"Hầu hết người học không có thông tin về chất lượng dịch vụ giáo dục. Nhiều trường quảng cáo tuyển sinh rất rầm rộ, nhưng khi vào học mới biết không phải như vậy", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: TTXVN. |
Chúng tôi trích đăng ý kiến của ông Nhân tại buổi gặp mặt lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục Việt Nam 2009-2020, cuối tuần qua.
Người tiêu dùng phải có thông tin về chất lượng sản phẩm. Vậy trong giáo dục, người học có thông tin về dịch vụ chất lượng? Hầu hết là không có thông tin. Thậm chí ngay cả sinh viên đại học cũng không biết chất lượng trường mình ra sao. Khi ra trường, đi làm rồi mới biết mình học như thế thì làm được gì. Như vậy, nhu cầu tất yếu về cạnh tranh là người học phải biết thông tin về dịch vụ giáo dục.
Không giống như hàng hóa, giáo dục không được thử. Không ai thử học đại học để biết trường nào tốt bởi nếu thử vậy chắc phải học cả đời. Cho nên việc quản lý chất lượng và công khai cho người dân biết là cực kỳ quan trọng. Nếu không làm tốt việc này, người học bị thiệt thòi. Tháng 4/2009, các trường phải công bố số sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp.
Năm nay, ngành thực hiện 3 công khai trong đó có cam kết về chất lượng giáo dục. Do đặc thù nên hiện giáo dục đại học và nghề nghiệp có sự lựa chọn tương đối cao nhưng càng xuống cấp dưới, sự lựa chọn càng ít. Tiểu học, mầm non càng không có sự lựa chọn. Trường nào không có sự lựa chọn cao thì áp lực đổi mới càng thấp bởi không đổi mới vẫn có người đi học. Nhà nước sẽ cấp tiền cho người học, trường không tốt, người học không đến thì trường không có tiền.
Nhiều trường quảng cáo tuyển sinh rất rầm rộ, nhưng khi vào học mới biết không phải như vậy, đóng tiền rồi chẳng lẽ lại rút ra. Do đó, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục, tiền kiểm và hậu kiểm rất quan trọng. Nói chung, người tiêu dùng yếu thế và trong giáo dục người học càng yếu thế, ít khi kiện được cũng như dám kiện nhà trường. Thực ra, đó là sự vi phạm quy luật kinh tế.
Ảnh: Tiến Dũng. |
Trong kinh tế thị trường, Nhà nước phải dự báo nhu cầu để giúp doanh nghiệp giảm bớt tổn thất, rủi ro. Vậy trong giáo dục có cần dự báo nhu cầu? Rất là cần nhưng không có cơ quan nào dự báo. Đầu năm 2009, Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thành lập Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực.
Để giáo dục hoạt động bình thường, phát triển ổn định thì phải có môi trường sư phạm lành mạnh, trật tự kỷ cương. Không có môi trường đó cũng như là mảnh đất không màu mỡ, cây cối không phát triển. Tuy nhiên, nếu học sinh vi phạm lỗi nhỏ cũng bị cho nghỉ học là không được. Ngành giáo dục đang phấn đấu 4 năm lập lại trật tự, kỷ cương trong nhà trường.
Thầy trò quan hệ không trung thực, gian dối thì không có cơ sở để dạy chữ. Đồng thời, phải đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng, có tình thương. Tiêu cực, bệnh thành tích trong ngành làm méo mó, đổ vỡ những nền tảng trên đây. Vừa qua, ngành tập trung vào "Hai không" là để lấy lại nền tảng này, để lấy lại cái gốc.
Người lãnh đạo phải bị đánh giá bởi người chịu lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không bị cấp dưới đánh giá thì nguy cơ quan liêu rất lớn. Do vậy, trong nhà trường, giáo viên phải có quyền và trách nhiệm tham gia đánh giá hiệu trưởng chứ không phải chỉ hiệu trưởng có quyền đánh giá giáo viên.
Khi ngành giáo dục đặt vấn đề sinh viên đánh giá giảng viên, nhiều ý kiến cho rằng đó là trái đạo đức. Nhưng đạo đức là tôn trọng thầy chứ không phải là bỏ quyền này đi. Cần từng bước nâng cao tính chủ động của học sinh, sinh viên.
Đổi mới giáo dục không chỉ dựa vào quy luật của ngành giáo dục mà phải tính tới cả quy luật xã hội, quy luật kinh tế, quy luật quản lý…
5 yếu kém lớn của giáo dục Việt Nam |
– Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông giữa các cấp học và các trình độ đào tạo, trong đó giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. – Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước và thời kỳ đổi mới, chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển số lượng với nâng cao chất lượng. Các trường đại học, cao đẳng tăng mạnh trong khi điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất…. chưa đảm bảo chất lượng đào tạo. – Nội dung, phương pháp giáo dục từ mầm non đến phổ thông đã được đổi mới nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế; chương trình giáo dục đại học chậm đổi mới, chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục. Nội dung, chương trình không thiết thực, nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa phù hợp với nhu cầu và khả năng học tập của học sinh. Phương pháp dạy học theo lối truyền thụ một chiều, ghi nhớ máy móc, không phát huy được tư duy sáng tạo, tinh thần tự học. – Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới. Giảng viên đại học là thạc sĩ, tiến sĩ còn quá ít. Một số nhà giáo còn có biểu hiện vi phạm đọa đức lối sống, làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của người thầy. Chế độ chính sách đối với nhà giáo chưa thỏa đáng, chưa tạo được động lực phấn đấu. – Cơ sở vật chất kỹ thuật của trường còn thiếu thốn, lạc hậu. Đến năm 2007, cả nước còn 11% số lớp học ở tình trạng tạm bợ, cũ nát, nhất là ở vùng sâu vùng xa; thư viện, phòng thí nghiệm, các phương tiện dạy học còn thiếu và lạc hậu, đặc biệt là các trường đại học. |
Tiến Dũng (Theo VNE)
Bình luận (0)