Thống kê đưa ra tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2009 – 2014 tổ chức sáng 21.4 cho thấy, hàng năm, Việt Nam công nhận 41 GS và 255 PGS. Con số này không đủ bù cho số nghỉ hưu trung bình mỗi năm là 866 (gồm 50 GS và 716 PGS).
Trần Hoài Linh, 35 tuổi, giảng viên ngành Điện, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, được công nhận PGS năm 2007
|
Từ năm 2000, mỗi năm, Việt Nam công nhận 3.252 GS và PGS, trong đó có 450 GS và 2.802 PGS.
Ở thời điểm tháng 11/2004, tỷ lệ PGS đang làm việc có tuổi trên dưới và trên 55 xấp xỉ nhau, thì qua 7 đợt xét công nhận chức danh, tỷ lệ này tương ứng với 81,3% (dưới 55 tuổi) và 18,7 %.
Trong cả ngày 21/4, 29 thành viên Hội đồng chức danh GS Nhà nước khóa mới (23 người mới) đã thảo luận về hướng dẫn thực hiện quyết định của Chính phủ về công nhận và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS.
Dự kiến, việc công nhận các chức danh GS, PGS vẫn tính theo thang điểm, tổng hợp từ các chỉ số của bài báo khoa học, sách, chủ nhiệm đề tài hoặc chương trình nghiên cứu khoa học và hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Ban đầu, Hội đồng dự kiến chia 27 ngành theo 2 nhóm và quy định thang điểm. Các ý kiến trao đổi đều cho rằng, việc chia 2 nhóm chưa cần thiết.
Với tiêu chí "chủ nhiệm đề tài khoa học" mức điểm so với quy định cũ giảm đi. Dự kiến người làm chủ nhiệm chương trình cấp nhà nước sẽ được "chấm" với mức điểm cao nhất là 1,5 (trước đây là 2). Đồng thời, bỏ điểm "chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở".
Theo GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐCDGSNN, quy định mới lần này chú ý tới giá trị của các bài báo khoa học, những bài báo đặc biệt xuất sắc được đăng trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu ở trong nước và quốc tế được tính đến 3 điểm, trước đây là 1 điểm.
Với ứng viên PGS, yêu cầu phải chủ trì thực hiện thành công ít nhất 2 đề tài NCKH cấp cơ sở (trước là 1) hoặc 1 đề tài từ cấp bộ trở lên. Quy định này thực hiện từ năm 2011.
GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, so sánh với nước ngoài, việc công nhận chức danh GS, PGS của Việt Nam phức tạp hơn, nên thay đổi theo hướng chính xác, đơn giản hoá.
Quy định mới có thay đổi tốt là đánh giá cao bài báo ở nước ngoài, đồng thời giảm mức điểm "chủ nhiệm đề tài".
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có hơn 1.000 giảng viên dưới 35 tuổi. Việc tiếp cận để làm chủ nhiệm các đề tài khoa học cấp Bộ, Nhà nước rất khó, sẽ khiến cho việc "trẻ hóa" đội ngũ PGS, GS gặp trở ngại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là giai đoạn quá độ thực hiện đưa quyền tự chủ về các trường ĐH.
Dự kiến, chậm nhất trong tháng 5 sẽ ban hành hướng dẫn công nhận, bổ nhiệm chức danh. 31/5 cũng là hạn chót nộp hồ sơ đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS tại các Hội đồng cơ sở.
Hạ Anh (Vietnamnet)
Bình luận (0)