Học sinh TP.HCM sẽ được học các tiết học về phòng chống tệ nạn ma túy là một trong những nội dung sẽ được Sở GD-ĐT TP.HCM và Công an TP.HCM triển khai tới đây trong kế hoạch phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu và Trung tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TP.HCM cùng ký kế hoạch phối hợp tăng cường phòng chống ma túy trong trường học
Ngày 12-3, Sở GD-ĐT TP.HCM và Công an TP.HCM đã tổ chức lễ ký kết và triển khai kế hoạch phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030.
Tại lễ ký kết, Trung tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định, bảo vệ con em, học sinh, thế hệ trẻ trước hiểm hoạ ma túy là góp phần bảo vệ giống nòi, bảo vệ chủ nhân tương lai của đất nước. Do đó, công tác đấu tranh phòng chống ma túy và tệ nạn ma túy đòi hỏi đặt ra những yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng chuyên trách phải vào cuộc, thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, trách nhiệm và đồng bộ. Việc phòng chống ma túy trong cơ sở giáo dục đòi hỏi phải có sự chung tay, vào cuộc của ban giám hiệu, thầy cô, học sinh, gia đình và chính quyền địa phương.
Trung tướng Lê Hồng Nam nhấn mạnh, tội phạm ma túy luôn lợi dụng địa bàn xung quanh trường học để bán chất gây nghiện
Ông thông tin, thời gian tới, tội phạm ma túy trên thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các tội phạm ma túy trên thế giới sẽ lợi dụng địa bàn Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy, tiền chất ma túy. Các đối tượng phạm tội về ma túy trong nước sẽ liên kết chặt chẽ với các đối tượng nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài để vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam cũng như ra nước ngoài. Tại TP.HCM, các đối tượng sẽ tăng cường các thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi để lôi kéo thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên sử dụng ma túy tổng hợp và các loại ma túy mới thay thế các loại ma túy truyền thống, với mục đích lôi kéo càng nhiều, tiêu thụ càng nhiều thì lợi nhuận càng cao.
Ông nhấn mạnh, công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy phải thường xuyên, liên tục, triệt để, phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình, lực lượng công an, làm sao để học sinh tiếp thu, tiếp nhận được, nhìn thấy và nhận diện được các mối nguy cơ đe doạ có thể băng hoại cuộc đời, thế hệ, tương lai của các em nếu như ma túy xâm nhập vào học đường, lớp học để từ đó ngăn chặn kịp thời. Lực lượng công an phối hợp với nhà trường tổ chức các chuyên đề sâu về công tác tuyên truyền, thực hiện các giải pháp phòng chống ma túy trong học sinh, sinh viên, trang bị cho các em kỹ năng tự vệ, phòng chống được với các tệ nạn ma túy.
Các đại biểu tham dự trong lễ ký kết
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, thời gian qua, TP.HCM đang xây dựng trường học hạnh phúc. Ở đó, mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh trở nên khăng khít hơn, được lắng nghe hơn. Thầy cô lắng nghe, giải quyết các mâu thuẫn giữa học sinh, tạo niềm tin giữa học sinh với giáo viên, phụ huynh với nhà trường, tạo ra không gian, môi trường có mối quan hệ tốt. Từ đó các thông tin, hành vi xấu, độc nhanh chóng bị cô lập, xử lý triệt để.
Tội phạm ma túy luôn lợi dụng địa bàn xung quanh trường học để bán chất gây nghiện Trung tướng Lê Hồng Nam – Giám đốc Công an TP.HCM nêu rõ, các đối tượng tội phạm ma túy luôn lợi dụng địa bàn xung quanh trường học để bán các chất gây nghiện. Ông yêu cầu lực lượng công an phải tăng cường kiểm tra, triệt phá tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy đang nhăm nhe vượt qua cổng trường, xâm nhập vào học sinh, lớp học. Từ đó, lực lượng công an, nhà trường tham mưu chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ…, tạo ra sức mạnh liên kết liên hoàn, tạo ra vòng thép mạnh mẽ, cuốn trôi đi hết các tệ nạn ma túy đang nhăm nhe hướng đến trường học. Ông cũng đề nghị lực lượng công an cần phối hợp với nhà trường đẩy mạnh hoạt động tìm hiểu về giáo dục phòng chống ma túy. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, qua đó sẽ giúp học sinh nâng cao nhận thức, nhận diện được kịp thời các hình thức núp bóng các chất gây nghiện, tiền chất ma túy để có thể tự vệ. Nghiên cứu xây dựng thiết kế bài giảng thiết thực về phòng chống ma túy với nội dung thật sát với đối tượng học sinh, bố trí các giờ lên lớp phù hợp để học sinh tiếp thu được, từng ngày từng giờ nhận biết để tránh xa ma túy. “Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (PC04) là đơn vị chủ trì, phối hợp với Phòng Tham mưu xây dựng tài liệu tuyên truyền, thiết kế bài giảng trong nhà trường, chỉ rõ nội dung để học sinh, thầy cô, gia đình, nhà trường đều nhận diện được các hành vi ngụy trang ma túy núp bóng. Lực lượng PC04 phải tập huấn cho giáo viên để thầy cô nhận diện được ma túy là gì, hêrôin là gì, bởi giáo viên phải nhìn thấy được, nhận diện được thì mới phát ra được những cảnh báo cho học sinh. Công an phường, xã, thị trấn phải làm tốt công tác tuyên truyền để các hộ dân xung quanh trường học cam kết không tàng trữ, không kinh doanh thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc” – Trung tướng Lê Hồng Nam yêu cầu. |
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ TP, ngành giáo dục thành phố đã xây dựng từng cơ sở giáo dục là một Không gian văn hoá Hồ Chí Minh. Ở đó, những gương tốt đẹp, những thông tin tích cực hướng học sinh đến những điều tốt đẹp. Trong nhà trường các hoạt động hướng về cộng đồng giúp học sinh tránh xa các cám dỗ…
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tặng hoa chúc mừng Công an TP.HCM nhân Ngày truyền thống lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (12-3-2024)
Trong lần ký kết sâu rộng này với Công an TP.HCM, ông đề nghị, Phòng Chính trị tư tưởng – Sở GD-ĐT TP là đơn vị tham mưu trực tiếp phải có kế hoạch triển khai để các nội dung ký kết phải thực hiện được sâu, rộng đến từng cơ sở giáo dục. Từng trường phải có kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện đặc trưng từng trường, phối hợp với cha mẹ học sinh tạo thành môi trường lành mạnh để học sinh rèn luyện, học tập. Các trường học, thầy cô phải có nhiều hoạt động để tăng sức đề kháng cho học sinh, kỹ năng tự vệ trước tệ nạn ma túy, phải làm cho học sinh mạnh dạn thông tin với thầy cô, nhà trường nếu phát hiện bạn bè sử dụng ma túy, chất gây nghiện.
“Trách nhiệm của nhà trường là tạo hành lang, không gian an toàn cho học sinh, bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, địa phương, công an các cấp, giúp học sinh có điều kiện học tập, rèn luyện tốt nhất…” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)