Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phó thủ tướng, Bộ trưởng bộ GD – ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Học làm người trước khi học lấy chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng ngàn câu hỏi của người dân trong cả nước và kiều bào, du học sinh ở nước ngoài đã được gửi tới Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong cuộc đối thoại trực tuyến với chủ đề “Giáo dục – đào tạo Việt Nam trước thềm năm học mới” qua cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 31-8.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM sáng 31-8-2009 – Ảnh: MAI VINH
Trong cuộc đối thoại trực tuyến với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chiều 31-8, một giáo viên đặt câu hỏi: “Những việc mà ông cho rằng mình đã làm thành công?”. Phó thủ tướng nói: Đó là chuyển biến rõ rệt trong việc khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử; xác định lại yêu cầu giáo dục đối với học sinh phổ thông “học để làm người trước khi học lấy chữ nghĩa”, trong đó người thầy phải là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”…
Đây là lần đầu tiên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đối thoại trực tuyến rộng rãi với nhân dân trong lĩnh vực GD-ĐT.
Đổi mới phương pháp từ giáo viên
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi giao lưu – Ảnh: việt Dũng
Trong số 75 câu hỏi chọn từ 2.500 câu hỏi được chuyển cho Phó thủ tướng – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, có trên 30 câu hỏi được trả lời trực tiếp liên quan đến những vấn đề: đổi mới quản lý giáo dục, chất lượng giáo dục, chế độ đãi ngộ với giáo viên, giảng viên, hiệu quả của những cuộc phát động của bộ trưởng đã và đang làm, cơ chế thu hút nhân tài và đáp ứng nhu cầu nhân lực…
Vĩnh Hà
Chất lượng giáo dục là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân nhất. Đặc biệt, nhiều câu hỏi xoáy vào vấn đề tại sao Bộ GD-ĐT đã thực hiện nhiều dự án đổi mới, cải cách giáo dục, phát động nhiều cuộc vận động, phong trào đổi mới phương pháp nhưng chất lượng giáo dục trên thực tế chưa được cải thiện.
Là một giáo viên, ông Mai Xuân Quang đề nghị: “Phó thủ tướng có thể đánh giá hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy học đã tiến hành mấy năm nay không?”. Câu hỏi này được Phó thủ tướng chuyển cho Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải đáp.
Ông Hiển đánh giá: “Từ năm 2002, giáo dục phổ thông đã tiến hành đổi mới chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường trang thiết bị cho công tác dạy học… Tuy nhiên, nhìn lại việc đổi mới phương pháp chưa đạt được yêu cầu như mong muốn”. Ông Hiển cam kết: “Trong năm học này, bộ chỉ đạo mỗi giáo viên phải có một đổi mới cụ thể trong giảng dạy, vận dụng lý thuyết dạy học tiên tiến vào trong dạy học”.
Nữ sinh viên 22 tuổi Nguyễn Thị Trang, đang học tập tại Mexico, đề cập chất lượng dạy và học hai môn lịch sử, ngoại ngữ với dẫn chứng môn lịch sử không hấp dẫn học sinh. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho hay: năm học vừa qua, ngành giáo dục đã chỉ đạo khoảng 40 tỉnh thành trong cả nước tổ chức hội thảo tại địa phương về đổi mới việc dạy học các môn văn, lịch sử, địa và giáo dục công dân. Qua đó, các thầy cô giáo trao đổi cách dạy để làm cho môn học sinh động hơn.
Năm học này, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương có di tích lịch sử quốc gia xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa trên mạng cho địa danh đó. Ví dụ Sở GD-ĐT Điện Biên phải xây dựng dữ liệu liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ. “Về cách dạy, từ năm học này, trong vòng hai năm sẽ chấm dứt cơ bản việc dạy theo hình thức đọc – chép. Tinh thần là truyền đạt sự kiện, quá trình, phân tích bài học chứ không phải thuộc lòng. Cách ra đề thi cũng không đòi hỏi thuộc lòng mà hiểu sự kiện, ý nghĩa của sự kiện tại thời điểm đó và đến bây giờ” – ông Nhân khẳng định.
Đột phá trong quản lý giáo dục
Ông Nguyễn Văn Nam (54 tuổi, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự) nêu câu hỏi: “Với mục tiêu nâng cao chất lượng GD-ĐT, theo Phó thủ tướng, chúng ta cần giải quyết khâu nào là then chốt mang tính chất quyết định để nhanh chóng đạt được kết quả tốt nhất?”.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân giải đáp: “Trước tiên, xác định mục tiêu chương trình giáo dục, kế đó là hệ thống sách giáo khoa, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, tiếp theo là lực lượng đội ngũ giáo viên gồm cả quy mô, số lượng và chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó là phương thức tài chính cho giáo dục: Nhà nước tài trợ như thế nào, đóng góp của người dân đến đâu? Điều rất quan trọng là sự quản lý của Nhà nước đối với chất lượng giáo dục”. Theo Phó thủ tướng, “muốn quản lý chất lượng giáo dục, chúng ta còn cần dựa vào những chỉ số về chất lượng và giám sát chỉ số đó. Để làm được điều này, chúng ta cần những cơ quan chuyên trách. Từ năm 2008 đến nay, 63 tỉnh thành đã có phòng khảo thí và đánh giá chất lượng.
