Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Đào tạo mũi nhọn của TP.HCM đã có sự dịch chuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Sau những phản ánh của giáo viên, trường THPT và phụ huynh học sinh về kết quả học sinh giỏi cấp thành phố lớp 12 năm học 2023-2024, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM để làm rõ hơn về kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 năm học này.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc

* Phóng viên: Năm nay là năm đầu tiên kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức và xét qua 2 đợt. Trong đó, đợt 1 quy định những học sinh lớp 12 trong đội tuyển chính thức thành phố dự thi quốc gia sẽ được công nhận đạt giải nhất quốc gia. Đồng thời, những học sinh đã thi đợt 1 tiếp tục được xét giải đợt 2. Theo các nhà trường, điều này dẫn đến việc dù xét làm 2 đợt nhưng kết quả giải cao, đặc biệt là giải nhất chỉ tập trung hầu hết ở đợt 1.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM đổi mới kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 với 2 đợt khác nhau:

– Kỳ thi vào ngày 18, 19-9-2023 dành cho tất cả học sinh chuyên thi đúng bộ môn chuyên của mình và các học sinh có năng lực ở các trường khác nhằm phân loại, tuyển chọn các học sinh vào đội tuyển đi thi HSG Quốc gia, xếp giải cấp thành phố (tránh việc các em thi quá nhiều lần nếu cho thi lại ở đợt tháng 3) cũng như rà soát công tác giảng dạy chuyên ở các trường. 

– Kỳ thi HSG vào ngày 5-3-2024 dành cho tất cả học sinh trong đó học sinh chuyên thì có thể chọn khác môn chuyên (tạo cơ hội lần 2 cho HS chuyên có năng lực tốt ở nhiều bộ môn)

Với đổi mới này, TP.HCM hướng đến nâng cao hơn nữa hiệu quả, trách nhiệm trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi của hệ thống các trường chuyên cũng như các trường THPT thường có những điều chỉnh phù hợp cho việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục mũi nhọn của thành phố…

Bên cạnh đó, Sở muốn tạo sự công bằng cho học sinh trường thường khi tách riêng việc tổ chức kỳ thi cho đối tượng học sinh chuyên ở đợt 1. Đề thi đợt 1 cũng để chọn đội tuyển quốc gia nên độ khó hơn, xét qua 2 vòng. Còn đợt 2 thì chỉ đối tượng học sinh thường thi với nhau vì Sở quy định rõ là học sinh lớp chuyên không được dự thi môn chuyên.

Đối với thay đổi này, từ đầu năm học Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông báo đến các nhà trường. Về tỷ lệ giải thì cả 2 đợt đều có giải cao. Trong đó, tỷ lệ giải xét ở đợt 1 là 33%, đợt 2 là 67%. Tổng số giải trong kỳ thi là có 1.958 học sinh đạt giải với 115 giải nhất, 404 giải nhì, 1.439 giải ba; học sinh chuyên đạt 647 giải (112 giải nhất, 345 giải nhì và 190 giải ba).


TP.HCM có nhiều đổi mới trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 năm học 2023-2024

So với kết quả năm học 2022-2023 là 1.975 giải với 105 giải nhất, 722 giải nhì và 1.148 giải ba; học sinh chuyên đạt 581 giải (119 giải nhất, 231 giải nhì và 231 giải ba).

* Mọi năm, khi TP.HCM tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 chung giữa học sinh trường chuyên và học sinh trường thường thì tỷ lệ giải nhất, nhì ở các trường thường vẫn có nhiều. Năm nay, mặc dù tách ra thi riêng mà tỷ lệ giải nhất, nhì ở các trường lại sụt giảm và hầu như vắng bóng? Như vậy vấn đề nằm ở đề thi, ở cách xét giải hay ở học sinh, thưa ông?

