Có 12 câu hỏi (theo "tiết lộ" của MC Lê Anh) liên quan đến vấn đề tình yêu thời sinh viên dành cho Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trong buổi đối thoại với sinh viên tối 15/2.
Phó Thủ tướng không ngần ngại thổ lộ: “17 tuổi tôi vào bộ đội, 18 tuổi đã yêu rồi” khiến cả hội trường vỗ tay trước sự thành thật này. Ngập ngừng 1 lát, câu trả lời tiếp theo “10 năm sau tôi cưới vợ, nhưng tôi vẫn cưới người đó” lại nhận được những tràng pháo tay không ngớt.
Khi MC Lên Anh hỏi về bài hát yêu thích nhất thời trẻ, ông đùa: “Tôi sẽ nói theo kịch bản hay nói theo đúng sở thích của mình?”.
Sau khi tự tin thể hiện bài hát “tủ" Thuyền và biển, ông Nhân "nhường" các "thắc mắc tình yêu" cho Thứ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Đỗ Quý Doãn.
Thứ trưởng Doãn vui vẻ: “Nếu không yêu thời kì này sẽ rất tiếc! Nhưng quan trọng nhất là các bạn yêu như thế nào, yêu vẫn học tốt, yêu lành mạnh, chung thủy để quãng thời gian đẹp nhất này không để lại những kỉ niệm đau buồn”.
Trước "xen" thư giãn vào cuối buổi đó, các vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp, sự trở về của lưu học sinh, việc nghiên cứu khoa học… vẫn là những chủ đề "nóng" nhất trong số hơn 20 câu hỏi được lựa chọn đưa ra tại buổi đối thoại kéo dài 2,5 giờ.
Đối thoại với Chính phủ
|
“Để ngồi được ở đây, tôi đã trải qua nhiều thất bại"
Là sinh viên năm cuối, Dương Xuân Trà My (Hà Nội) mở màn buổi chất vấn kéo dài 2,5 giờ bằng câu hỏi: "Chính phủ sẽ làm gì để giúp chúng cháu trong vấn đề việc làm?”. Trong khi đó, một đại biểu đoàn TP.HCM nêu ra khó khăn của sinh viên mới ra trường khi đi xin việc: các doanh nghiệp thường yêu cầu có "1 năm kinh nghiệm"…
"Điều này thì Nhà nước chưa làm tốt”, ông Nhân thừa nhận dù đã viện dẫn có tới 11 hội thảo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hộị, có hơn 600 hợp đồng đã ký kết giữa các trường và doanh nghiệp.
Dù đã viện dẫn có tới 11 hội thảo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội, hơn 600 hợp đồng đã ký kết giữa các trường và doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận: Hiện nay, các nhà trường cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Còn từ phía Nhà nước, các bộ, ban, ngành cũng chưa làm tốt công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực.
Theo ông Nhân, trung tâm dự báo nhân lực quốc gia được thành lập (2008) sẽ là cơ sở để có thông tin cụ thể về các ngành, nghề xã hội đang cần.
Còn với yêu cầu "1 năm kinh nghiệm", thì : "Vấn đề ở đây là kinh nghiệm sống". Phó Thủ tướng chia sẻ: “Để ngồi được ở đây, tôi cũng đã trải qua nhiều thất bại. Sau mỗi lần như vậy, tôi tích lũy cho mình thêm nhiều điều quý báu. Các bạn cũng vậy, cứ cố gắng phấn đấu, học tập và rèn luyện, các kĩ năng sẽ tự hình thành”.
“Anh là con ông nào, cháu bà nào?”
Về phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH), đại biểu Nguyễn Ngọc Quang, ĐH Bách khoa Hà Nội hỏi: “Phong trào sinh viên NCKH phát triển cả về quy mô, chất lượng nhưng kinh phí còn quá eo hẹp, làm hạn chế khả năng nghiên cứu. Chính phủ có giải pháp gì?”
Ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ trả lời: “Quốc hội đã thông qua kinh phí cho NCKH (2%) trong tổng chi ngân sách của nhà nước. So với các nước con số này còn eo hẹp nhưng cũng tạo điều kiện tốt hơn cho những nhà khoa học”.
Bạn Quang cũng đề xuất lập quỹ hỗ trợ sinh viên NCKH do chính Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đứng đầu. “Chúng ta sẽ huy động vốn từ các cơ quan chức năng và các nhà hảo tâm”, Quang nói.
Đại biểu Danh Minh Chánh (Học viện Biên phòng) bổ sung: “Trước khi tiến hành NCKH, nhà trường cần giúp SV tìm hiểu ai sẽ là người hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu này. Sau đó, sẽ mời chính những người đó đầu tư cho nghiên cứu".
