiệp giáo dục. Trong thiên tai, mưa lũ, có không ít thầy cô giáo quên mình để cứu tính mạng của học sinh thân yêu. Nhiều thầy cô giáo đã chia sẻ phần thu nhập ít ỏi của mình nuôi nấng, giúp đỡ những học sinh nghèo vượt khó, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chính từ những hoạt động tưởng như bình thường ấy đã góp phần đem lại cho nền giáo dục nước nhà những bước tiến đáng mừng.
Tuy nhiên, do tác động của cơ chế thị trường, gần đây có một số nhà giáo có biểu hiện chán nghề, thiếu gương mẫu, chưa tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu vươn lên…
Trước thực tế đó, ngoài việc giải quyết vấn đề nhằm nâng cao đời sống vật chất cho giáo viên, (như đang xây dựng nghị định của Chính phủ về phụ cấp thâm niên cho nhà giáo) Bộ GD-ĐT đã và đang chỉ đạo toàn ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục:
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa, nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
Tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách, cơ chế quản lý, sử dụng đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo hướng giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp và cơ sở giáo dục địa phương. Tập trung giải quyết những bất cập trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được ngành giáo dục phát động trong thời gian qua. Hiệu quả của phong trào này đến nay như thế nào?
Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ GD-ĐT phối hợp phát động từ năm học 2007-2008. Sau gần 3 năm thực hiện cuộc vận động đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, theo báo cáo của các đơn vị có 100% ngành giáo dục các tỉnh/ thành phố và hơn 90% trường học và đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động, với sự tham gia của đại diện chính quyền, đại diện cấp ủy, công đoàn và các thành phần khác.
Công tác tuyên truyền cho cuộc vận động được triển khai mạnh mẽ, nổi bật là thực hiện công tác tuyên truyền, học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và tham gia thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm, công đoàn giáo dục các cấp và hầu hết các trường học đều tổ chức hội thảo, tọa đàm về truyền thống đạo đức nhà giáo với những nội dung rất thiết thực; nhiều trường học đã chuyển tiêu đề cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” thành khẩu hiệu hành động, được trang trí trang trọng ở phòng họp hoặc ở vị trí thường xuyên có đội ngũ nhà giáo và học sinh qua lại để nhắc nhở mỗi nhà giáo luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Qua 3 năm triển khai thực hiện cuộc vận động đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động rèn luyện, tu dưỡng đạo đức về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm… trong các hoạt động dạy và học, trong coi thi, chấm thi, trong đấu tranh với các tiêu cực học đường và thực hiện nghĩa vụ công dân. Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, yêu nghề, yêu ngành, thương yêu học sinh, ý thức tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… của đội ngũ nhà giáo tiếp tục được khơi dậy.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả thu được, việc triển khai thực hiện cuộc vận động “mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” vẫn còn những hạn chế. Nhìn chung, cuộc vận động vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa đều khắp các vùng miền và chưa triển khai được đầy đủ cả ba nội dung của cuộc vận động: “đạo đức, tự học, sáng tạo”. Một số trường học và đơn vị giáo dục triển khai cuộc vận động vẫn còn mang tính hình thức, chỉ mới dừng lại ở việc đọc tài liệu và phân phát tài liệu về cuộc vận động mà chưa làm cho cuộc vận động thấm sâu vào trong mỗi nhà giáo.
Những kết quả bước đầu nói trên là cơ sở thực tiễn, đòi hỏi chúng ta tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả cuộc vận động.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Đến năm học 2008-2009, tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương đạt tới 40%; hằng năm có hơn 20.000 nhà giáo được kết nạp Đảng. Ở các trường đại học, cao đẳng tính đến giữa năm 2010 đội ngũ giảng viên có 53.222 người, trong đó có 320 giáo sư, 1.966 phó giáo sư, 6.271 tiến sĩ và 22.831 thạc sĩ; so với năm học 2005-2006, giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 150 người, thạc sĩ tăng hơn 7.000 người.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)