– Ở đợt 1, mức độ kiến thức trong đề nằm trong chương trình THPT chuyên và THPT hiện hành. Ở đợt 2, đề thi nằm trong Chương trình GDPT 2006, theo định hướng đánh giá năng lực tư duy, vận dụng thực tiễn của học sinh. Vì thế, nếu cách tiếp cận của giáo viên trong quá trình ôn tập, bồi dưỡng học sinh giỏi chưa có sự vận động theo hướng này thì học sinh sẽ khó tiếp cận với đề.

* Theo các giáo viên, đề thi học sinh giỏi đợt 2 ở một số môn khá khó, học sinh trường thường khó có thể tiếp cận để đạt được giải. Ông nhìn nhận điều này thế nào?

– Đề thi trong đợt 2 ở các môn đều được Sở GD-ĐT TP.HCM ra theo ma trận, bám sát các mức độ kiến thức từ thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, đảm bảo phân hóa được đối tượng học sinh giỏi, có tố chất đặc biệt ở bộ môn. Và nội dung kiến thức, như đã nói là nằm trong Chương trình GDPT 2006, theo định hướng đánh giá năng lực tư duy, vận dụng thực tiễn của học sinh.

Vấn đề nằm ở chỗ quan điểm trong cách tiếp cận, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục mũi nhọn ở nhiều trường THPT, nhiều giáo viên hiện vẫn bám theo lối mòn cũ, dạy học sinh theo ôn luyện kiến thức chuyên sâu thuần tuý. Trong khi đó, với việc đổi mới tiếp cận theo đánh giá năng lực vận dụng học sinh hiện nay thì đòi hỏi học sinh không chỉ học, nắm kiến thức mà còn phải hiểu để vận dụng. Trên thực tế, trong các bộ môn như ngữ văn, sinh…, đề thi vẫn có những vấn đề kiến thức không quá khó với đối tượng học sinh giỏi nhưng để làm được đòi hỏi các em phải có năng lực vận dụng, có tư duy thực tiễn, hiểu để giải quyết vấn đề…

Không phải đến bây giờ, khi Sở GD-ĐT TP.HCM đổi mới cách thi học sinh giỏi thì mới xuất hiện tình trạng ở nhiều trường với nhiều bộ môn mất dần vị trí về học sinh giỏi. Trong một vài năm trở lại đây, đào tạo mũi nhọn của TP.HCM đã có sự dịch chuyển nhất định: một vài cái tên trường mới xuất hiện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, thậm chí là các trường THPT ở vùng ven, ngoại thành song một số trường THPT có truyền thống đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi lại đang dần mất vị trí. Điều này nói lên rằng, nếu các nhà trường, giáo viên không chịu vận động trong tư duy, thay đổi các tiếp cận về giáo dục mũi nhọn thì sẽ tự mình “trói tay mình”.

Việc đổi mới kỳ thi học sinh giỏi không chỉ nhằm tạo cơ hội nhiều hơn cho học sinh, để các em được thể hiện năng lực nhiều hơn ở các bộ môn mà mình có sở trường, thế mạnh, mà còn tác động nhất định đến việc định hướng dạy và học trong nhà trường. Với riêng giáo dục mũi nhọn, không phải chỉ là trách nhiệm của các trường chuyên mà là trách nhiệm của tất cả các trường THPT. Giáo dục mũi nhọn cũng phải gắn với dòng chảy của đổi mới giáo dục phổ thông, không thể tách rời được. Vì vậy, bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi ngoài trang bị cho các em kiến thức thì còn cần trang bị cho các em năng lực, tư duy vận dụng…

Qua thực tiễn của năm học này, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc tổ chức và xét giải (giảm thời lượng đợt 1, cân đối các mức xét giải,…) các kỳ thi học sinh giỏi trong những năm học sau. Song song với quá trình hoàn thiện Đề án tách trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Sở sẽ triển khai công tác quy hoạch lại việc tổ chức trường có lớp chuyên, giảng dạy chuyên theo đúng quy định của Thông tư 05/2023/TT-BGDĐT từ năm học 2025-2026.

* Xin cảm ơn ông!

Yến Hoa (thực hiện)

 

 

Bình luận (0)