Ông Tiến cũng chất vấn lại: “Tại sao thời trước chúng ta có ít người giỏi nhưng lượng người vào các viện nghiên cứu không ít. Hiện tại, lượng người giỏi tăng lên nhưng người nghiên cứu thì giảm đi”.
Đại biểu Phạm Xuân Công (CĐ Điện lực Cao Thắng) thẳng thắn: “Do chính sách đầu tư, ưu đãi chất xám của nước ta còn kém. Nhiều trường hợp, khi SV đem đơn nộp vào viện nghiên cứu, những “đại thụ” ở đó không ai quan tâm đến việc bạn đó đến từ đâu, học gì mà chỉ hỏi: “Anh là con ông nào, cháu bà nào?”. Cơ chế như vậy khiến nhiều người tài cũng ”nản”.
Ông Tiến chia sẻ: “Nhà nước đang tìm cơ chế để ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học. Nhưng NCKH phải bắt nguồn tự sự say mê. Nếu chưa nghiên cứu mà đòi hỏi quyền lợi thì không làm khoa học được”.
Còn về vấn đề “con ông, cháu cha”, ông Tiến không nhắc gì thêm.
Sinh viên tăng 12 lần, chỗ ký túc xá tăng 1,5 lần
Đại biểu Nguyễn Thị Phương Duyên đến từ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp TP HCM thì chất vấn, chính phủ làm được gì khi số lượng sinh viên ngày càng tăng trong khi khả năng đáp ứng ký túc xá cho SV giảm, còn thuê nhà bên ngoài rất không an toàn.
Phó Thủ tướng nói, số SV năm 2008 tăng 12 lần so với năm 1986, trong khi chỗ trong ký túc xá chỉ tăng 1,5 lần. Chính phủ đã có chương trình đầu tư xây dựng KTX nhưng Bộ GD-ĐT chưa tham mưu tốt, còn các trường thì chưa coi trọng vấn đề KTX.
Cuối tháng 3, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ chương trình xây dựng KTX trong cả nước, xây dựng chuẩn nhà trọ để nhân dân đầu tư, kinh doanh nhà trọ có hiệu quả dưới sự giám sát của nhà nước”.
Học phí sẽ tăng, mức vay vẫn "đứng"
Câu chuyện học phí lại một lần nữa được làm "nóng" khi đại biểu Trần Văn Thuật (TP.HCM) hỏi: “Giáo dục, Y tế là 2 lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất. Kinh tế tăng trưởng, ngân sách tăng nhưng học phí cũng tăng. Điều này có mẫu thuẫn với định hướng của Nhà nước?”
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bình tĩnh: Khung học phí của các trường công lập 10 năm nay không tăng. Ở nước ta, chỉ có 36,7% là tiền do dân đóng góp cho giáo dục. Năm 2006, tổng học phí chỉ chiếm 6,7% số chi cho giáo dục. Chi tiêu cho giáo dục ngày càng tăng, nên tăng học phí là điều khó tránh khỏi.
Còn đại biểu Đỗ Minh Tùng đến từ ĐH Hải Phòng băn khoăn về mức vay vốn tín dụng: “Mức vay 800 ngàn/tháng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Liệu sinh viên có được vay thêm?"
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội cho biết mức vay này chỉ là hỗ trợ chứ không phải đáp ứng tuyệt đối nhu cầu của một sinh viên và Ngân hàng chưa có ý định tăng lên.
"Lưu học sinh là đại sứ"
"Trong cải cách giáo dục, vai trò của sinh viên trong nước và sinh viên đi du học như thế nào? Có cơ chế, chính sách gì để thu hút trí tuệ của du học sinh?”, đại biểu Đặng Tiến Đức, du học sinh VN tại Singapore đặt vấn đề.
Ông Nhân nói: “Các bạn du học sinh VN phải tự tìm đường về với tổ quốc để phục vụ tổ quốc, bất kể khi nào có thể, bạn muốn. Các bạn là đại sứ cho tri thức, con người Việt Nam. Vai trò quan trọng của các bạn trong cải cách, nâng cấp hệ thống giáo dục là điều rất rõ”.
Đại biểu Trần Ngọc Oanh, chủ tịch hội SVVN tại Pháp chất vấn: “Chính phủ sẽ quản lý, tập hợp các lưu học sinh VN tại các nước như thế nào?”
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Trước đây, tại các nước có lưu học sinh VN đều có một ban quản lý. Nhưng sau đó, các ban này không còn vì lượng sinh viên giảm. Thời gian gần đây, du học tự túc tăng đột biến, thông qua các Đại sứ quán, chúng tôi cũng sẽ cho lập lại các ban quản lý đó để sinh viên VN tại các nước đều có tổ chức riêng cho mình. Từ phía Bộ GD-ĐT cũng lập Cục đào tạo nước ngoài, chuyên quản lý lưu học sinh VN tại các nước”.
Cẩm Quyên (Vietnamnet)
Bình luận (0)