Sự trầm lắng trong hoạt động của lĩnh vực du lịch thời gian qua do dịch Covid-19 cũng tạo khoảng “thời gian trống” cho các doanh nghiệp thay đổi tư duy về quản trị nhân lực, thực hiện phát triển nguồn nhân lực thông qua hợp tác đào tạo với các trường.
Sinh viên ngành du lịch Trường ĐH Văn Hiến trong một giờ học với giảng viên
Nhận định này được PGS.TS Ngô Văn Hà (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) nêu ra tại một hội thảo khoa học quốc gia về phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19 do Trường ĐH Văn Hiến phối hợp Sở Du lịch TP.HCM tổ chức vừa qua.
Theo PGS. Hà, đại dịch Covid-19 diễn ra đã làm ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, tới 60% lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm, nhiều người chuyển sang làm nghề khác, nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực sau đại dịch. Trong khi chưa kể, lúc trước đại dịch Covid-19, số lượng nhân lực du lịch của Việt Nam cũng đang còn đang thiếu.
Từ cuối năm 2019, diễn ra đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng sâu sắc, trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là với nguồn nhân lực. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, nhân viên du lịch có người chuyển sang lái xe công nghệ, không ít người thử sức trong lĩnh vực tư vấn bất động sản, bán bảo hiểm, bán hàng trực tuyến trên mạng để kiếm sống.
Không chỉ thiệt hại do đại dịch Covid-19, năm 2020 Việt Nam phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Chỉ trong vòng tháng rưỡi cuối năm, khu vực miền Trung phải chống chọi tới gần mười cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây ra các trận lũ chồng lũ lịch sử khiến ngành du lịch mới chớm gượng dậy từ “bão Covid-19” lại chịu thiệt hại vì thiên tai.
Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nhưng theo PGS. Hà, đây cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Thời gian này là thời cơ lớn để các doanh nghiệp có sự chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy, phương pháp quản lý tổ chức nhân sự; tổ chức lại bộ máy, đánh giá, sàng lọc nhân viên; tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng tới sự phát triển bền vững.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, việc hợp tác với cơ sở đào tạo đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp. Một số công ty lữ hành đã kết nối với các trường ĐH có chuyên ngành du lịch để hợp tác đào tạo. Sau các khóa huấn luyện, các công ty sẽ thực hiện tuyển dụng từ nguồn do chính mình chung tay đào tạo ra.
Và cũng để việc hợp tác đào tạo nhân lực du lịch trong thời gian tới được tốt hơn, PGS. Hà cho rằng, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này, trong đó phân định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một khâu trong quá trình đào tạo; điều chỉnh khung chương trình giảm lý thuyết, tăng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm. Đồng thời thực hiện tốt công tác dự báo về xu hướng phát triển du lịch thời kỳ hậu Covid -19 làm cơ sở cho việc xây dựng cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh việc hợp tác đào tạo trong nước, PGS. Hà đặt vấn đề khuyến khích mô hình hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp du lịch liên doanh nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có uy tín để người học được thực tập trong môi trường dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế.
PGS. Hà một lần nữa nhấn mạnh, thực hiện bài bản, nghiêm túc việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển nguồn nhân lực, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
V. Ngân
Bình luận (0)