Với học sinh lớp 9, năm nay là khóa cuối cùng học Chương trình GDPT 2006, trước khi chuyển sang học Chương trình GDPT 2018. Băn khoăn, lo lắng chung của rất nhiều học sinh, phụ huynh cuối cấp là đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trong năm cuối học Chương trình GDPT 2006 liệu có khó hơn các năm trước hay không, có các điểm mới nào trong đề thi hay không?…
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc
Trước những băn khoăn này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết: Quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM là giữ sự ổn định của kỳ thi, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 để đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh.
Vì thế, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay ở cả 3 môn thi văn, toán, ngoại ngữ đều có cấu trúc, mức độ kiến thức ổn định, tương tự như năm 2023. Đề thi sẽ bao gồm các phần kiến thức cơ bản ở mức thông hiểu, nhận biết, với khoảng 70%; 30% còn lại ở mức độ vận dụng, vận dụng cao để phân hóa học sinh.
Định hướng dạy và học gắn với phát triển năng lực học sinh vẫn sẽ tiếp tục được thể hiện rõ nét trong đề thi tuyển sinh. Đối với từng môn thi, đề thi sẽ không dừng ở việc kiểm tra kiến thức môn học thuần túy mà kiến thức của môn học trong đề thi được gắn với các vấn đề thực tế cuộc sống, qua đó kiểm tra tư duy, năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tế đặt ra trong đề thi. Để có thể làm được đề thi tuyển sinh, đòi hỏi học sinh trong quá trình học phải thực hành, không thể học tủ, học vẹt, học theo kiểu ghi nhớ máy móc.
+ PV: Mạng xã hội hiện nay đang xuất hiện rất nhiều các bộ đề thi tuyển sinh ở 3 môn thi tuyển sinh, và được quảng cáo là đề thi thử của Sở GD-ĐT TP.HCM. Xin ông cho biết, Sở GD-ĐT TP.HCM có ra đề thi thử trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 không, thưa ông?
– Phải khẳng định rằng trong nhiều năm nay, Sở GD-ĐT TP.HCM không ban hành đề thi mẫu, đề thi thử trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở cả 3 môn thi tuyển sinh. Việc định hướng cấu trúc, ma trận đề thi, nội dung kiến thức trong đề thi ở từng môn thi đều được phòng chuyên môn của sở thông báo rất cụ thể đến hội đồng bộ môn thành phố, phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Từ định hướng này, các trường THCS, các địa phương đã xây dựng chiến lược dạy và học ngay từ sớm, giúp học sinh tiệm cận được với ma trận, kiến thức của đề thi tuyển sinh trong cả 3 môn thi tuyển sinh mà không cần phải có thêm đề thi mẫu, thi thử do Sở GD-ĐT ban hành.
Dù Sở GD-ĐT TP.HCM không ban hành đề thi thử song hàng năm hội đồng bộ môn môn toán của thành phố đều có biên soạn các bộ đề tham khảo trong môn học này, bám sát cấu trúc và định hướng của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn toán. Mỗi địa phương sẽ biên soạn khoảng 3 đề và được tập hợp lại thành một ngân hàng dữ liệu đề tham khảo chất lượng, gửi đến các trường THCS trên địa bàn thành phố. Từ đó, giúp giáo viên có thêm nguồn tài liệu giảng dạy chất lượng để rèn luyện cho học sinh làm quen các dạng bài; Học sinh có thêm nguồn tư liệu để ôn tập, rèn luyện và hình thành kỹ năng làm bài.
Như vậy, với các đề thi thử, thi mẫu các môn thi tuyển sinh trên mạng xã hội được gắn mác là đề thi thử của Sở GD-ĐT TP.HCM đều không phải do Sở GD-ĐT ban hành.
+ Năm nay là năm thứ 3 Chương trình GDPT 2018 được thực hiện ở bậc THPT. Qua 2 năm triển khai, thực tế tại các trường THPT cho thấy, nếu ngay từ thời điểm chọn nguyện vọng trường THPT thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh, phụ huynh có sự quan tâm về cách thức tổ chức môn học lựa chọn theo Chương trình GDPT 2018 của các trường THPT thì việc tư vấn của các trường THPT sẽ thuận lợi hơn, học sinh cũng dễ dàng thích ứng với việc học theo định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
– Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT với nhiều điểm mới, rõ rệt nhất là từ đầu năm lớp 10 học sinh đã phải chọn 4 môn học lựa chọn trong tổng số 9 môn học lựa chọn, gắn với định hướng nghề nghiệp. Việc học sinh lớp 10 xác định được đúng thiên hướng nghề nghiệp và chọn được đúng môn học lựa chọn mình yêu thích, có sở trường, thế mạnh, liên quan đến định hướng nghề nghiệp là cực kỳ quan trọng, giúp các em dễ dàng thích nghi theo học ở trường THPT, hạn chế thấp nhất tình trạng đổi môn học lựa chọn giữa chừng, và nhất là tác động đến việc lựa chọn nghề nghiệp sau này.
