Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Phố Tây giữa lòng thành phố Nha Trang

Tạp Chí Giáo Dục

Giữa lòng thành phố Nha Trang có một khu vực, mà người dân thành phố hay gọi đó là khu phố Tây, bởi khu vực này có nhiều người nước ngoài và có những nét văn hóa đặc trưng mang phong cách rất “Tây”

Phố Tây ở Nha Trang tuy không sầm uất và ồn ào như phố Tây Phạm Ngũ Lão ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại mang những nét đặc trưng riêng. Con đường hẹp của khu Quân Trấn đã được mở rộng, với những dãy hàng, quán mang tên tây, Việt lẫn lộn. Từ đường Hùng Vương, dạo một vòng qua đường Trần Quang Khải, nối với những con đường Nguyễn Thiện Thuật và Biệt Thự… đã tạo nên một khu phố Tây rất Nha Trang.

Điểm đặc biệt khiến Phố Tây Nha Trang khác hẳn những phố Tây ở thành phố Hồ Chí Minh, Hội An, hay Hà Nội, chính là chỗ chủ nhân của những quán ăn, nhà hàng, shop quần áo… lại là những người nước ngoài. Mỗi quán đều mang một cái tên, một quốc tịch khác nhau, với nhiều màu sắc văn hóa, từ Á đến Âu.

Đến thành phố biển đã được 2 năm, anh Enricko, người Đức quyết định ở lại Nha Trang. Anh và vợ mở nhà hàng Tây Ban Nha có tên La Manda trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Không chỉ là để kinh doanh, nhà hàng này còn là một nhịp cầu nối liền những người bạn cũ, và mới của anh ở Nha Trang này. Anh Enricko cho biết: “Vợ tôi là người Hà Nội gốc, cả gia đình tôi đều thích sống ở Việt Nam. Chúng tôi đã quyết định mở nhà hàng Tây Ban Nha”.

Giá cả ở các hàng quán ở khu phố Tây này cũng khá dễ chịu. Các món ăn Âu, Á, hải sản… có giá cả phải chăng được khá nhiều khách nước ngoài ưa chuộng vì vừa miệng, và quan trọng hơn cả là hợp túi tiền. Khu phố Tây này ngày càng thu hút đông khách nước ngoài đến đây trọ, ăn uống, lựa chọn dịch vụ du lịch, mua sắm, thư giãn, giải trí…

Ông Dmitry Glyzlov, người Nga cho biết, nơi đây rất thân thiện và ông có thể gặp gỡ bạn bè đến từ các nơi trên thế giới. Đến đây, ông được giao lưu với những người bạn có cùng sở thích là yêu biển, thích phiêu lưu.

Nhập gia tùy tục. Để có thể sống dễ dàng hơn giữa một cộng đồng người Việt, những ông Tây, bà đầm ở khu phố tây này đã trang bị cho mình vốn tiếng Việt kha khá, thậm chí có người nói rất sõi. Họ còn có một cái tên Việt Nam do những người bạn, những người hàng xóm Việt đặt cho và rất tự hào về cái tên ấy.

Ông Barry Cohan đến khu phố này để tìm cho mình chút không khí thân quen ở quê nhà. Và nhất là tìm được những người có cùng ngôn ngữ, để được nghe, được nói, được trò chuyện bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. Và không chỉ có Barry Cohan, những người nước ngoài khác khi đến Việt Nam làm việc hay du lịch đều có những nhu cầu ấy. Chính vì thế, ở khu phố này, hàng loạt các bar, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, tập thể dục, và các quán ăn tây, như: Ý, Nga, Tây Ban Nha, Đức… mọc lên san sát.

Anh Hàn Quốc Tín, quản lý quán bar “Why not bar” cho biết, khách đến quán bar thường không biết nhau nhưng sau khi trao đổi, trò chuyện ở đây họ trở nên thân thiết với nhau.

Ở khu phố này, người Việt và những người ngoại quốc, tuy mang nhiều quốc tịch khác nhau, như: Đức, Australia, Anh, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng sống với nhau rất thân thiện, chan hòa. Họ sẵn sàng giúp đỡ nhau mỗi khi có việc, nhiều người còn thường xuyên đi làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo người Việt và những người nước ngoài gặp khó khăn khi đến Việt Nam. Khu phố Tây Nha Trang giờ đây đã trở thành một địa điểm quen thuộc của du khách nước ngoài. Và hơn thế nữa, nó đã trở thành quê hương thứ 2, ngôi nhà thứ 2 của những người nước ngoài chọn Nha Trang làm nơi sinh sống./.

Phong Minh (VOV News)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)