Sáng 21/5/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra việc chuẩn bị kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT ở tỉnh Hải Dương. Tại đây, Phó Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo Bộ GD&ĐT và lãnh đạo địa phương trả lời những vấn đề mà xã hội quan tâm có liên quan đến kỳ thi và những vấn đề do chính Phó Thủ tướng nêu ra.
Hải Dương là tỉnh có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp khá cao – gần 40%. Có ý kiến cho rằng, đó là do có hiện tượng Sở GD&ĐT, các nhà trường đã tư vấn và có phần ép buộc thí sinh lựa chọn cụm thi tại tỉnh để dễ dàng hơn trong việc xét tốt nghiệp. Về việc này, ông Lương Văn Việt, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết: Trước khi có các cuộc tư vấn, hướng nghiệp, vận động thì tỷ lệ thí sinh thi tại cụm tỉnh là 60%, nhưng sau khi tư vấn đánh giá số lượng trở về gần 40%. Ông Việt khẳng định: Không có tư vấn ép buộc đối với thí sinh dự thi. Dù thi ở cụm thi Sở hay cụm thi ĐH thì đều phải làm nghiêm túc theo đúng quy chế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi, có câu chuyện rằng địa phương sẽ tìm cách đãi ngộ thật tốt với giáo viên về trông thi ở địa bàn mình để được châm trước khi trông thi và chấm thi không? Trả lời câu hỏi này, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng khẳng định: Kỳ thi sẽ vận hành theo nguyên tắc kinh phí đủ để bảo đảm tổ chức kỳ thi và không cho phép xảy ra sự việc như câu hỏi đã đặt ra; trách nhiệm giám sát và thực thi là của Ban chỉ đạo thi địa phương với phương châm không gây khó khăn thêm cho thí sinh và phụ huynh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định, xã hội cần phải đặt niềm tin vào các thầy cô giáo: Kỳ thi có giám thị vòng trong, vòng ngoài và chính thí sinh cũng là giám thị. Ông Hùng nói: “Đồi Ngô” là hiện tượng rất cá biệt nên mong xã hội yên tâm ở kỳ thi.
Chỉ đạo về kỳ thi, Phó Thủ tướng nói: Trước kia một năm có 4 kỳ thi, tốn kém chỉ để đạt 2 mục đích là gần như 100% học sinh tốt nghiệp và chọn được 1 nửa số tốt nghiệp vào học ĐH, CĐ. Phó Thủ tướng chỉ đạo, kỳ thi lần này ngoài mục đổi mới chương trình, SGK phải giải quyết được 2 bức xúc của xã hội: Nhiêu khê và thi cử không trung thực. Phó Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không có chuyện bằng cách này cách khác, coi thi hay chấm thi dẫn đến kết quả không đúng sự thực mặc dù năm nay thí sinh không có động lực để tiêu cực do có nhiều sự lựa chọn vào học ĐH hơn.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo: Đề thi phải phân hóa được học sinh và Bộ GD&ĐT phải khẳng định, qua đề thi minh họa và thi thử ở TPHCM vừa qua, để các thí sinh thấy rằng, học bình thường cộng với điểm học bạ là học sinh sẽ tốt nghiệp THPT. Như vậy để bớt áp lực gian lận cho thí sinh.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ muốn đổi mới kỳ thi mạnh hơn nữa, thuận lợi hơn nữa cho nhân dân. Việc gì đổi mới được thì đổi mới mạnh hơn nữa, đúng pháp luật nhưng thật thuận lợi cho dân và đảm bảo kết quả để làm đầu vào cho ĐH-CĐ. Theo Phó Thủ tướng, đổi mới là quá trình liên tục nhưng chắc chắn kỳ thi phải ngày càng bớt nhiêu khê, ngày càng thuận tiện cho dân; đảm bảo nghiêm túc, trung thực, đúng pháp luật.
Theo TPO
Bình luận (0)