Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã gây sức ép mạnh mẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về tình hình nhân đạo ở Gaza trong cuộc gặp hôm 25-7.
Phó Tổng thống Mỹ cho biết bà đã nêu lên mối quan ngại nghiêm trọng của mình về "tình hình nhân đạo tồi tệ" ở Dải Gaza và khẳng định: "Tôi sẽ không im lặng!"
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã gặp Thủ tướng Israel Netanyahu hôm 25-7 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, những phát biểu của bà Harris, với giọng điệu sắc sảo và nghiêm túc, phản ánh sự thay đổi trong cách ứng xử của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden với ông Netanyahu, người đang có mặt ở Washington.
Vài giờ trước đó, ông Biden đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột kéo dài 9 tháng ở Gaza trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với ông Netanyahu kể từ khi ông Biden đến Israel ngay sau khi nổ ra xung đột giữa Hamas và Israel ngày 7-10-2023.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết vẫn còn khoảng cách giữa Israel và Hamas trong nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn nhưng "chúng ta hiện đã tiến gần hơn so với trước đây".
Ông Kirby cho rằng cả hai bên đều phải thỏa hiệp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller cho biết: "Tôi nghĩ thông điệp từ phía Mỹ trong cuộc họp đó là chúng ta cần phải hoàn tất thỏa thuận này".
Trước đó, ông Biden và ông Netanyahu đã gặp gỡ gia đình các con tin người Mỹ bị Hamas giam giữ. Đại diện cho các gia đình nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng họ hy vọng có một thỏa thuận ngừng bắn.
Một ngày trước đó, hôm 24-7, ông Netanyahu đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, trong đó ông bảo vệ các cuộc tấn công của Israel vào Gaza.
Israel tìm cách thay đổi kế hoạch ngừng bắn ở Gaza?
Theo một quan chức phương Tây, một nguồn tin từ Palestine và hai nguồn tin từ Ai Cập nói với Reuters rằng phía Israel đã tìm cách thay đổi kế hoạch ngừng bắn ở Gaza và điều đó đang làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán.
Theo đó, phía Israel dự định buộc những người Palestine đang sơ tán phải được sàng lọc khi họ trở về phía Bắc Gaza, khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Điều này trái ngược với thỏa thuận ban đầu là cho phép những thường dân chạy trốn về phía Nam được tự do trở về nhà.
Phía Israel lý giải cho hành động này là họ lo ngại các thành viên Hamas có thể trà trộn vào đoàn người. Phía Hamas nhanh chóng bác bỏ yêu cầu này.
Một điểm gây tranh cãi khác, theo nguồn tin Ai Cập, là về yêu cầu của Israel muốn giữ quyền kiểm soát vùng biên giới Gaza với Ai Cập, điều mà đã Cairo bác bỏ.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)