Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu phòng GD-ĐT các quận huyện và TP.Thủ Đức cần sẵn sàng kế hoạch cho các khối lớp khác đi học trở lại.
Yêu cầu này được ông Dương Trí Dũng Chia đưa ra trong buổi họp giao ban công tác triển khai các hoạt động về phòng chống dịch COVID của ngành giáo dục mới đây.
Việc chia đôi, tách lớp khi học sinh toàn trường đi học lại là “bài toán khó” với các trường
Sẵn sàng tâm thế
Cụ thể, ông Dương Trí Dũng đề nghị các phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện bắt đầu tính toán đến các yếu tố ảnh hưởng, các nội dung phải chuẩn bị để đảm bảo các cơ sở còn lại được đưa vào hoạt động. Đặc biệt là hỗ trợ các đơn vị chưa tổ chức dạy học trực tiếp xây dựng kế hoạch an toàn phòng chống dịch. Sẵn sàng trong tâm thế khi TP có quyết định thì có kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai dạy học trực tiếp.
Về việc thu hồi các cơ sở giáo dục vẫn đang được trưng dụng phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết hiện vẫn còn 3 quận, huyện là TP. Thủ Đức, Củ Chi, Gò Vấp vẫn còn nhiều cơ sở đang được trưng dụng phục vụ nhiệm vụ phòng chống dịch. “Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP.Thủ Đức phải có kế hoạch cụ thể, làm sao đảm bảo việc thu hồi các cơ sở giáo dục theo kế hoạch của Ban chỉ đạo và chỉ đạo sửa chữa đảm bảo các yêu cầu để các cơ sở sẵn sàng tổ chức dạy và học trong thời gian tới khi TP có chủ trương”, ông Dương Trí Dũng đề nghị.
Trước các tình huống phát sinh liên quan đến dịch COVID-19 khi học sinh trở lại trường, Phó giám đốc Dương Trí Dũng lưu ý từng quận huyện phải tiếp tục theo dõi hoạt động của các nhà trường, kịp thời tham mưu cho địa phương, có chỉ đạo điều chỉnh nếu có.
Các trường THPT phải phối hợp và gắn bó chặt chẽ với phòng GD-ĐT trong công tác đi học lại, đảm bảo nhận được các chỉ đạo kịp thời của Ban chỉ đạoquận huyện với công tác phòng dịch. Các nhà trường phải thường xuyên đánh giá tình hình biến động học sinh khi đi học trở lại, xem xét từng lý do nghỉ học của học sinh, thường xuyên có trao đổi với y tế địa phương…
Rất khó đảm bảo khoảng cách lớp học khi học sinh toàn trường đi học
Bày tỏ mong muốn học sinh các khối còn lại được đi học trực tiếp sau 2 tuần thí điểm song thầy Bùi Trí Hiệp (Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) nhìn nhận, rất khó để duy trì các yêu cầu về khoảng cách, sĩ số học sinh/lớp nếu tiếp tục duy trì như hiện nay.
Hiệu trưởng này phân tích, không chỉ khó thực hiện, nếu cứng nhắc áp dụng chia đôi, tách lớp khi học sinh toàn trường đi học trực tiếp còn gây thêm áp lực cho giáo viên. “Hai tuần thí điểm dạy học trực tiếp với học sinh khối 12 được xem là quá trình để nhà trường tập rượt, quen tay khi xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến dịch COVID-19 trong nhà trường. Từ đó đã giúp tâm lý của thầy cô, học sinh và cả phụ huynh cùng không hoang mang ngay cả khi xuất hiện F0, chuyển trạng thái thích ứng an toàn trong dịch”.
Đánh giá kết quả học tập của hơn 600 học sinh khối 9 khi trở lại trường học trực tiếp trong điều kiện phòng dịch hiện nay đã mang lại kết quả rất khả quan, thầy Lý Văn Phát (Hiệu trưởng Trường THCS Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) cho biết, rất mong muốn sau 2 tuần thí điểm học sinh các khối lớp còn lại được trở lại trường.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng kế hoạch cho các khối lớp còn lại trở lại trường
Tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9, Trường THCS Bình Trị Đông A tách 15 lớp 9 thành 30 phòng học nhằm đảm bảo giãn cách, thực hiện tốt các yêu cầu phòng dịch, đảm bảo việc dạy và học trực tiếp được diễn ra liên tục. Giáo viên sẽ dạy 20 phút trực tiếp lớp này và 20 phút trực tiếp lớp còn lại với sự hỗ trợ của lực lượng giáo viên tăng cường. Về lâu dài nếu học sinh toàn trường đi học trở lại, lãnh đạo nhà trường nhìn nhận việc thực hiện theo kế hoạch chia lớp rất khó khả thi.
“Hiện trường chỉ có 30 phòng học nhưng có đến 64 lớp. Sĩ số mỗi lớp dao động từ 44-45 em, có lớp 46 em. Nếu vẫn tiếp tục chia đôi, tách lớp khi học sinh các khối đều trở lại trường thì không thể đảm bảo đủ số phòng, cơ sở vật chất để tổ chức dạy học ngay cả khi trường sắp xếp lệch buổi lớp 6, lớp 9 học buổi sáng; lớp 7, 8 học buổi chiều”, thầy Phát băn khoăn.
Yến Hoa
Bình luận (0)