Sẽ có những áp lực đáng kể với lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) nhưng cũng có cách giải tỏa tâm lý này theo ThS. Phạm Doãn Nguyên.
Đầu năm mới, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) thông qua Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã gửi đến những sĩ tử sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 một số thông tin định hướng để việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi và xét tuyển ĐH đạt kết quả tốt.
Chủ động chuẩn bị, thích ứng, làm quen…
+ Phóng viên: Thưa ông, năm 2025 là năm mà cả nước có lứa học sinh đầu tiên thi và xét tuyển vào ĐH theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo ông, các em có thể gặp phải những áp lực gì?
– ThS. Phạm Doãn Nguyên: Như chúng ta đã biết, năm vừa qua, học sinh cả nước đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Và bắt đầu từ 2025, với chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng chú trọng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh thì học sinh sẽ tham dự một kỳ thi với rất nhiều đổi mới.
Cụ thể như thời gian thi rút ngắn còn 3 buổi thay vì 4 buổi như trước đây. Thí sinh thi 2 môn bắt buộc gồm ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Cấu trúc đề thi cũng có những thay đổi, dạng thức câu hỏi theo hướng tăng cường tính phân hóa của đề thi tất cả các môn để đạt được những mục tiêu của kỳ thi như trong phương án Bộ GD-ĐT đã công bố.
Trước những cái mới, bao giờ học sinh cũng sẽ có những áp lực, chẳng hạn như chưa quen với cấu trúc đề thi có thể dẫn đến phân bổ thời gian làm bài chưa hợp lý… Chính vì vậy, điều cần thiết là các em cần có sự chuẩn bị kỹ về mặt kiến thức lẫn tâm thế. Quá trình ôn tập cũng nên dựa trên tìm hiểu để có sự định hướng thông tin nhằm đạt hiệu quả.
+ Với những đổi mới này, nhà trường, giáo viên cần làm gì để hỗ trợ học sinh trong quá trình học, ôn tập để thi, chọn ngành nghề xét tuyển ĐH, theo ông?
– Trong thời điểm này, người giáo viên và nhà trường cần thông tin đầy đủ, chính xác, tư vấn cho học sinh về những thay đổi trong thi kỳ tốt nghiệp THPT cũng như trong xét tuyển ĐH để các em bắt kịp những thay đổi đó, chủ động xây dựng kế hoạch, mục tiêu học tập phù hợp. Đồng thời, giáo viên cần đồng hành, dẫn dắt, định hướng giúp học sinh tập trung vào ôn tập các môn học dự kiến sẽ đăng ký thi tốt nghiệp THPT để đạt kết quả tốt nhất và dùng đăng ký xét tuyển vào ngành học phù hợp.
Chú ý những điều chỉnh, điểm mới trong xét tuyển
+ Ông có thể cho biết những điều chỉnh của các trường ĐH đối với xét tuyển năm nay để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới?
– Với thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới cũng như nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành – trường phù hợp, hiện nay nhiều trường ĐH đã sớm công bố đề án tuyển sinh dự kiến cho năm 2025. Trong đó, các trường vẫn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nhưng có sự điều chỉnh ở tổ hợp môn. Cụ thể, bên cạnh những tổ hợp môn xét tuyển truyền thống như trước đây, nhiều trường ĐH đưa môn học giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ vào các tổ hợp xét tuyển.
Ngoài ra, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta có thể thấy hiện nay Bộ GD-ĐT đang tính toán và dự kiến có thể ngưng thực hiện xét tuyển sớm đối với các trường ĐH. Trong khi thực tế, đây là phương thức xét tuyển rất phổ biến tại nhiều trường. Chính vì vậy, học sinh cần thường xuyên theo dõi thông tin để nắm bắt, cập nhật các quy định mới về đăng ký xét tuyển sớm phục vụ đăng ký xét tuyển cho phù hợp.
+ Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho rất nhiều học sinh THPT trên nhiều tỉnh thành của cả nước, ông đánh giá thí sinh thường mắc phải những hạn chế gì trong việc chọn ngành nghề?
– Chọn ngành nghề theo cảm tính mà thiếu sự tìm hiểu kỹ là “lỗi” đầu tiên thường mắc ở các em. Thực tế, để chọn được một ngành học phù hợp cần sự kết hợp của nhiều yếu tố và phải dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, xem xét. Bên cạnh đó, khá nhiều thí sinh có tư tưởng chọn ngành học dễ kiếm việc làm, có thu nhập cao nhưng lại bỏ qua những yếu tố khác trong đó, có sự phù hợp về điều kiện và năng lực. Ngộ nhận về năng lực, đánh giá quá cao hoặc quá thấp về thực lực, sở trường của bản thân cũng là một yếu tố dẫn đến chọn ngành – trường học không phù hợp, thậm chí mất đi cơ hội thành công ở các em.
Chưa kể, một số phụ huynh khi định hướng nghề nghiệp cho con ít chú ý đến giới hạn năng lực của con, khiến các học sinh ảo tưởng về bản thân hoặc cảm thấy áp lực dẫn đến kết quả không như mong đợi. Để khắc phục những điều này, phụ huynh nên theo sát tình hình học tập cũng như năng lực, sở trường của con, tôn trọng và phân tích cho con nhận thức được khả năng thực sự của bản thân với những đòi hỏi của nghề nghiệp.
Ngoài ra, hiện còn một bộ phận bạn trẻ có thành kiến và đánh giá không đúng về các ngành nghề; đặc biệt là những ngành nặng nhọc, áp lực, vất vả. Các em thích làm thầy hơn làm thợ, chú tâm vào ngành nghề “sang chảnh”… mà không suy xét yếu tố phù hợp với điều kiện bản thân. Việc cha mẹ chọn ngành nghề thay con hiện nay cũng diễn ra khá phổ biến, gây nhiều áp lực cho học sinh, làm các em mất đi động lực học tập, thậm chí đi học với suy nghĩ “học cho bố mẹ” nên không đạt kết quả mong muốn. Thay vì như vậy, cha mẹ hãy nên là người đồng hành, hỗ trợ con trong hành trình học và lựa chọn nghề nghiệp để con phát triển được khả năng.
+ Vậy, cùng với những đổi mới trong chương trình giáo dục, trong xét tuyển ĐH, việc lựa chọn ngành nghề của học sinh hiện nay lẫn trong tương lai nên (hay không nên) có những thay đổi gì?
– Trong xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay, tôi nhận thấy việc lựa chọn ngành nghề của học sinh có ba khía cạnh cần lưu ý. Thứ nhất, học sinh cần chủ động thích ứng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước những đổi mới trong chương trình giáo dục để có thể sử dụng kết quả học tập của mình xét tuyển vào ngành, trường phù hợp. Thứ hai, các em cần xác định rõ việc chọn ngành nghề liên quan đến năng lực, phẩm chất, tính cách, sự yêu thích của bản thân. Dù hiện tại hay trong tương lai, việc các em định vị được bản thân khi lựa chọn nghề nghiệp, tham gia vào thị trường lao động… đều rất quan trọng.
Thứ ba, có thể thấy các ngành đào tạo hiện nay có tính liên ngành và xuyên ngành cao; học một ngành làm nhiều nghề và công việc. Ngược lại, cùng một nghề và công việc thì có thể nhân lực của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng làm được. Vì vậy, học sinh cần tìm hiểu kỹ về triển vọng nghề nghiệp để có kế hoạch và lộ trình phát triển nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.
+ Trân trọng cảm ơn ông!
Thục Trân (thực hiện)
Bình luận (0)