Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc: Năm 2024 là năm bản lề ngành giáo dục thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhấn mạnh trong Hội nghị sơ kết HKI năm học 2023-2024 bậc trung học sáng ngày 1-2, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, năm 2024 là năm bản lề của giáo dục thành phố.


Theo ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, năm 2024 là năm bản lề của ngành giáo dục thành phố

Cụ thể, ông Nguyễn Bảo Quốc nêu rõ, năm 2024 là năm quan trọng TP.HCM cùng với cả nước thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 ở các lớp học cuối cùng, cũng là năm đòi hỏi thành phố cần có nhiều sự tập trung để đổi mới từ những định hướng của Bộ GD-ĐT.

Ông phân tích: Việc Bộ GD-ĐT có định hướng thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT chắc chắn kéo theo nhiều thay đổi của tuyển sinh đại học, thay đổi trong tuyển sinh lớp 10 cho phù hợp với Chương trình mới. Dù hơn 10 năm nay TP.HCM đã có nhiều thay đổi trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng cũng cần có sự rà soát lại để điều chỉnh.

Công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi bậc THPT cũng cần thay đổi do bậc THCS có những môn học khác so với chương trình cũ như khoa học tự nhiên; lịch sử địa lý, trong khi đó lên lớp 10 lại tách ra các môn học riêng biệt.


Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, việc đổi mới là điều phải làm song tránh quá nóng vội hay quá chậm rãi

“Năm 2024 được xác định là năm bản lề của TP.HCM còn là vì năm 2025 TP.HCM kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó ngành giáo dục TP có nhiều đề án quan trọng chào mừng kỷ niệm: Đề án 4.500 phòng học; Xây dựng 50 trường học thông minh; Đề án đại học chia sẻ…”.

Do đó, ông Quốc đề nghị các trường cần tập trung đăng ký thi đua trường học số, đồng thời rà soát lại cơ sở vật chất trường lớp để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Đổi mới là phải làm nhưng tránh quá nóng vội hay chậm rãi

Nhìn lại quá trình đổi mới giáo dục trong HKI năm học 2023-2024, ông Nguyễn Bảo Quốc thẳng thắn việc đổi mới kiểm tra đánh giá ở các nhà trường vẫn còn theo cảm tính, ở nhiều trường học thích thì tổ chức cộng điểm để thu hút, không thích thì trừ. Vẫn còn trường ra đề không mang Chương trình GDPT 2018, mà đề toán, lý, hóa, sinh còn theo chương trình cũ.

“Mặc dù kiểm tra đánh giá hiện được thực hiện theo nhiều phương pháp, hình thức nhưng không phải là để động viên chỗ này, khuyến khích chỗ kia thì tổ chức. Kiểm tra đánh giá không phải mang tính đối phó với Sở, Sở yêu cầu đề phải có ma trận đặc tả thì nộp đúng, nộp đủ nhưng không ăn nhập gì nhau. Ma trận đặc tả phải làm trước, sau đó mới xây dựng đề kiểm tra… Trong đổi mới giáo dục, vai trò của hiệu trưởng nhà trường rất quan trọng” – ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.


Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu việc chuyển đổi số tránh màu mè, hình thức

Theo ông, thời điểm đầu đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ có nhiều vướng mắc. Việc đổi mới là phải làm, nhưng nếu nóng vội quá cũng không được, mà chậm quá cũng không nên. Các ngữ liệu đưa vào đề kiểm tra cần cẩn trọng, bàn bạc trao đổi kỹ càng để tránh sai sót…

Ông lưu ý bậc THPT cần có sự mạnh dạn đổi mới hơn nữa trong phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, với tinh thần lan tỏa tất cả đội ngũ, ở cả khối công lập và tư thục. Đặc biệt, cần nghiên cứu tổ chức lớp linh hoạt trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, bởi nếu duy trì cách làm cũ theo kiểu xây dựng cứng các nhóm môn lựa chọn thì về lâi dài sẽ rất khó khăn. Chỉ có cách tổ chức lớp linh hoạt mới có thể đảm bảo nguyện vọng của học sinh trong lựa chọn môn học lựa chọn.

Ngoài ra, ông yêu cầutrong năm học này các trường cần tạo được sự đồng thuận trong chương trình nhà trường, việc dạy học 2 buổi/ngày ngay từ cuối năm học với các khối lớp cũ. Với khối đầu cấp thì cần tổ chức sinh hoạt chung với phụ huynh học sinh, có hình thức tư vấn cho phụ huynh học sinh việc lựa chọn phù hợp trong việc học 2 buổi, tham gia chương trình nhà trường, không đợi đến đầu năm học mới thực hiện.

Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý, các trường được quyền tự chủ trong thực hiện chương trình nhà trường trong khuôn khổ quy định. Việc lấy ý kiến tập thể theo lớp sẽ làm cho phụ huynh tâm lý ái ngại vì ai cũng học rồi con mình không học có được không.

Riêng với công tác chuyển đổi số giáo dục, ông yêu cầu các trường không màu mè, hình thức mà thông qua học liệu số mở rộng không gian, thời gian học tập cho học sinh, để học sinh được tương tác với những nội dung vừa sức, hình thành năng lực tự học tốt, phấn đấu đến năm 2025  ít nhất 35% học liệu số e-learning tương tác đươc triển khai theo mục tiêu, yêu cầu của từng môn học thuộc Chương trình GDPT 2018 được hoàn thành. Hiện Sở GD-ĐT TP.HCM đã xây dựng phần mềm để định lượng kết quả thực hiện trên trang quanly.hcm.edu.vn.

Yến Hoa

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)