Đó là một bước chuyển biến trong quản lý chất lượng”. Đồng thời, theo Phó thủ tướng, để đảm bảo chất lượng như đã nêu cần chuẩn hóa: chuẩn hóa về chương trình, về sách giáo khoa, chuẩn hóa đội ngũ thầy cô giáo, chuẩn hóa phương tiện đào tạo… Đặc biệt chúng ta ngày càng cần chuẩn hóa công tác quản lý.
Ông Nhân thừa nhận: “Chính sự hạn chế, yếu kém trong quản lý là khâu tắc nghẽn nặng nề nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, nếu nói khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục thì đó chính là đổi mới quản lý nhà nước đối với hệ thống GD-ĐT”. Theo Phó thủ tướng, trong số những giải pháp ngành giáo dục cần thực hiện thời gian tới để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục thì đổi mới quản lý chính là khâu đột phá.
Giảng viên ĐH, PGS.TS Trịnh Quang Vinh nêu một câu hỏi khá thẳng thắn với ông Nguyễn Thiện Nhân: “Các vị bộ trưởng tiền nhiệm đều có những chương trình, dự án đổi mới, cải cách giáo dục. Vậy bộ trưởng đã có những đánh giá sâu sắc về sự thành bại của họ trong quá khứ để xây dựng các dự án hiện nay không?”. Phó thủ tướng thừa nhận “đây là một câu hỏi khó”.
Cuối cùng ông trả lời: “Chúng tôi trong quá trình làm chiến lược giáo dục, khởi động từ năm 2007 cũng phân tích mặt được và những mặt chưa được của ngành giáo dục, lúc đó chúng tôi có rút ra một số bài học như sau: Đó là GD-ĐT là ngành đặc thù, không thể ngừng hoạt động đào tạo lại để lo cải tiến chất lượng giáo dục được, mà phải vừa làm vừa đổi mới. Do đó, chọn khâu đột phá đủ sức giúp ngành giáo dục tập trung giải quyết có kết quả trong thời gian ngắn, kết quả đó sẽ lan tỏa sang lĩnh vực khác…”.
THANH HÀ (TTO)
Thư của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đất nước cần nhiều trí thức, lao động có tâm, đức, kỹ năng
Sáng 31-8, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM.
Trao đổi với tập thể thầy cô và học sinh trường, Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn đã tiên phong trong việc “đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục”, cải thiện môi trường học tập, thầy cô không ngừng nâng cao trình độ tiếp cận mô hình giảng dạy mới, trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để học sinh có điều kiện phát triển năng khiếu và tự tin.
Ông nhắn nhủ học sinh cần xác định thái độ học tập đúng đắn, đổi mới phương pháp học tập, rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, giao tiếp, bình luận và đặc biệt học tốt môn ngoại ngữ.
Trường THPT Lê Quý Đôn trong hai năm liền có học sinh đỗ tốt nghiệp 100%, 85% học sinh đậu đại học.   
T.HÀ – PHÚC ĐIỀN
Thư của chủ tịch nước  Nguyễn Minh Triết: Đất nước cần nhiều trí thức, lao động có tâm, đức, kỹ năng (*)
Nhân ngày khai giảng năm học mới và ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, tôi thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công nhân viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh – sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục – đào tạo tiếp tục được mở rộng. Ngày càng nhiều địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở.
Năm qua cũng đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giáo dục cũng như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy và học tập. Chất lượng và hiệu quả giáo dục có tiến bộ, đặc biệt là về giáo dục đạo đức, pháp luật, giáo dục lý tưởng, ý chí, hoài bão để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn ở các bậc học, cấp học đều tăng. Phần lớn các địa phương đều có thêm trường khang trang, nhất là ở vùng sâu vùng xa, điều kiện dạy và học của thầy và trò từng bước được cải thiện… Đây là những kết quả quan trọng góp phần nâng cao dân trí, giáo dục công dân, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng, nỗ lực và những thành tựu của ngành giáo dục, đặc biệt là các tập thể, cá nhân đi đầu trong các cuộc vận động lớn và các phong trào thi đua của ngành, biểu dương các nhà giáo đang công tác ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đất nước ta đang cần có nhiều hơn nữa những trí thức, lao động có trình độ, có tâm, đức, có kỹ năng và bản lĩnh hội nhập. Giáo dục – đào tạo có vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này, phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của ngành, đặc biệt là việc thực hiện kết luận 242-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai Nghị quyết T.Ư2 (khóa VIII) và phương hướng phát triển giáo dục-đào tạo đến năm 2020.
Tôi hoan nghênh ngành giáo dục phát động chủ đề cho năm học 2009-2010 là “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.
 Mục tiêu này phải được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động và phải trở thành hiện thực trong năm học mới. Các nhà quản lý giáo dục, các thầy, cô giáo và các em học sinh – sinh viên hãy phát huy các thành tựu, khắc phục yếu kém, cố gắng hơn nữa, nỗ lực và quyết tâm hơn nữa; hãy dấy lên phong trào thi đua mới trong giảng dạy và học tập theo hướng chất lượng, hiệu quả, toàn diện, phấn đấu thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra cho năm học  2009-2010 và những năm tiếp theo.
(*) Tít do Tuổi Trẻ đặt.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)