"Mới đây, Bộ Chính trị đã có nghị quyết không duy trì những trường đại học kém chất lượng".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời như vậy trước câu hỏi "làm sao để đảm bảo chất lượng trước thực trạng, trong một thời gian ngắn, có quá nhiều trường ĐH ra đời, hầu như tỉnh nào cũng có trường ĐH" của sinh viên Nguyễn Hữu Chỉnh trong buổi đối thoại với giới trẻ trên truyền hình tối 24/9.
Phó Thủ tướng đang nghe câu hỏi từ khán giả
|
Theo Phó Thủ tướng, việc mở trường ĐH xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của xã hội.
"Nếu không có nhu cầu thì trường mở ra không ai học cả. Mặt khác, quản lý Nhà nước yêu cầu tăng số người học để phục vụ phát triển kinh tế".
Nhắc lại quy chế mở trường, song người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhận thấy "nhiều trường sau khi cấp phép lại không có đủ, đúng lượng giảng viên như khi làm thủ tục. Thứ nữa là khâu kiểm tra còn yếu kém
Tiếp tục cuộc đối thoại, Thu Giang – giảng viên trẻ ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội chia sẻ tâm sự của một sinh viên năm 3: “Học ở ĐH như đi cày không có trâu. ĐH cung cấp tất cả hay chỉ vừa mới chạm vào kiến thức đã ra trường rồi? Và mọi thứ chấm hết chẳng có gì ngoài một tấm bằng. Vào đại học với bao nhiêu kỳ vọng, ra trường rồi chỉ thấy bơ vơ”.
Theo Phó Thủ tướng, “chỉ có thể trách các em một phần, bởi sinh viên là sản phẩm của gia đình, xã hội. Trước khi vào đại học, nếu xác định học lấy một nghề, có thể tự lập thì sẽ vui vì lúc đó các em sẽ dựa vào năng lực của mình. Đây là một quá trình mà ngành giáo dục và các tổ chức phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này”.
Với giảng viên Thu Giang và MC chương trình
|
Trở lại với chủ đề của buổi đối thoại, mục tiêu "học để làm gì", Thu Giang đưa ra mô hình ngôi nhà với "4 trụ cột" mà UNESCO nêu: học để biết, để làm, để chung sống và để làm người.
"Ở Việt Nam, tôi chỉ thấy chúng ta học để biết, làm việc còn học sống chung với nhau, học để làm người còn được thể hiện quá ít ở trong sách giáo khoa, phương pháp học tập và cách giảng dạy của giáo viên” – Giang nhận xét.
“Con người chỉ có thể sống chung khi biết cách bảo vệ quan điểm và chấp nhận quan điểm người khác ngược với mình. Làm điều mình tin, tin điều mình làm, mở ngỏ việc thừa nhận sai và sửa sai cộng với kiến thức, hiểu biết tôi tin là chúng ta có thể chung sống và làm người được rồi”.
Chia sẻ với quan điểm của đồng nghiệp trẻ, người đứng đầu ngành giáo dục nói: “Chúng ta học trước hết để biết, biết song phải hành động. Biết từ đó mới định hướng cho cái biết. Ví như trẻ con biết đánh răng, biết cái nào ăn được, cái nào không, biết có điện thì không sờ tay vào. Cái biết đó giúp ta tồn tại với tư cách là con người. Mà làm người thì phải có gia đình, làng xóm. Phải học để chung sống cho tốt. Biết, làm người và chung sống là một trục.
Còn học để làm, tức học để có một nghề, nhiều khi chưa chắc đúng nghề. "Có thể sau này cái mình học không được làm nên phải học tiếp để làm việc khác nữa".
Phụ huynh và nhà trường phải nói chuyện với nhau
"Chúng cháu phải nhiều quá, nghỉ hè cũng phải học. Cháu mệt lắm. Bác có cách nào giúp cháu học ít mệt hơn không ạ?”.
Đón nhận câu hỏi của em HS tiểu học trường Kim Liên (Hà Nội), bằng nụ cười tươi, Phó Thủ tướng cho biết: Thiết kế chương trình giáo dục cho các bậc học không quá “căng”. Song chính tâm lý muốn con mình phải đứng đầu, vượt lên trên so với các bạn khác vô hình đã khiến cho bố mẹ ép con cái học.
Ông đề xuất cần có những cuộc thảo luận trên lớp giữa các em, bố mẹ cùng các thầy cô để các em được nói ra suy nghĩ của mình.
“Cha mẹ không nên đặt yêu cầu cho các em đứng vị trí thứ mấy trong lớp mà nên đặt yêu cầu các cháu làm thế nào tiến bộ hơn so với khả năng của các cháu là được”.
“Thầy cô và nhà trường cũng phải lưu ý phương pháp dạy. Không phải trong sách giáo khoa có gì dạy hết mà nên dạy có trọng tâm, gợi mở".
|
Đỗ Đức – Văn Chung (Vietnamnet)
Bình luận (0)