Giáo viên cần nhẫn nại và am hiểu tâm sinh lý mới giáo dục KNS hiệu quả. Ảnh: N.Trinh
|
Giáo dục kỹ năng sống (KNS) không phải là vấn đề mới nảy sinh gần đây mà nó chính là một nhu cầu quan trọng trong nhân cách con người hiện đại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiệm vụ này hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là giáo dục KNS cho các em học sinh.
Giáo dục KNS không phải chờ con người lớn lên và trưởng thành mà các em cần được trang bị đầy đủ những vốn sống cần thiết từ khi bắt đầu lọt lòng mẹ. Tình yêu thương, sự khoan dung, hòa hợp, biết quan tâm và chia sẻ với mọi người… cũng như nguồn sữa quý nuôi trẻ lớn khôn thêm về nhận thức. Trước hết xin nói về tình yêu thương. Tình yêu thương – theo nghĩa đơn giản của từ này – là năng lực thông cảm với nỗi đau của người khác. Thông cảm với nỗi đau của người khác cũng chính là thông cảm với nỗi đau của chính mình. Tình yêu thương bắt nguồn từ gia đình. Chính gia đình là nơi giáo huấn đầu tiên cho đứa trẻ và bà mẹ nào cũng biết dạy dỗ con từ thuở trong nôi, trong đó có tình thương yêu.
Đây là một tình cảm quý giá và một giá trị nhân văn mà mỗi chúng ta cần hướng tới, gìn giữ và nuôi dưỡng. Tình yêu thương sẽ là ngọn nguồn của sự bao dung. Giáo dục lòng khoan dung cho học sinh là hướng các em gần gũi hơn với mọi người, biết chia sẻ để làm phong phú thêm những giá trị của con người thông qua các nền văn hóa ngôn ngữ và sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Lòng khoan dung có nghĩa là không kiêu ngạo trong các mối quan hệ và cũng được hình thành ngay từ bé. Có sự khoan dung rộng lớn, con người biết bỏ qua và tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm của người khác để duy trì sự hòa bình, hợp tác và thân thiện. Sự thiếu hiểu biết, ích kỷ và nỗi sợ hãi chính là nguyên nhân của thiếu khoan dung. Những thái độ và việc làm khoan dung còn giúp cho cuộc sống bớt căng thẳng, các xung đột được giải quyết một cách hòa bình và làm cho bầu không khí giữa con người trở nên thân thiện, cởi mở. Tuy nhiên, người có lòng bao dung chân chính bao giờ cũng nghiêm khắc với chính mình, rộng rãi độ lượng với kẻ khác, tha thứ cho nhiều người mà không tha thứ cho mình. Nên nhớ rằng, cách cư xử nhân ái của cha mẹ, thầy cô, bạn bè chính là tấm gương đối với trẻ về lòng bao dung độ lượng.
Giáo dục tính hòa hợp cho học sinh là vun đắp tính ổn định, hợp tác tin cậy hiểu biết lẫn nhau và cùng quan tâm đến mục đích chung. Biết chung sống hòa hợp sẽ giúp con người có cơ hội cùng phát triển, tránh được những hiểm họa xung đột, hướng tới cuộc sống hòa bình ổn định. Quan tâm, chia sẻ là những thái độ và hành động thể hiện sự ân cần, thiện chí và giúp đỡ đối với người khác, đặc biệt là những người gặp khó khăn hoạn nạn. Sự quan tâm chia sẻ làm cho tình cảm con người trở nên gắn bó thân thiết hơn. Nó được biểu hiện bằng những cử chỉ, thái độ rất đơn giản và gần gũi trong cuộc sống song lại giúp chúng ta phát hiện được nhiều điều đáng quý ở người khác để trân trọng và học tập. Sự quan tâm, chia sẻ có ý nghĩa hết sức lớn lao trong cuộc sống. Nó là cầu nối giúp mỗi người vượt lên khó khăn, bất trắc và làm cho mối quan hệ giữa con người tốt đẹp hơn.
Mỗi đứa trẻ là một bông hoa, một quả ngọt hay quả đắng tùy thuộc vào sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Dù giới tính trai hay gái nhưng mọi vấn đề, cách cư xử trong cộng đồng rất cần đến tình yêu thương, sự bao dung, sự chung sống hòa hợp và sự quan tâm chia sẻ, che chở. Giáo dục trẻ cần có từng biện pháp và cách thức phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của chúng. Muốn làm được điều đó chúng ta phải biết kết hợp nhiều phương pháp nhưng hãy theo nguyên tắc của nhà giáo dục vĩ đại người Nga và thế giới A.S. Macarenco: “Hãy tôn trọng con người đến mức cao nhất và đòi hỏi con người đến mức cao nhất”. Như vậy để đảm bảo giáo dục KNS có hiệu quả chúng ta phải kết hợp hài hòa các biện pháp với nhau và theo từng bậc học nhằm giúp cho từng cá nhân có thể hướng tới các giá trị đích thực của xã hội. Việc giáo dục KNS thực sự có hiệu quả khi người giáo viên biết kiên trì nhẫn nại, có tâm huyết, am hiểu tâm sinh lý trẻ sâu sắc. Hơn ai hết ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho con cháu, học sinh noi theo. Người lớn luôn gần gũi các em bằng tình yêu thương và lòng khoan dung để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong học tập và cuộc sống. Dù rằng việc giáo dục KNS trong nhà trường hết sức khó khăn, lâu dài nhưng chính vì thế mà đòi hỏi sự tham gia, phối hợp nhịp nhàng của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội để giúp học sinh phát triển toàn diện nhân cách của mình.
TS. Lê Văn Cuộc
(nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lâm, Q.6)
Việc giáo dục KNS trong nhà trường hết sức khó khăn, lâu dài nên đòi hỏi sự tham gia, phối hợp nhịp nhàng của gia đình, nhà trường và xã hội để giúp học sinh phát triển toàn diện nhân cách của mình. |
Bình luận (0)