Qua 2 năm triển khai cho thấy, có nhiều trường hợp học sinh do không tìm hiểu trước về cách tổ chức môn học lựa chọn của trường THPT, đến khi trúng tuyển vào trường thì mới… “vỡ mộng” do trường không có môn âm nhạc/ mỹ thuật mà mình có định hướng nghề nghiệp; do trường không tổ chức được nhóm môn học mà mình mong muốn theo học.
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, mỗi trường THPT tùy theo điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất sẽ có cách tổ chức môn học lựa chọn khác nhau. Mỗi trường cũng sẽ có những thế mạnh riêng về môi trường, hoạt động giáo dục, nhằm hướng đến phát triển toàn diện học sinh theo mục tiêu của trường…
+ Lời khuyên nào của ông dành cho học sinh để bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đạt kết quả tốt?
– Thời điểm này, học sinh cần hệ thống lại kiến thức trong từng môn thi, bám sát theo ma trận, cấu trúc đề thi tuyển sinh. Phần kiến thức nào chưa nắm vững, phần kiến thức nào còn hổng thì lên kế hoạch ôn tập, với sự hỗ trợ của thầy cô bộ môn. Việc ôn tập ở 3 môn thi tuyển sinh cần phải khoa học, sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo sức khỏe.
Vào thời điểm nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, phụ huynh thường có xu hướng cho con đi học thêm, luyện thi ở trung tâm, đặc biệt là với các môn học được đánh giá là con em mình còn chưa vững vàng, chưa tự tin. Tuy nhiên, việc đưa con đi học thêm sau giờ học cũng cần phải vừa sức với các em, để các em có thời gian nghỉ ngơi, tránh việc đưa con đi học thêm quá nhiều ở các trung tâm theo kiểu “chạy show”. Bởi điều này có thể sẽ gây tác dụng ngược, tạo thêm áp lực về kỳ thi tuyển sinh cho học sinh. Đặc biệt là việc học thêm quá nhiều các em sẽ không có thời gian để ôn và hệ thống lại kiến thức, kiến thức chỉ dừng ở việc nhớ “mang máng”, có khi “chữ thầy lại trả thầy”.
Để con có tâm lý tốt nhất bước vào kỳ thi, phụ huynh cần đồng hành cùng con, quan tâm và thường xuyên động viên con nỗ lực. Việc tạo sức ép, so sánh con em mình với bạn bè chỉ càng tạo thêm cho các em áp lực, có thể ảnh hưởng đến tâm lý các em tham gia trong kỳ thi. Đối với việc lựa chọn nguyện vọng, phụ huynh cùng con đưa ra lựa chọn chứ không nên áp đặt con chọn nguyện vọng theo mong muốn của bản thân.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM là kỳ thi có tính phân hóa, thông qua kỳ thi thành phố thực hiện phân luồng học sinh theo Đề án phân luồng học sinh sau THCS của Thủ tướng Chính phủ, với khoảng 70% học sinh sẽ tiếp tục theo học lớp 10 THPT công lập, 30% học sinh còn lại sẽ học các hướng học khác như học tại trường THPT ngoài công lập, học trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX, học nghề. Như vậy, việc tiếp tục theo học lớp 10 THPT công lập chỉ là một trong nhiều ngã rẽ sau THCS.
Do đó, sau bậc THCS, điều quan trọng nhất là học sinh, cha mẹ học sinh cần đánh giá được đúng năng lực thực sự của con em mình, cùng với điều kiện gia đình, mục tiêu định hướng nghề nghiệp để cùng với con chọn ngã rẽ phù hợp, có thể là tiếp tục học lớp 10 THPT công lập, có thể là chọn học các hướng học khác. Bất cứ hướng đi nào cũng đều có thể dẫn đến đích thành công, quan trọng là cách thức học tập, mục tiêu và nỗ lực của mỗi học sinh.
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)