Sáng 4–3, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM đã tổ chức buổi họp trực tuyến với Sở GD-ĐT, Sở Y tế về công tác tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Sẽ chấn chỉnh tình trạng nhân viên y tế địa phương “hời hợt” với nhà trường. Trong ảnh, cô trò Trường Mầm non 7 (quận 3) trong giờ học. Ảnh: Đỗ Yến
Thông tin về tình hình dạy học trực tiếp từ sau Tết, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, từ 7-2 đến 2-3 TP.HCM ghi nhận có tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nghi nhiễm COVID-19 được phát hiện tại trường học là 39.934 trường hợp, trong đó 36.605 trường hợp (chiếm hơn 91%) là học sinh và 3.329 trường hợp là cán bộ, giáo viên và nhân viên trường học (chiếm 8,3%).
Trong hai tuần qua (từ 15-2 đến 2-3), TP ghi nhận số ca nghi nhiễm cao trong cơ sở giáo dục tại các quận, huyện trên địa bàn. Trong đó, các địa phương có số lượng phát hiện ca nghi nhiễm cao nhất bao gồm Q.1 (4.005 trường hợp), Q.Bình Thạnh (3.483 trường hợp), TP.Thủ Đức (3.301 trường hợp), Q.12 (3.222 trường hợp) và Q.Tân Phú (2.871 trường hợp).
“Giai đoạn trước, TP quy định F1 đã tiêm vắc xin âm tính vẫn được đến trường song quy định hiện nay thì phải ở nhà cách ly. Quy định thay đổi, số học sinh đi học trực tiếp giảm, tuy nhiên các cơ sở giáo dục triển khai kịp thời, chuyển đổi linh hoạt phương thức dạy học”, ông Trọng nói.
Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua các cơ sở giáo dục đã nhận được sự hỗ trợ phối hợp chặt chẽ của y tế địa phương. Thế nhưng, có lúc, có nơi, có chỗ, sự phối hợp này còn hời hợt… gây khó khăn cho các trường khi xử lý các ca nghi nhiễm, tầm soát dịch.
“Ví dụ khi lớp có F0, để xác định đúng đối tượng F1, đánh giá chính xác tình hình dịch tễ, đề ra biện pháp khống chế dịch bệnh thì ngành y tế vẫn sẽ có chuyên môn, chỉ định tốt hơn ngành giáo dục. Thiếu sự phối hợp này khó khăn với các thầy cô, nhà trường”, ông Trọng chỉ ra.
Một khó khăn khi dạy học trực tiếp của các cơ sở giáo dục là khó tuyển dụng nhân viên y tế. Nhiều trường hiện không có nhân viên y tế chuyên trách mà chỉ là kiêm nhiệm. Đặc biệt, trong đợt dịch, lực lượng y tế trường học không những không được bổ sung mà còn bị “rơi rụng” do nghỉ việc, do sức khỏe…
Cạnh đó, còn bộ phận phụ huynh không khai báo y tế địa phương, nhà trường khi học sinh F0, gây cản trở công tác khoanh vùng xử lý F1 tại trường…
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thời gian qua việc dạy và học trực tiếp trên địa bàn thành phố có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế và Sở GD-ĐT.
Hai tuần gần đây, F0 tăng trong trường học, cuối mỗi buổi chiều hàng ngày, hai sở đều cùng ngồi lại để thống nhất, chấn chỉnh các phản ánh từ đơn vị trực thuộc. Sở Y tế đã cung ứng 60.000 test nhanh cho các trường học thông qua Sở GD-ĐT để thực hiện tầm soát nhanh cho học sinh, đội ngũ khi dạy học trực tiếp.
Nhiều yêu cầu, quy định của các trường gây phiền hà cho phụ huynh như hàng tuần xét nghiệm định kỳ, xét nghiệm lại bằng PCR đảm bảo âm tính… đã được Sở Y tế và Sở GD-ĐT chấn chỉnh kịp thời.
Các trường đã trang bị đầy đủ bồn rửa tay, hướng dẫn học sinh rửa tay theo đúng thời điểm, đảm bảo đúng bước ngành y tế. Công tác tổ chức bán trú, căng tin đã đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, đảm bảo phòng chống dịch.
“Khi F0 trường học gia tăng, một số trường đã dừng lại việc tổ chức bán trú, căn-tin. Tuy nhiên, nhà trường phải cân nhắc, cần tiếp tục tổ chức với sự góp ý của chuyên môn vì hoạt động này rất cần thiết, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, tránh việc phụ huynh đưa trẻ đi lại nhiều lần phát sinh thêm nhiều yếu tố…”, ông Nguyễn Hữu Hưng yêu cầu.
Lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh, yêu cầu thông thoáng sử dụng ánh sáng tự nhiên phòng học là cực kỳ quan trọng. Từ khảo sát nhiều trường, nhất là trường có điều kiện, ông cho biết các trường đang lạm dụng điều hoà, không đảm bảo cho sức khỏe học sinh, không đảm bảo nồng độ không khí trong phòng.
Ông đề nghị Sở GD-ĐT khuyến cáo trường học hạn chế thấp nhất sử dụng máy điều hòa trong phòng học. Nếu cần thiết thì sử dụng ngắt quãng.
Về các trường hợp nhân viên y tế không hợp tác, chưa nhiệt tình với các trường trong xử lý, phòng dịch, lãnh đạo Sở Y tế hứa sẽ chấn chỉnh ngay. Đồng thời, đề xuất tới đây hai sở sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát nắm bắt dư luận để kịp thời chấn chỉnh công tác phòng dịch với các cơ sở giáo dục…
Yến Hoa
Bình luận (0)