Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phố “ông đồ” chờ người mua chữ

Tạp Chí Giáo Dục

 
“Tiểu đồ nương” Thanh Thảo ở Phố ông đồ Cung văn hóa Lao động – Ảnh: H.Đ.N

Một nét văn hóa không thể thiếu ở TP.HCM trong những ngày giáp tết là sự nhộn nhịp đầy màu sắc của những phố ông đồ. Cảnh người chen nhau mua chữ, mua đôi câu đối về treo đón tết đã trở nên quen thuộc.

Năm nay Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM) dành hẳn khu mặt tiền để tổ chức “Phố ông đồ” với sự quy hoạch khá nghiêm túc, không còn cảnh nhếch nhác, chật chội và chất lượng các ông đồ không “vàng thau lẫn lộn” như mọi năm. Tết năm rồi có tất cả 54 ông đồ “bày binh bố trận” ở đây, năm nay rút lại chỉ còn khoảng 30 vị tay nghề “xịn”. Lối vào bãi gửi xe cũng đã được chuyển qua cổng 37 Nguyễn Thị Minh Khai để phố ông đồ thông thoáng hơn.

Ông đồ Hoa Nghiêm “trấn” ngay ở cổng chính – một vị trí khá đắc địa – cho biết: “Nhờ các gian hàng đã rộng rãi, thông thoáng nên cảnh chen chúc nhau không còn, các ông đồ cũng có thể mời khách ngồi, lắng nghe ý kiến của khách rồi tư vấn cho họ nên chọn câu chữ nào cho thích hợp, đúng với ý tưởng của họ”.

Thế nhưng khách đến mua chữ vẫn còn ít. Chỉ đúng một tuần nữa là tết rồi mà các ông đồ ở đây dù không đến nỗi “Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu”, nhưng cũng ngồi nhìn nhau mà ngáp vặt. Ồn ào, khuấy động được một lúc là những nhóm thiếu nhi ở đâu ào tới, đặt viết những câu tặng cha, mẹ trên những mảnh giấy hồng nho nhỏ giá 20.000 đ/tờ. Có những em chắc là không đủ tiền nên xé giấy tập nhờ ông đồ viết lên đó… Ngồi bên phải cổng chính, cạnh bên Hoa Nghiêm, ông đồ Dương Minh Hoàng cho biết mọi năm khách chỉ tập trung về 2  điểm Phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên và Cung văn hóa Lao động, nhưng năm nay do điểm viết của các ông đồ tự phát mọc ra như nấm nên đã san sẻ khá nhiều khách mua chữ.

Nhộn nhịp hơn, dù chỉ là vẻ bên ngoài, là “Phố ông đồ” ở Cung văn hóa Lao động. Phố này chiếm hẳn khu mặt tiền bên ngoài tường rào Cung văn hóa với 35 gian hàng thư pháp. Phố ông đồ ở đây chỉ mới được tổ chức gần đây cho nên lôi kéo được sự hiếu kỳ của nhiều du khách nhưng phần đông chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, họ ghé nơi này, nơi kia xem một tí.

Điều đáng ghi nhận ở các phố ông đồ là năm nay có nhiều nội dung phong phú: chữ không chỉ được viết lên giấy mà còn được khắc lên gỗ bằng hình thức thư pháp đại tự (chẳng hạn chữ Hoa Nghiêm, khắc gỗ Trần Quốc Au). Bên cạnh các ông đồ viết chữ còn có các họa sĩ vẽ chân dung, rồi thiệp xuân, đá cảnh, móc khóa, quà lưu niệm có viết thư pháp. Có cả nhà sư – thư pháp gia viết những câu thiền hoặc Phật pháp. Đặc biệt có những “tiểu đồ nương” còn rất trẻ nhưng cũng khăn đóng, áo dài viết thư pháp như: Nguyễn Ngô Xuân Phương (SV năm 2 ĐH Kiến trúc), Thanh Thảo (SV năm 1 ĐH  KHXH&NV)…

Trao đổi chữ qua song sắt

Một “phố ông đồ” tự phát nhưng vốn đã thành truyền thống từ hơn 10 năm nay là hè phố bên góc trái giao lộ Trương Định – Điện Biên Phủ (Q.3). Mọi năm, ở đây rất nhộn nhịp nhưng hôm 24.1 tôi ghé vào đây lúc đúng ngọ thì thấy vắng ngắt, chỉ có một hàng các ông đồ ngồi đợi khách. Nghĩ là mình đến không nhằm vào “giờ vàng” nên hôm sau tôi trở lại lúc 10 giờ sáng: cảnh tượng thật vắng vẻ, mọi hoạt động của phố thư pháp này đều diễn ra bên trong dãy song sắt của hàng rào bên hông trường Nguyễn Thị Minh Khai. Nhà thư pháp quen thuộc Bùi Hiến nhìn tôi cười mà miệng méo xệch: “Mới bị Đội Quản lý đô thị – Công an phường 7, quận 3 “hốt”. Tôi bị lấy hết 4 khung kiếng! Bây giờ cả dãy này không ông đồ nào dám treo câu đối ngoài hàng rào nữa mà phải treo bên trong. Nếu có khách, thì khách ở ngoài hàng rào, còn ông đồ ở bên trong, trao đổi qua khe song sắt như là ở tù!”. Vừa nói Bùi Hiến vừa chỉ cho tôi ông đồ trẻ tên Hải (sinh viên kiến trúc) đang thập thò bên một gốc cây sau hàng rào.

Mọi năm ở đây có đến mười mấy ông đồ tụ về, mà Bùi Hiến là một trong những ông đồ “ăn nên làm ra” nhất, có năm anh trúng đậm đến mấy chục triệu. Năm nay thì chỉ còn 6 ông đồ trụ lại ở giao lộ này để trải chiếu viết cho có không khí rồi than thở “Đã ế dài mặt lại còn bị “hốt” nữa!”.  

 Hà Đình Nguyên (Theo TNO)

Bình luận (0)