Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Phố Wall phục hồi

Tạp Chí Giáo Dục

Sắc xanh trở lại trong phiên giao dịch 31/3 giúp thị trường chứng khoán thế giới có tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 2002.

Chốt phiên cuối tháng, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa tại 7.608,92 điểm sau khi đã tích lũy thêm được 86,9 điểm, tương ứng 1,16%. S&P 500 tăng 10,34 điểm (tăng 1,31%) chốt phiên tại 797,87 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng ghi thêm 1,78% giá trị lên 1.528,59 điểm. Trên thị trường New York, cứ 5 mã cổ phiếu tăng điểm mới có 2 mã quay đầu giảm.

Cổ phiếu nhóm ngành tài chính, ngân hàng phiên này được các nhà đầu tư gom vào nhiều và là động lực chính dẫn dắt thị trường Mỹ đi lên trong phiên ngày hôm qua. Sau những báo cáo kết quả kinh doanh tháng 3 đầy khả quan, nhóm cổ phiếu khối tài chính trên S&P 500 đã có mức tăng 6,7% mạnh nhất trong 10 nhóm ngành công nghiệp trong chỉ số này. Giá cổ phiếu Citigroup và Bank of America tăng 9,5% và 13,1% giá trị.

Chuyên gia Michael Sollitto tại phiên giao dịch 2/3 ở New York. Hôm đó, Dow Jone tuột mốc 7.000 điểm. Ảnh: AP

Trong tháng 3, chứng khoán Mỹ đã có những phiên giao dịch tưởng như là u tối nhất khi các chỉ số giảm mạnh trong 2 tuần đầu và Dow Jones đã tuột khỏi mốc kháng cự 7.000 điểm một cách dễ dàng. Sau những báo cáo kết quả kinh doanh quý I đầy ấn tượng của khối tài chính mở màn là Citigroup, cũng như thị trường nhà đất đang có dấu hiệu ấm trở lại đã kéo chứng khoán Mỹ quay đầu, bật tăng mạnh trở lại trong 2 tuần cuối tháng.

Tính chung cả tháng, Dow Jones đã kịp ghi thêm 7,7% giá trị, Standard & Poor 500 đã tăng 8,5%, mức tăng theo tháng cao nhất của các chỉ số kể từ năm 2002.

Cổ phiếu GM vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị các nhà đầu tư bán tháo, sau phiên trượt giá mạnh 25,4% hôm đầu tuần do những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Obama. Hiện những tranh cãi về khoản cứu trợ từ Chính phủ cho tập đoàn này vẫn chưa có hồi kết. Mã cổ phiếu GM tiếp tục trượt dốc kỷ lục 28,15% được giao dịch tại 1,94 đôla.

Chứng khoán châu Âu chung vui với thị trường Mỹ. Trái ngược hoàn toàn với những diễn biến giao dịch phiên đầu tuần, sắc xanh che phủ hầu khắp các thị trường chứng khoán trong khu vực phiên cuối tháng 3 này. Nhóm cổ phiếu ngành khai mỏ là động lực chính dẫn dắt thị trường sau khi giá kim loại thế giới tăng mạnh những phiên gần đây, khối ngân hàng cũng đóng góp khá vào mức tăng của thị trường phiên này. Chỉ số khu vực Stoxx 600 tăng 3,5% lên 176,46 điểm. Tại London, FTSE 100 phiên này ghi nhận mức tăng kỷ lục 4,4% lên 3.926,14 điểm, mức tăng cao nhất của chỉ số này trong 3 tuần gần đây. Chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX 30 của Đức đóng cửa tăng 3,24% và 2,4% giá trị

Nối tiếp phiên giảm điểm đầu tuần, Chứng khoán châu Á kết thúc ngày giao dịch cuối tháng 3 bằng một phiên mất điểm khá sau khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố dự báo mức tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) là 3,4% trong năm 2009, giảm mạnh so với dự báo hồi tháng 9/2008 là 7,2%, cũng như ảnh hưởng của phiên giảm điểm của chứng khoán Mỹ một ngày trước đó.

Chỉ số MSCI châu Á đóng cửa giảm 1,3% xuống 80,98 điểm. Trong tháng 3 chỉ số này đã tích lũy được 14% giá trị, đưa chỉ số này có tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/1998. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 trượt 1,5% chốt phiên tại 8.109,53 điểm sau khi báo cáo cho thấy chỉ tệ lất thất nghiệp ở đất nước mặt trời mọc đã lên mức cao kỷ lục trong 3 năm qua. S&P ASX 200 của Australia mất 22,3 điểm (giảm 0,6%) xuống 3.582,1 điểm.

Sắc xanh đã bắt đầu trở lại các hàn thử biểu trong khu vực tuy nhiên với biên độ không đáng kể dưới 1%. Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa với mức điểm tăng nhẹ 8,8 điểm tương ứng 0,7% lên 1.206,26 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Sanghai Composite của Trung Quốc đại lục lần lượt có mức tăng 0,9% và 0,6%.

Nguyễn Hùng (VNE)

Bình luận (0)